Tin buồn

Xuất khẩu nông sản: Điệp khúc lượng tăng, giá giảm

Ngày 24.9, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với các hiệp hội ngành hàng nông – lâm – thủy sản bàn biện pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu các tháng cuối năm.

Dù được ghi nhận là các doanh nghiệp (DN) đã hết sức nỗ lực tăng sản lượng xuất khẩu để bù đắp sự giảm sút về giá trong bối cảnh nhu cầu thị trường cả trong và ngoài nước đều suy giảm, song theo các hiệp hội những nỗ lực tự thân vẫn bị kiềm chế bởi những lý do “biết rồi, khổ lắm… vẫn phải nói”.

Xuất khẩu: Khó tăng giá trị gia tăng

Ông Đoàn Xuân Hoà – Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông – lâm – thuỷ sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) – cho rằng: Điểm mặt hầu hết các mặt hàng nông sản, trừ thuỷ sản chế biến của VN hiện nay, đều chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề tăng giá trị hàng XK.

Chính vì vậy, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, nhu cầu các thị trường suy giảm, các mặt hàng “ăn khách” bên cạnh vấn đề đảm bảo chất lượng, phẩm cấp thì năng suất cũng là khâu quyết định thắng thua. Ông đơn cử, mặt hàng chè XK của VN (hiện đứng thứ năm thế giới về sản lượng), song chưa bao giờ tình trạng tư nhân tự phát làm chè “bung ra” như bây giờ.

Làm chè XK, nhưng không kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, năng suất thấp. Điều này ảnh hưởng ngay đến giá thành chè XK. “Hiện trên sàn giao dịch thế giới, giá chè đen trung bình khoảng 3,7USD/kg, trong khi chè đen của VN giá dưới 1USD/kg. Chưa kể, nguy cơ lâu dài, ngành chè sẽ mất thị phần, mất cả thương hiệu” – ông Hoà nói.

Tương tự, mặt hàng càphê, giá càphê hạt (quả tươi) trong nước đang thu mua là 28.000đ/kg thì coi như hoà vốn, lãi chút đỉnh. Càphê có nguy cơ giảm cả về lượng và giá một phần cũng do chất lượng càphê VN không đồng đều, không theo phẩm cấp kỹ thuật nào cả. Vì vậy, không thể nói đến việc nâng được giá trị càphê.

Trong khi đó, ông Lê Văn Ánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN – than thở: Đến nay, chưa có nhà đầu tư nào đầu tư vào công nghiệp chế biến rau quả, vì rủi ro rất lớn. Tình trạng hoa quả XK, như dưa hấu, nhãn… – XK sang Trung Quốc bị chặn lại ở cửa khẩu là những ví dụ điển hình của việc chưa có nhà máy chế biến, bảo quản sau thu hoạch để gia tăng giá trị từ hoa quả XK.

Ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản VN (Vietfores) – cũng cho rằng: Các sản phẩm gỗ XK của VN từ đầu năm đến nay bị phía NK đồng loạt ép giá xuống 10% coi như lãi rất mỏng. Có sản phẩm như bàn ghế ngoài trời xuất sang Mỹ không những bị ép giá, mà nhu cầu người tiêu dùng Mỹ cũng giảm tới 34%. Đầu ra đã vậy, đầu vào – các DN ngành gỗ lại bị đánh thuế 10% nguyên liệu gỗ rừng trồng và XK, càng khiến ngành sản xuất gỗ lao đao.

Hổng khâu phân phối

Ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội XK thủy sản VN (VASEP) – thừa nhận: “Mạng lưới phân phối sản phẩm XK ở thị trường ngoài nước đang trông cả vào DN nước ngoài. Vì vậy, dẫu có đưa được hàng sang thì chúng ta cũng không thể “bán tận ngọn” và trong khi nếu có mạng lưới phân phối, giá trị của sản phẩm tăng gấp nhiều lần.

Ông cho biết, vừa rồi có một doanh nghiệp VN mạnh dạn đầu tư nhà máy chế biến thủy sản tại Mỹ. Giá trị đầu tư ban đầu khoảng 30 triệu USD, nhưng giá bán sản phẩm gấp 5 lần so với việc đưa sản phẩm từ VN sang. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng làm được điều này. “Muốn vươn ra ngoài biên giới phải vào được một mắt xích trong chuỗi giá trị, tiếc là DN VN lực bất tòng tâm” – ông Dũng nói. Ông kiến nghị, Bộ Công Thương nên đề xuất Chính phủ hỗ trợ DN hình thành các hệ thống phân phối sản phẩm ở ngoài nước”.

Bà Trần Thị Thuý Hoa – Tổng thư ký Hiệp hội Caosu VN – cho biết: Để đẩy mạnh XK caosu trong các tháng cuối năm, vấn đề quan trọng là giữ giá XK. Từ đầu năm đến nay, giá caosu tuy liên tục tăng do VN cam kết với nước XK cùng giữ sản lượng, không xuất caosu giá thấp.

Tuy nhiên, xét về trị giá vẫn giảm 40% so cùng kỳ năm ngoái, do giá XK caosu VN phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc. Để tăng kim ngạch XK nông – lâm – thuỷ sản trong 3 tháng cuối năm (dự kiến đạt 3,05 tỉ USD, nâng tổng kim ngạch cả năm đạt 12,4 tỉ USD, theo ông Phạm Văn Chinh – Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho biết: Các ngành chức năng đang thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất nông – lâm – thủy sản, nhất là việc tiêu thụ nông sản và một số ngành hàng có lượng hàng hóa lớn và sản xuất tập trung như lúa gạo, thủy sản và một số nông sản khác.

Các doanh nghiệp ngoài việc đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu những tháng cuối năm 2009 phải cố gắng bảo đảm kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước không thấp hơn kim ngạch xuất khẩu năm 2008. Đặc biệt, nông sản là nhóm mặt hàng ít bị ảnh hưởng bởi thị trường tiêu thụ, nên cần phấn đấu tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu để bù đắp cho các mặt hàng khác giảm cả về lượng và giá.

Theo Lao Động

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79