Phân bón chứa chất độc – Sự thật đang được che giấu?

Thật là bất ngờ khi một nhà nông ghé thăm chúng tôi, trên tay cầm chai phân bón lá mới mua ghi rõ thành phần hóa chất có chứa Nitrobenzen, một chất rất độc hại nguy hiểm đã được cảnh báo. Đề hiểu rõ, Ban biên tập Y5cafe đăng lại bài viết này với mong muốn bà con cần thận trọng hơn khi sử dụng loại phân bón này.

Theo thống kê mới nhất  của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 200.000 người phát hiện bị ung thư. Chất độc từ khắp nơi trên thế giới đang đổ về VN vì chúng ta chưa có biện pháp ngăn chặn hợp lý mà quan trọng hơn là vì những khoản lợi nhuận kếch sù của các doanh nghiệp.

Có những chất độc được ghi cụ thể để người dân còn biết đường phòng tránh, nhưng còn nhiều chất độc khác được ngụy trang thành chất bảo quản, chất gia vị. Riêng chất độc trong phân bón đang thực sự trở thành mối họa tiềm ẩn với nông dân.

Chất độc thành phân bón lá cao cấp

Vì có người nhà mắc bệnh mỡ máu nên vừa qua trên đường từ huyện Tháp Mười, tỉnh Đông Tháp chúng tôi ghé mấy ao sen ở xã Đốc Binh Kiều (huyện Tháp Mười) tính xin mấy lá sen về làm thuốc. Vừa bước vào căn chòi bên bờ ao chợt xộc lên mùi cay nồng chảy cả nước mắt – chủ ao sen đang pha thuốc chuẩn bị xịt cho sen, tôi nhìn chai thuốc hóa ra đấy là PHÂN BÓN LÁ CAO CẤP BOOM FLOWER-n của Công ty BVTV An Giang, thành phần hóa chất được ghi rất cụ thể: Nitro Benzen: 20%; Chất trải bề mặt: 40%; Phụ gia: 40%.

Thật bất ngờ chất độc Nitro Benzen lại được đăng ký và quảng cáo rất rầm rộ với tên thương mại Boom Flower-n. Trên trang web của Công ty BVTV An Giang có tới 28 bài viết mô tả Nitrobenzen như một loại…thần dược, nào là tăng năng suất trên lúa, chống ngộ độc hữu cơ, hồi phục sức khỏe cho lúa khi bị xịt thuốc rầy quá nhiều, rồi hạn chế rụng quả, tăng năng suất cho cà phê…Bạo hơn, Cty còn khuyến cáo dùng “PHÂN BÓN LÁ CAO CẤP” này cho cả cây rau màu ngắn ngày từ hành lá tới đậu đỗ, dưa leo, khổ qua, dưa hấu, cà chua…

Đặc biệt nguy hiểm và tệ hại hơn khi bà Nguyễn Thị Tân, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật cây ăn quả & cây công nghiệp tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Boom Flower rất phù hợp cho giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng cây chè tại tỉnh Lâm Đồng”.

Không chỉ quan chức cấp tỉnh phía Nam “ủng hộ hoành tráng” như bà Tân mà Nitrobenzen cũng được một số quan chức ở vùng vải thiều Hải Dương và một số tỉnh phía Bắc “nhiệt liệt hoan nghênh”. Xa hơn, Cty BVTV An Giang còn đưa “PHÂN BÓN LÁ CAO CẤP” này vào chương trình quảng bá rầm rộ nhất ngành NN&PTNT “Cùng nông dân ra đồng”, thậm chí còn thông qua Trường Đại học Cần Thơ để rao cùng sinh viên.

phan-bon-chua-chat-doc
Nông dân đang sử dụng phân bón lá
mà không biết trong đó có chất độc

Không phải một “bom” mà rất nhiều “bom”

Khi đi tìm hiểu để viết bài này chúng tôi mới biết không chỉ một Cty BVTV An Giang giàu có đã dám đưa Nitrobenzen làm phân bón mà rất nhiều công ty khác nhỏ hơn, nghèo hơn cùng ăn theo, cùng đăng ký là PHÂN BÓN LÁ và cùng “nổ” như…bom. Trên thị trường hiện có trên 10 loại sản phẩm “ăn theo”, nào là Bom vàng (BOM Gold) của Cty TNHH Hóa Nông, nào là Bom Mỹ (BOM USA) của Cty TNHH Á Châu, nào là Bom bi (BOM bi Muti Super) của Cty Nông Việt Đức, nào là BOM mới (BOOM newer) của Cty TNHH Tấn Hưng, nào là siêu BOM (Super BOM) của Cty TNHH Anh Em…Trong hàng loạt “Bom” trên đều được trình bày nhãn đẹp, kiểu chai, công dụng, cách dùng na ná như Boom Flower-n của Cty BVTV An Giang.

Điều nguy hiểm hơn là trong thành phần công bố chỉ có sản phẩm MDV BOMY (của MDV Agrochem) ghi có Nitrobenzen như Boom Flower-n còn các sản phẩm khác đều giấu nhẹm chất độc trên mà chỉ ghi chung chung là khoáng, vi lượng và vitamin. Ví dụ nhãn của Bom Gold ghi: Khoáng đa trung vi lượng, vitamin, kích thích sinh trưởng; Bom USA ghi: Khoáng đa trung vi lượng; Bom newer ghi: Các khoáng đa trung vi lượng, Super Bom ghi: Các khoáng đa trung vi lượng, Nitro phenol; Bom bi ghi: Các khoáng đa, trung, vi lượng, hữu cơ…

Mặc dù giấu nhẹm chất độc Nitrobezen nhưng khi đọc qua công dụng và thành phần cũng như ngửi mùi cay nồng xốc đến ói mửa thì có thể khẳng định – Nitrobenzen là thành phần chính của những “PHÂN BÓN LÁ CAO CẤP” trên.

Ý kiến của TS Nguyễn Trung Bình, Trưởng bộ môn Đất- Phân (Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam)

Với cây trồng, Nitrobenzen là chất ức chế sinh trưởng. Năm 2006, chính tôi đã làm khảo nghiệm chất này nhưng lúc đó ý kiến các nhà khoa học chưa thống nhất với nhau. Nitrobenzen rõ ràng là một chất độc, nhưng vẫn có thể dùng cho nông nghiệp, nhưng để quản lý được, có chỉ định cụ thể, có cảnh báo an toàn thì theo tôi không nên để đăng ký bên phân bón mà phải được quản lý bên thuốc BVTV.

Hơn nữa trong quyết định 100/2008/QĐ-BNN của Bộ NN&PTNT về quản lý phân bón có ghi rằng “Tổng hàm lượng các chất điều hoà sinh trưởng so với khối lượng sản phẩm đối với phân có bổ sung chất điều hoà sinh trưởng thì định lượng bắt buộc phải nhỏ hơn hoặc bằng 5%”, nên việc đưa chúng khỏi danh mục phân bón là cần thiết.

Nitro Benzen độc hại như thế nào?

Theo những tài liệu về hóa học mà chúng tôi có được Nitrobenzen có công thức C6H5NO2, công thức cấu tạo có nhân thơm benzen điển hình, được dùng trong công nghiệp sản xuất anilline, xà phòng, xi đánh giày, thuốc nhuộm, thuốc nổ và thuốc bảo vệ thực vật, chất điều hòa sinh trưởng cây trồng…

Độc tính của Nitrobenzen được ký hiệu R23: Độc qua đường hô hấp, R24: Độc qua tiếp xúc với da, R25: Độc qua đường tiêu hóa, R40: Cơ sở của tác nhân gây ung thư, R48: Độc nếu tiếp xúc lâu dài, R51: Độc với động vật thủy sinh, R62: nguy cơ giảm khả năng sinh sản.

Trên người: khi tiếp xúc qua da làm da bỏng rát; khi thở phải gây thiếu ôxy trong máu; khi nuốt phải bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, hôn mê và ngừng thở. Liều gây chết qua đường miệng từ 1- 5 gam. Những người thường tiếp xúc sẽ mắc chứng thiếu huyết cầu tố, ngộ độc gan (gan to, vàng da, biến đổi hóa tính huyết thanh, lách to), ngộ độc thần kinh (nhức đầu, nôn ói, choáng, mất thăng bằng, mất cảm giác tay chân…), tiềm ẩn gây ung thư…

Thời gian phân hủy của Nitrobenzen tùy thuộc nhiều yếu tố nhưng từ 64 ngày – 125 ngày.

Còn nhớ “một Chernobyl hóa chất” xảy ra ngày 13/11/2005 tại NM Hóa chất Cát Lâm, tỉnh Hắc Long Giang – Trung Quốc làm 100 tấn Benzen và Nitrobenzen tràn ra môi trường khiến cho 10.000 người phải sơ tán và cá trên sông Tùng Hoa chết trắng kéo dài cả 100km.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. nguyễn dăng uynh

    Đọc bài phân bón chứa chất độc mà tôi thấy rùng mình không nhẽ vì lợi nhuận mà để con người bị bệnh ung thư à.

    1. Phan Văn Tựa

      Boom Flower có chứa chất độc nitrobenzen là một chất khó phân hủy và cấu tạo hóa học của nó không bị bẻ gẫy. Tại sao Ngành Nông nghiệp lại cho sản phẩm này tung ra ngoài cho nông dân sử dụng mà đem lợi nhuận về cho các doanh nghiệp phân phối BVTV? Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Bàn cãi nhiều mà không có người chịu trách nhiệm chính cho vụ này. Thật đáng buồn cho một nền Nông nghiệp VN, mà người phải gánh chịu lại là người nông dân.

  2. Nguyễn Quốc Việt

    Đọc bài trên tôi thấy sợ thật, mà sao vẫn cho sản xuất tràn lan như vậy? Mà không biết chất độc này nó ảnh hưởng qua đường nào, tôi vẫn thường sử dụng để chăm sóc cây cảnh, hít thở hay tiếp xúc qua da có ảnh hưởng gì không nhỉ?

  3. Nguyễn Vịnh

    Để xác định trong loại phân bón lá mình sử dụng có Nitrobenzen hay ko thì bà con chỉ có một cách là ngửi xem có mùi thơm xộc lên mũi cay nồng để xác định. Tất nhiên chỉ ngửi sơ qua thôi chứ ko được hít sâu, rồi tống hết hơi trong phổi ra. Tác hại trên người bài viết đã có nói.
    Có nhiều loại phân bón lá ko có hóa chất này. Nên cảnh giác các loại có mùi thơm!

  4. Chất độc

    Nitrobenzene có độc tính cao và dễ hấp thụ qua da. Nếu tiếp xúc kéo dài có thể tác hại nghiêm trọng đến hệ thống thần kinh trung ương, làm giảm tầm nhìn, tổn hại gan và tuyến thượng thận, gây thiếu máu và kích thích phổi. Hít có thể gây ra nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi, chóng mặt, tím tái , yếu ở cánh tay và chân, có thể làm tăng nhịp tim, co giật và có thể gây tử vong.
    Trong Thông tư của Bộ Công nghiệp số 01/2006/TT-BCN ngày 11 tháng 4 năm 2006, trong phụ lục số 3 “Danh mục hóa chất độc hại và sản phẩm hóa chất độc hại”, Nitrobenzene nằm vị trí thứ 63.

  5. NGUYỄN THỊ MỸ AN

    Tôi thật sự thấy rùng mình khi đọc những miêu tả mà chất độc Nitrobenzen gây ra. Các bạn biết không? Người chịu những ảnh hưởng trực tiếp từ chất độc này là những người nông dân tay lấm chân bùn. Họ phải vất vả lắm mới sản xuất ra hàng nông sản, nhưng lợi nhuận từ sản phẩm bán ra chẳng có bao nhiêu. Trong khi các doanh nghiệp đua nhau giành lấy lợi nhuận từ những sản phẩm độc hại như thế thì đang có những người nông dân phải chịu thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần đó các bạn ah!
    Làm gì thì cũng phải nghĩ cho người khác một chút chứ!

  6. Phạm Đình Hùng

    Đọc bài viết trên tôi thấy thật đáng sợ vì chất độc tồn tại ngang nhiên, không được cơ quan Nhà nước kiểm soát một cách nghiêm ngặt. Tôi đề nghị phải có những biện pháp trừng trị nghiêm khắc và thích đáng đối với những kẻ coi rẻ tính mạng con người.

  7. Nguyễn Ngọc Lan

    Tôi ủng hộ tác giả nài báo này. Tuy vậy một sản phẩm có nhãn hiệu hàng hóa, có xuất xứ thì đã được các cơ quan chức năng kiểm định, và ít nhất cũng phải có các thí nghiệm và mô hình trình diễn tối thiểu, và đã được các cơ quan chức năng cho phép. Đã có ai bị ngộ độc, có ai bị ung thư do hậu quả của phân bón lá chứa chất nitrobenzen gây ra?? cần có con số thống kê chính xác. Như vậy nồng độ và hàm lượng tối đa cho phép có trong phân bón lá của các cơ sở trên là bao nhiêu?? Nếu rõ ràng sản phẩm lưu hành trên thị trường mà là mối nguy đe dọa sức khỏe của cộng đồng thì cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc và đình chỉ các cơ sở phân bón lá dạng này và có kế hoạch tiêu hủy các sản phẩm này.

  8. Nguyễn Ngọc Lan

    Nếu đã có chứng cứ rõ ràng về các cơ sở sản xuất phân bón lá chứa chất nitrobenzen vượt ngưỡng cho phép. Cần thiết phải được phát sóng cảnh báo trên VTV để bà con nông dân thận trọng hơn trong việc sử dụng các sản phẩm nông dược. Comment để xã stress thôi chứ các nhà quản lý ít ai để ý các comment này.

    1. toanrcafe

      Chính vì các nhà quản lý ít ai để ý nên chúng ta mới nói để nhắc nhở, thông tin cho nhau biết đó bạn. Đợi các vị ấy nói thì đến bao giờ. Bà con cần chứ các vị có cần đâu.

  9. thanh_le_drao

    Tốt nhất chúng ta nên sản xuất theo hướng bền vững, bón phân hữu cơ, vi sinh. Kính thưa bà con tôi là dân trồng cà phê 8 năm nay tôi không hề phun một loại thuốc bảo vệ thực vật nào chỉ mùa thu hoạch hơi bị kiến thôi. Dùng thuốc bảo vệ thực vật nhiều ảnh hưởng lâu dài nên chúng ta chỉ phun vào lúc cấp bách thôi.

    1. Tuan Huynh

      Thưa quí vị! thú thật đọc bài này rất có giá trị cho người dân chúng ta. Nhưng sao tôi cảm thấy bất an cho cách quản lí lỏng lẻo của các cấp quản lí của Nhà nước ta quá !

  10. nghenhin

    Đọc xong mới thấy người nông dân quá thiệt thòi đủ mọi thứ! Thiếu nhận thức nên đã bị một số công ty nói chung hay một số cá nhân nói riêng đã lợi dụng .Sản lượng làm ra nhiều thì bị ế ẩm bởi cung vượt cầu. Dùng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật thì mua toàn loại hàng kém chất lượng hoặc chứa chất độc hại, dẫn đến việc các tư thương mặc sức tung hứng giá cả không có một mặt bằng chung cho các loại sản phẩm. Các loại cây trồng vật nuôi thì bị ảnh hưởng do các chất độc hại trong thuốc BVTV, thức ăn, phân kém chất lượng dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe của người trực tiếp làm ra sản phẩm. Làm lợi gián tiếp cho đội ngũ y bác sĩ… Oái, càng nói càng thấy chán chắc phải quay lại thời kỳ đồ đá mất … Dùng phân xanh và canh tác thủ công sản phẩm hơi kém nhưng chất lượng lại cao, giữ được môi trường sống xanh sạch đẹp. Chứ nếu dùng các loại sản phẩm thì bắt buộc các cơ quan quản lý khi cấp phép cũng nên nhìn nhân lại trách nhiệm trước khi cho sản phẩm phục vụ công chúng mới đúng chứ! Bài viết này rất hay nhưng chưa nói cơ quan chủ quản nào sẽ chịu những tác dụng của loại phân bón cao cấp kiểu… giết người này!

  11. Đại ca chùa bộc

    – Trên thị trường có rất nhiều loại phân bón lá mà nhiều khi chúng ta không biết chất lượng và hóa chất trong đó là gì. Tại vì lợi nhuận của việc buôn bán phân bón lá là quá cao nên các công ty cũng như các đại lý thuốc bảo vệ thực thi nhau sản xuất, thi nhau bán. Đơn giản là trong phân có các chất điều hòa sinh trưởng như Auxin, GA3,… là cây sinh trưởng, ra rễ nhiều là thấy tốt.

    + Nói đơn giản, chỉ cần pha ure 0,2 – 0,5% phun cho cà phê là cũng phát đọt, cây xanh tốt lá. Tất nhiên, cũng có nhiều loại phân bón lá rất tốt mà chúng ta không thể phủ nhận.

    + Hiện nay, còn có cả phân bón lá mà đem đổ gốc. Xin lỗi các công ty có các loại phân đó, chứ thực sự nếu mà dùng bón lá mà bón gốc thì giống như muối bỏ biển.

    – Còn về việc chất lượng của nó có trời mới biết. Các cơ quản lý cũng chịu thua và không có cơ chế nào. Đi phân tích mẫu thì quá mất thời gian và tốn tiền, xử phạt thì quá ít tiền để kiềm chế sản xuất dởm.

  12. dinh xuan eatul

    Sợ quá đi ! Lâu nay chỉ có phun thuốc mới mang áo mưa đeo khẩu trang, còn phun phân bón lá thì chủ quan không dùng bao hộ, không khéo tích lũy trong người đủ ung thư rồi. Không biết lúc nào thì các nhà quản lý để ý đến sức khỏe của 80% nông dân như các nước phát triển đây. Cảm ơn tác giả và Y5 đã đăng và cảnh báo.

  13. Đặng Trần Hiệp

    Cục Trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng còn tuyên bố hoa quả Trung Quốc có hàm lượng thuốc độc gấp 16 lần tiêu chuẩn Việt Nam mà vẫn dùng tốt thì những chuyện trên là tất yếu

  14. Tung

    Chất thật sự quá độc hại, mọi người phải cần thận. Các ngành chức năng nên cân nhắc trước khi đưa vào sử dụng. Hãy vì sức khỏe người dân và thế hệ con em chúng ta.

  15. Nguyen nam

    Nông dân khó biết lắm. Ra mua người bán giới thiệu cái nào la sào cái đó. Thua. Ngửi như bác nói hơi khó.

  16. Bùi Minh Tuyến

    Phân bón chứa chất kích thích sinh trưởng Atonk hiện nay được dùng tràn lan như một bí quyết thần dược cho nông dân, thực sự là quá nguy hiểm khi nó được quảng cáo dùng cho rau sạch để gây hiểu nhầm cho người dân rằng nó không nguy hiểm, thực tế thành phần chính của nó là Nitrophenolate cực kì độc hại. Phần lớn người dân hiện nay không hề niết Nitro thơm là gì và độc tính của nó ra sao do dân trí còn chưa cao.

Tin đã đăng