Đẹp mặt giấy

Vụ Trồng trọt (Bộ NNPTNT) vừa có văn bản định hướng khá hay về cây càphê: Đến năm 2010, cả nước sẽ ổn định diện tích khoảng 460.000ha để tập trung vào thâm canh tăng năng suất, chất lượng, an toàn và hiệu quả; phát triển càphê bền vững trên cả 3 mặt: Kinh tế, xã hội, môi trường…

Đọc văn bản này, nhiều người làm càphê và làm công tác quản lý chính quyền các cấp ở Tây Nguyên có chung nhận xét: Định hướng như vậy là hay, nhưng cái khó trong thực hiện nằm ở giải pháp.

Còn nhớ năm 1994, tỉnh Đắc Lắc cũ từng ban hành “Quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội thời kỳ 1994-2010”, ở trang 36 có ghi: “Đưa diện tích càphê đến năm 2000 là 65.000ha và khoảng 70.000ha đến năm 2010”. Thế nhưng đến năm 2000, diện tích càphê của tỉnh đã trên 250.000ha. Mấy năm càphê rớt giá, chỉ còn 4.000 đồng/kg, dân tự chặt bỏ, diện tích càphê giảm khoảng 20.000ha.

Nhưng 2 năm vừa rồi, càphê được giá, dân lại tiếp tục trồng thêm không dưới 15.000ha. Dù năm nào ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp cũng khuyến cáo người dân không nên mở rộng thêm diện tích càphê mà tập trung thâm canh, nâng cao chất lượng diện tích hiện có, nhưng thấy càphê được giá người dân vẫn cứ trồng. Chính quyền không quản lý nổi. Đơn giản vì 80% diện tích càphê hiện nay là của các hộ dân, nên họ có toàn quyền quyết định trồng cây gì (trừ những cây gây nghiện).

Muốn quản lý quy hoạch cần có giải pháp cụ thể về hành chính và các chính sách kèm theo, làm sao để người dân hiểu được lợi ích của chủ trương và đồng tình. Không có giải pháp tốt, dân không đồng tình, định hướng hay cũng chỉ có tác dụng… đẹp mặt giấy mà thôi.

Theo Lao Động

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81