Kịch bản khủng hoảng Mỹ đang lặp lại tại châu Á?

chauA2407Châu Á có thể phải đương đầu với vấn đề thị trường tăng trưởng quá nóng như Mỹ thời tiền khủng hoảng nhà đất vài năm trước đây. Thị trường và nền kinh tế có thể lại chấn động.

Chưa đầy 10 tháng trước, khắp châu Á chìm trong nỗi sợ khu vực này sẽ trải qua khủng hoảng phá hủy tài sản có nguyên nhân từ khủng hoảng tài chính đã diễn ra tại Mỹ.

TTCK giảm điểm nghiêm trọng, xuất khẩu suy giảm tệ hại, tăng trưởng kinh tế đi xuống.Giá nhà đất tại Trung Quốc và nhiều nơi khác trượt dốc khi tín dụng thắt chặt và người mua rời bỏ thị trường. Thị trường khắp châu Á hoảng loạn.

Thế nhưng nay, nỗi sợ hãi đang chuyển thành sự tham lam khi kinh tế khu vực đón dấu hiệu hồi phục với tốc độ đáng kinh ngạc. Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo bong bóng giá tài sản đã từng xì hơi khi kinh tế toàn cầu suy thoái nay đang phồng to trở lại.

Giá cổ phiếu và bất động sản tại nhiều vùng châu Á tăng chóng mặt. Chỉ số Shanghai Composite của thị trường Trung Quốc tăng hơn 80% trong năm nay còn chỉ số chính của TTCK Indonexia tăng đến 75%. Dù TTCK Mỹ đã tăng điểm mạnh từ mức thấp thiết lập vào tháng 3/2009, chỉ số S&P 500 chỉ tăng chưa đầy 6% so với mức khởi đầu năm 2009.

Cần xem xét những biến chuyển mới trên thị trường châu Á với sự hoài nghi. Giá tài sản cao đồng nghĩa các hộ gia đình cảm thấy giàu có hơn và có thể chi tiêu, đà hồi phục của kinh tế khu vực vì thế được “tiếp sức”. Thế nhưng có rủi ro rằng điều kiện trên thị trường tài chính hiện nay có thể dẫn tới việc giá các loại tài sản tăng quá mức do hoạt động đầu cơ.

Nếu điều đó xảy ra, châu Á sẽ phải đương đầu với vấn đề thị trường tăng trưởng quá nóng như Mỹ thời tiền khủng hoảng nhà đất vài năm trước đây. Lại một lần nữa, thị trường châu Á bên bờ vực khó khăn. Chuyên gia kinh tế Frederic Neumann thuộc ngân hàng HSBC trong báo cáo gần đây nhận xét: “Mầm mống của bong bóng tiếp theo tại châu Á đang bắt đầu.”

Bong bóng này bắt nguồn từ chính sách của chính phủ các nước châu Á. Để ứng phó với tình trạng tín dụng thắt chặt tệ hại năm 2008, nhà hoạch định chính sách kinh tế từ Ấn Độ cho đến Tokyo hạ lãi suất cơ bản và bơm tiền vào lĩnh vực tài chính để giúp dòng chảy tín dụng thông suốt và kinh tế tăng trưởng.

Nếu không làm như vậy, họ cũng không còn lựa chọn nào khác để ứng phó với khủng hoảng tài chính ngày một sâu và gây ra nhiều hậu quả tệ hại. Ngày một nhiều dấu hiệu cho thấy nguồn tiền trên thị trường quá dồi dào. Lượng tiền này khiến giá cổ phiếu và bất động sản tăng, đẩy giá cổ phiếu lên quá cao so với tình trạng thực của nền kinh tế.

Nỗi lo lớn nhất hiện đang tập trung vào thị trường Trung Quốc. Chính phủ nước này đã đưa ra rất nhiều kế hoạch kích thích kinh tế với số tiền và quy mô lớn. So với cùng kỳ năm 2008, tín dụng tăng trưởng 201% trong 6 tháng đầu năm 2009. Trong lúc đó sự hồ hởi khi tăng trưởng GDP quý 2/2009 đạt 7,9% khiến nhà đầu tư vô cùng lạc quan.

Sự kết hợp tất cả những yếu tố trên đã trở thành “lực đẩy” không chỉ đối với cổ phiếu. Giá bất động sản tại các thành phố lớn của Trung Quốc, sau thời kỳ sụt giảm mạnh, nay đang tăng trở lại nhờ chính sách hỗ trợ thuế đối với giao dịch bất động sản của Trung Quốc.

Số liệu từ chính phủ cho thấy so với 1 năm trước giá nhà mới tại 36 thành phố của Trung Quốc tăng 6,3% trong tháng 6/2009. Đáng chú ý, một năm trước là thời điểm sự đi xuống của kinh tế Trung Quốc bắt đầu.

Lĩnh vực nhà đất đang chứng kiến sự lạc quan thái quá, dấu hiệu đầu tiên về một bong bóng mới trên thị trường. Tại thành phố Nam Kinh, Trung Quốc vào trung tuần tháng 7/2009, 3 nghìn người xếp hàng để tranh quyền mua căn hộ tai khu phát triển mới với nguồn cung chỉ là 600 căn. Sau chỉ 1 giờ đầu tiên mở phiên chào bán, hơn 100 căn đã bán hết.

Sự lạc quan thái quá này sẽ gây hại. Công ty xây dựng nhà nước Trung Quốc, công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc, công bố kế hoạch huy động khoảng 7,3 tỷ USD trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại thị trường Thượng Hải. Đây là vụ IPO lớn nhất thế giới trong hơn 1 năm. Nhu cầu cổ phiếu sẽ vượt quá lượng cung ra thị trường.

Lượng cổ phiếu từ một số đợt IPO nhỏ trên thị trường Trung Quốc trong năm nay đã bị thâu tóm nhanh chóng bởi những nhà đầu tư tham lam với ham muốn đánh bạc như trước. Ông David Cui, chuyên gia chiến lược đầu tư tại Merrill Lynch tại Thượng Hải, nhận xét: “Thị trường Trung Quốc chưa bước vào giai đoạn bong bóng, nhưng rủi ro cho khả năng này rất lớn bởi nguồn cung tiền dồi dào dễ dãi trên thị trường.”

Vấn đề trên không chỉ của riêng Trung Quốc mà của chung toàn châu Á. Tại Singapore, giá nhà đất đang tăng bất chấp kinh tế quốc đảo vẫn suy thoái. GDP quý 2/2009 của Singapore được dự báo suy giảm 3,7% so với 1 năm trước, chỉ số được cho là chỉ báo về tình hình thị trường nhà đất tương lai, tăng 5% lên mức cao kỷ lục trong quý 2/2009.

Tại Hồng Kông, thành phố nổi tiếng với sự tăng trưởng bùng nổ của thị trường bất động sản, giá nhà đất đã tăng trở lại tính từ mức thấp thiết lập vào năm 2008, nhiều khả năng giá nhà đất sẽ lại sớm leo lên mức đỉnh cao vào giữa năm 2008 (theo dự đoán của HSBC).

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế bắt đầu lo ngại giá tài sản đang tăng quá nhanh. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bắt đầu đưa ra biện pháp mới đối với thị trường tín dụng, biện pháp này được cho là dấu hiệu của động thái hạn chế tín dụng trong thời gian tới.

Thế nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Ngân hàng Trung ương sẽ không dám áp dụng biện pháp quá mạnh trong bối cảnh sự phục hồi mới chỉ nhen nhóm còn kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn. Ông Andy Rothman, chuyên gia kinh tế tại Thượng Hải của công ty môi giới CLSA, nhận xét: “Khả năng chính phủ Trung Quốc đưa ra biện pháp thắt chặt tín dụng gần như không có, sự hồi phục của nền kinhtế mới chỉ bắt đầu.”

Dù vậy, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng sự hào hứng không chỉ tồn tại trong thị trường bất động sản mà còn ở thị trường chứng khoán vẫn ở mức chưa thật sự đáng lo ngại.

Chỉ số Shanghai Composite dù tăng 80% trong năm nay nhưng vẫn chưa bằng một nửa so với mức đỉnh cao vào cuối năm 2007. Chuyên gia kinh tế Rothman nhận định: “Thời kỳ lạm phát giá tài sản bắt đầu, thế nhưng quá sớm để khẳng định bong bóng đang hình thành.”

Nếu chính sách kinh tế của chính phủ các nước không sớm thay đổi, sự dễ dãi trên thị trường tín dụng sẽ vẫn tồn tại, khả năng xảy ra bong bóng là rất lớn. Ngân hàng đầu tư Nomura Holding trước biến động của thị trường bất động sản Trung Quốc cho rằng: “Chúng tôi tin khả năng bong bóng là có thật và bong bóng sẽ ngày một phình to hơn.” Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu lên đỉnh và xuống đáy quá nhiều lần, vượt xa tưởng tượng của bất kỳ ai trong suốt 2 năm qua, châu Á có thể lại đang hướng tới thời kỳ suy giảm.

Nguyễn Thịnh
Theo CafeF/ Time

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82