Doanh nghiệp mong ngân hàng “thương” trong năm 2011

Nỗi lo thiếu vốn của doanh nghiệp được gối đầu từ những tháng cuối năm 2010 tới năm sau. Nhiều doanh nghiệp mong được ngân hàng “thương” bằng cách mở rộng hầu bao, hạ thấp lãi suất, kéo dài thời gian vay.

> Các DN cà phê trong nước đang khốn khó

Tại buổi giao ban về tình hình xuất nhập khẩu diễn ra vào chiều 30/12, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (Vasep) cho biết, năm 2011, khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp là thiếu vốn. Với lãi suất như hiện nay, doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.

ngân hàng

Năm 2011, nguồn cung cá tra và cá ngừ sẽ thiếu, nên hiệp hội đang kích thích doanh nghiệp mở rộng sản xuất tinh nhưng có kiểm soát về số lượng, không để phát triển ồ ạt như năm 2008, ông Dũng cho hay.

Mặt hàng cà phê cũng trong tình cảnh tương tự. Ông Phan Hữu Đễ, Tổng thư ký Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam cho biết, định mức hợp đồng cho vay trước kia là 36 triệu đồng mỗi tấn, giờ còn 20 triệu đồng. “Tôi cho rằng, ngân hàng cần nâng định mức cho vay để giải tỏa áp lực vốn giúp doanh nghiệp”, ông Đễ kiến nghị.

Cũng theo vị tổng thư ký này, ngân hàng cần mở rộng hầu bao bằng cách tăng thời gian cho vay lên 6 tháng thay vì 3 tháng như hiện nay. Ông Đễ phân tích, 3 tháng là thời gian quá ngắn và doanh nghiệp nếu không bán được hàng sẽ không có tiền để trả nợ. “Cần đảm bảo ưu tiên cơ cấu tín dụng chảy về xuất khẩu. Nếu không, doanh nghiệp sẽ rất khó tiếp cận vốn”, ông Đễ nói.

Ông Nguyễn Quang Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết đơn vị này sẽ đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của chính phủ, không tăng giá từ nay đến Tết. Thế nhưng, doanh nghiệp đang lỗ rất nặng, ăn sâu vào vốn. Ông kiến nghị, ngân hàng cần đảm bảo ngoại tệ cho doanh nghiệp xăng dầu. Trong tháng 12, ngân hàng mới đảm bảo 2 phần 3 nhu cầu, nên doanh nghiệp phải đi vay số tiền ngoại tệ lớn với lãi suất cao.

“Tháng một tới có nhiều sự kiện trọng đại nên nếu có biến động nào về xăng dầu cũng đều gây xáo trộn. Chúng tôi đảm bảo không đứt nguồn hàng không gây sốt cục bộ nhưng nếu tình trạng vay ngoại tệ khó khăn, doanh nghiệp không nhập khẩu xăng dầu được sẽ khó đảm bảo nguồn hàng”, ông Kiên lo ngại.

Bên cạnh đó, ông Kiên cũng đề nghị Bộ Tài chính và Công Thương hướng dẫn sử dụng quỹ bình ổn giá. Bởi Bộ tài chính yêu cầu doanh nghiệp trích nộp vào quỹ 1.000 tỷ đồng trong khi họ đang thua lỗ nặng là điều phi lý.

Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước khẳng định, các doanh nghiệp có năng lực và uy tín rất dễ tiếp cận vốn vay ngân hàng. Mức vay và thời gian vay còn phụ thuộc vào số vốn doanh nghiệp có.

Với kiến nghị từ phía Hiệp hội cà phê, bà Hạnh cho hay, nếu doanh nghiệp muốn kéo dài thời gian vay phải xác định rõ phương án trả nợ, phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh. Còn cơ chế chính sách cho vay đối với ngành cà phê đã có quy định của Thủ tướng. Trường hợp ngân hàng nào từ chối cho ngành cà phê vay không có lý do, doanh nghiệp cần ghi rõ để cơ quan quản lý xem xét, xử lý. Đại diện của Ngân hàng Nhà nước khẳng định, các tổ chức tín dụng luôn đủ vốn cho doanh nghiệp cũng như có chính sách ưu tiên với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trước khó khăn của doanh nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần triển khai đồng bộ các giải pháp tài chính – tiền tệ để giảm lãi suất trong quý I/2011 xuống mức hợp lý. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cần cung cấp vốn với lãi suất ưu đãi để thu mua tồn trữ một số mặt hàng nông sản xuất khẩu như cà phê, hạt điều, hạt tiêu để giữ giá, tránh thiệt hại cho người nông dân cũng như không bị nước ngoài ép giá.

Các ngân hàng thương mại cần nâng hạn mức tín dụng cho xuất khẩu, dành ưu tiên cho các doanh nghiệp vay mua hàng hóa xuất khẩu, tăng tỷ lệ áp dụng hình thức cho vay tín chấp dựa trên phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh, trong năm tới, để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 23% thay vì để 25% như năm 2010.

“Mục tiêu kiềm chế lạm phát là quan trọng nhưng cần đảm bảo cơ cấu tín dụng ưu tiên chảy về xuất khẩu, tránh chảy vào nền kinh tế ảo như chứng khoán”, Thứ trưởng Biên nói.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85