Đến huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) vào đúng vụ nên đi đâu cũng gặp, cũng nghe những câu chuyện về cà phê. Sức nóng thị trường ở đây không đo bằng giá vàng hay giá USD mà bằng giá cà phê. Chuyện công chức nhà nước ở Lâm Hà trồng cà phê cũng được xem như “chuyện thường ngày ở huyện”!
Xung quanh chuyện cà phê
Câu chuyện dễ đề cập nhất ở Lâm Hà là về cà phê. đơn giản vì ở đây có tới hơn 80% hộ trồng loại cây này. Người lớn, trẻ con trong gia đình, ai cũng từng tham gia vào 1 khâu nào đó trong việc trồng và chăm sóc cà phê…
Chính vụ thu hoạch, vào nhà các hộ ở Lâm Hà thường khó gặp gia chủ, bởi tất cả đang tập trung cho việc hái cà phê; mọi khoảng trống sân vườn mỗi nhà, dù là nhỏ nhất, cũng được dành để phơi cà phê.
Thu hoạch cà phê ở Lâm Hà, Ảnh: Phước Tuấn/Giacaphe.com
Trò chuyện cùng chị Đỗ Thị Hoa, xã Hoài Đức, giữa vườn cà phê chín đỏ, chị cho biết: Gia đình chị vào Lâm Hà làm kinh tế mới được hơn 20 năm, trồng được 2 ha cà phê, năm nay cà phê được giá (34.000đ/kg) nên trừ chi phí, gia đình chị cũng bỏ ra được ngót nghét 100 triệu đồng – con số mơ ước đối với nhiều người làm nông nghiệp. Đó là chị chưa kể khoản thu không nhỏ từ 1 ha dâu tằm… Làm việc với lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà, được biết, năm nay, những gia đình bỏ ra được trên dưới 100 triệu từ cà phê như gia đình chị Hoa, ở Lâm Hà đếm không xuể!
Cà phê phải chăm sóc quanh năm, nhưng vụ thu hoạch bao giờ cũng bận rộn và cần nhiều lao động nhất. Riêng huyện Lâm Hà hiện có tới 40.000 ha cà phê. Đây chính là lý do để những ngày này, có khá nhiều lao động từ các tỉnh lân cận như: Đăk Lăk, Phú Yên, Khánh Hòa, thậm chí từ Thanh Hóa, Nghệ An đổ vào làm công việc thu hái và sơ chế.
Gia đình chị Hoa hiện cũng thuê 6 lao động, mức lương khoán mà gia đình chị hiện đang trả cho lao động hái cà phê là 100.000 đồng/ngày/người; hay như công nhân làm công việc sơ chế, sấy cà phê nhân tại xưởng của anh Nguyễn Như Tùng, xã Hoài Đức, mức lương đã trừ cơm nuôi cũng xấp xỉ 3 triệu đồng/tháng. Với lao động phổ thông thì mức lương này khá hấp dẫn, công việc lại không quá nặng nhọc. Tuy nhiên, ở Lâm Hà lại xảy ra tình trạng “khát” lao động. Lợi dụng tình hình này, một số môi giới lao động đã bán đứng các lao động; thậm chí không ít kẻ xấu trà trộn vào đội ngũ những người lao động rồi “ứng trước tiền” và mất tích sau khi làm được vài ngày.
Theo anh Nguyễn Tiến Thành, Phó chánh văn phòng UBND huyện Lâm Hà, biết trước tình hình này, chuẩn bị vào vụ thu hoạch cà phê, UBND huyện đã chủ động phối hợp với các ban, ngành quản lý về tạm trú, tạm vắng, tuyên truyền để hạn chế tối đa những trường hợp đáng tiếc do những lao động thời vụ gây ra.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn hiện tượng phải thu hái cà phê xanh do lo bị mất cắp, dẫn đến giảm giá trị của cà phê, nhiều xã ở Lâm Hà còn thành lập Đội tự vệ dân cử, dân nuôi, bao gồm những người có uy tín, có tinh thần trách nhiệm, do dân bầu ra và dân trả tiền công hàng tháng. Sau mấy mùa thu hoạch, lực lượng này đã phát huy hiệu quả khá tích cực, góp phần làm giảm tối đa hiện tượng hái trộm thường hoành hành khi cà phê chín rộ.
Mỗi cán bộ huyện, xã là 1 nông dân
Trên chuyến xe về xã Phúc Thọ, Hoài Đức, anh lái xe tên Minh và anh Thành Phó chánh văn phòng UBND huyện Lâm Hà luôn miệng thăm hỏi nhau về việc cà phê xanh hay chín, đã thu hoạch chưa? Năng suất thế nào… Hỏi ra mới hay, ở Lâm Hà, việc trồng cà phê không phải của người dân mà có tới 90% cán bộ huyện, xã tham gia. Chính vì vậy, không quá ngạc nhiên khi trong chuyến đi thực tế về việc phát triển kinh tế từ cây cà phê ở Lâm Hà, “danh sách” những hộ trồng cà phê có thu hoạch cao và có mức thuế nộp lớn, có tên rất nhiều cán bộ huyện, xã.
Đơn cử như: Gia đình ông Hoàng Sơn – Phó văn phòng huyện ủy; gia đình ông Nguyễn Danh – Chủ tịch xã Phúc Thọ, mỗi gia đình có tới 5 – 6 ha cà phê, ngoài ra còn mở thêm xưởng thu mua, sơ chế cà phê, mỗi năm thu mua 500 – 600 tấn. Hay gia đình Chủ tịch xã Hoài Đức – ông Nguyễn Khánh Cường cũng có 5 – 6 ha, Bí thư xã Hoài Đức – ông Nguyễn Văn Đức 8 – 9 ha; ông Trần Thanh Phương, Bí thư huyện ủy, ông Phạm Văn Khả – Phó bí thư huyện ủy, ông Trần Văn Tự – Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà… nhà nào cũng có 1,2 vườn cà phê trải dài.
Từ việc trồng cà phê, nhiều cán bộ huyện, xã xây được nhà, sắm xe ô tô riêng, cho con cái theo học các trường chuyên, đại học ở Đà Lạt, TP.HCM. Nói vui, nhưng cũng là sự hiển nhiên, công việc trồng cà phê là công việc phụ nhưng so với lương công chức thì cà phê lại cho… thu nhập chính. Mức thu nhập từ cà phê những năm cà phê được giá, có thể nói là khá cao, lương công chức mẫn cán ở thành phố cũng khó so bì.
Nói về “xuất xứ” của việc công chức trồng cà phê, ông Đinh Tấn Bái – Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Lâm Hà chia sẻ: Huyện Lâm Hà được thành lập năm 1987, trên cơ sở sáp nhập toàn bộ Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng với 5 xã của huyện Đức Trọng. Do đó, người Lâm Hà đa phần là dân đi làm kinh tế mới, từ Hà Nội, Hà Tây (cũ), Ninh Bình, Thái Bình, Nam Hà, Bắc Ninh… vào. Nhiều gia đình đã sống 2, 3 đời trên vùng đất này. Gia đình nào cũng đều bắt đầu từ việc khai hoang, mở đất, trồng trọt, chăn nuôi…Và trồng cà phê là một trong những kế mưu sinh hiệu quả mà nhiều gia đình lựa chọn.
Cán bộ huyện, xã là những người đi trước đón đầu trong việc nắm bắt khoa học – kĩ thuật mới để phổ biến cho bà con, chính vì vậy họ cũng nắm chắc kĩ thuật trồng và chăm sóc cà phê, nên mạnh dạn đầu tư khá lớn cho cà phê. So với 1 kĩ sư nông nghiệp mới ra trường, “vốn” về chăm sóc cà phê của cán bộ huyện, xã ở Lâm Hà có khi còn giàu có hơn! – ông Bái nói vui – “Cán bộ nào cũng bận công việc cơ quan, đoàn thể, nên vườn cà phê hầu hết thuê người làm, từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch… và thường chỉ thăm vườn vào những ngày thứ 7, chủ nhật. Bên cạnh việc học hỏi kiến thức để hướng dẫn người làm vườn, chúng tôi gắn kết với họ bởi niềm tin, vì công việc trồng cà phê là cả quá trình dài…”, ông Bái bộc bạch.
Một vụ cà phê thắng lợi đang vào những ngày thu hoạch cuối cùng. Bao lo toan lại dành cho vụ cà phê tiếp theo, nào chuyện giá phân bón tăng cao, nào mưa có thuận, cho hoa nhiều, cho trái trĩu cành… Những mong, cùng với kinh nghiệm làm ăn và ý chí lập nghiệp, sự tần tảo của người trồng cà phê sẽ có thêm sự ủng hộ của thiên nhiên, để mỗi lúc gặp, lại được nghe, được thấy những nụ cười “được mùa” của người dân Lâm Hà.