Việc thu hái cà phê xanh không chỉ làm giảm năng suất mùa vụ, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỏ ra rất bức xúc: “Nạn hái trộm cà phê đã diễn ra từ nhiều năm rồi nhưng đến nay vẫn chưa có động thái gì từ cơ quan chức năng. Chúng tôi bức xúc lắm và đề nghị chính quyền địa phương các cấp phải vào cuộc quyết liệt hơn, tăng cường tuần tra, giám sát để phát hiện kịp thời và ngăn chặn kẻ xấu, bảo vệ tài sản cho bà con trồng cà phê. Đây là trách nhiệm của lực lượng công an và các cấp chính quyền ở địa phương, Bộ NN-PTNT không thể làm thay được và cũng không có khả năng để giải quyết”.
Ông Ngọc cho biết thêm: “Cùng với nạn hái trộm, áp lực từ việc khan hiếm lao động khi vào chính vụ đã khiến cho nhiều người dân buộc lòng phải thu hoạch cà phê chưa chín. Đây là việc làm gây thiệt đơn, thiệt kép. Lâu nay, Bộ NN-PTNT thông qua việc tạo ra cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thu mua cà phê hái chín cao hơn giá mua cà phê hái hỗn hợp; xây dựng mô hình phát triển cà phê bền vững, các doanh nghiệp hỗ trợ cho nông dân đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu toàn bộ đầu ra nhằm từng bước nâng cao chất lượng cà phê Việt, khẳng định thương hiệu cà phê Việt trên thương trường. Hái cà phê xanh không chỉ làm giảm năng suất mùa vụ, giảm chất lượng của sản phẩm, giảm hiệu quả kinh tế mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế”.
Tương tự, ông Trần Việt Hùng, Phó ban chỉ đạo Tây Nguyên, cho biết trộm cắp cà phê đang là hiện tượng nhức nhối ở nhiều tỉnh và diễn ra đã khá lâu. Để giải quyết có hiệu quả, ông Hùng cho rằng các địa phương cần phải chủ động và có biện pháp mang tính tổng hợp. Trong khi đó, ông Trần Đình Thu, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, nhận định tình trạng ăn cắp cà phê đang có diễn biến phức tạp và việc ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn. “Chúng tôi đã biết tình trạng này và đã giao cho công an các huyện phối hợp với xã thực hiện nhiều biện pháp để phòng chống. Tuy nhiên, các vườn cà phê rải đều khắp nơi, địa bàn rất rộng trong khi đó lực lượng công an chỉ hạn chế. Thời điểm này, do được giá nên không chỉ cà phê mà cao su cũng dễ xảy ra tình trạng mất cắp”, ông Thu cho biết.
Để ngăn chặn có hiệu quả, ông Thu cho biết các địa phương cần phải xác định được các địa bàn trọng điểm để từ đó phối hợp với lực lượng chức năng chủ động các biện pháp phòng ngừa. “Chúng tôi cũng vừa lên phương án mở đợt cao điểm bảo vệ an ninh trật tự từ nay cho đến Tết Nguyên đán, trong đó chống trộm cắp cà phê sẽ được coi là lĩnh vực ưu tiên mà các lực lượng địa phương sẽ tập trung để hỗ trợ với người dân. Ngoài ra, trong các vụ trộm cắp được phát hiện, với mức vi phạm từ 2 triệu đồng trở lên, chúng tôi đều bắt giữ đưa ra thành án điểm để răn đe kẻ xấu”, ông Thu nói.
Thu hoạch non
Tây Nguyên vốn là vùng chuyên canh cà phê lớn nhất ở nước ta. Nhưng chính nơi đây cũng làm giảm uy tín của sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới bởi cà phê thu hoạch non, không đạt chất lượng.
Nhiều doanh nghiệp đã phải dở khóc dở mếu vì hàng bị đối tác trả lại, khiến thiệt hại hàng triệu USD. UBND các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai đã tổ chức không ít hội thảo về nâng cao chất lượng cà phê, khuyến cáo không nên thu hái cà phê non. Nhưng trước tình trạng trộm cà phê hoành hành, người nông dân vẫn phải bấm bụng thu hoạch khi chưa đến thời điểm tốt nhất.
[ Thu hoạch cà phê non – thiệt hại lớn ]
Ngay đầu niên vụ cà phê 2010-2011 này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành hai chỉ thị về việc bảo đảm an ninh trật tự trong vụ thu hoạch, xử lý nghiêm các trường hợp hái cà phê xanh, để giữ ổn định chất lượng cà phê. Hầu hết chính quyền địa phương các vùng chuyên canh cà phê trong tỉnh đều tăng cường công tác bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên, nạn hái cà phê xanh vẫn còn khá phổ biến ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa có trường hợp nào được “xử lý nghiêm”. Ông Y Doăng Niê, Phó chủ tịch UBND xã Ea Knuếk, H.Krông Păk, cho biết: “Xã đã thông báo yêu cầu các đại lý nông sản trên địa bàn không thu mua cà phê xanh, nhưng không thể có lực lượng kiểm soát việc kinh doanh bình thường ở các đại lý, kể cả khi những nơi này mua bán cà phê xanh”. Theo ông Y Doăng Niê, sợ mất trộm trên rẫy khiến người dân thường hái cà phê xanh, ngoài ra còn do thiếu nhân công từ vùng đồng bằng lên, các hộ không thể kéo dài vụ thu hoạch để đợi cà phê chín vì sẽ tốn kém rất nhiều công thu hái.
Bỏ quên chất lượng
Hiện đã có đến 10 tiêu chuẩn cà phê được các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thương mại, Khoa học-Công nghệ yêu cầu áp dụng. Gần đây nhất, Việt Nam đã chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế ISO 10470:2004 và soạn thảo thành TCVN 7932: 2007, được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố từ năm 2007. Nhưng tất cả những tiêu chuẩn đó đều không được thực hiện, thậm chí chưa được giới thiệu rộng rãi.
Trong khi đó, các hợp đồng mua bán cà phê robusta tại thị trường LIFFE đều xếp hạng cà phê dựa trên các thông số chất lượng đo bằng phần trăm khối lượng, không phải bằng tỷ lệ phần trăm số lỗi. Như vậy, cách xếp hạng theo % số lỗi mà ta đang áp dụng không được quốc tế công nhận.
Rất đông doanh nghiệp Việt Nam không muốn áp dụng TCVN 4193: 2005; các doanh nghiệp nước ngoài mua cà phê của Việt Nam cũng không muốn áp dụng tiêu chuẩn này, vì không muốn phải trả giá cao hơn. Hệ quả là cà phê xuất khẩu của Việt Nam luôn bị phàn nàn về chất lượng xấu, có lúc bị thải loại đến 60%, giá bị giảm 100 USD – 200 USD/tấn, có lúc lên đến 600 USD/tấn tại London. Lượng cà phê robusta được cấp chứng nhận chất lượng London ngày càng ít, khiến có lúc cà phê Việt Nam bị tồn kho tại London lên đến 400.000 tấn vào cuối năm 2007, đầu 2008. Do việc áp dụng tiêu chuẩn là tự nguyện, nên rốt cuộc cho đến nay rất nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì phân hạng cà phê theo 3 tiêu chí: thủy phần %, đen vỡ %, tạp chất %.
Lãnh đạo một công ty xuất khẩu cà phê cho biết: “Có một số ý kiến cho rằng cà phê Việt Nam chất lượng kém, nên thường phải bán giá thấp hơn cà phê cùng loại của một số nước khác, như Indonesia. Đây là sự hiểu lầm, vì cà phê robusta Việt Nam chất lượng vào loại cao trên thế giới, kể cả so với Indonesia. Sở dĩ có sự hiểu lầm này là do khâu thu hái, sơ chế và phân loại cà phê ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do nông dân không có điều kiện xây sân xi măng để phơi nên cà phê lẫn sạn, cát; do nông dân thu cả cà phê xanh như hiện nay… Nếu không có sự liên kết chặt chẽ, thường xuyên và liên tục giữa người trồng cà phê với doanh nghiệp, cơ quan khuyến nông, với chính quyền địa phương, đoàn thể nông thôn, thì không thể khắc phục suôn sẻ”.
Ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cao cấp của Vicofa, ủy viên Ban chấp hành Hội đồng Cà phê quốc tế (ICC), cho rằng bất kể như thế nào cũng phải tiêu chuẩn hóa cà phê. Mục tiêu là cung cấp cho cả người bán và người mua một sự đảm bảo về nguồn gốc, đặc tính và chất lượng hàng hóa. Việc tiêu chuẩn hóa cũng tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước ngăn cấm việc xuất khẩu những lô hàng cà phê có chất lượng quá thấp, không phù hợp với tiêu chuẩn và làm tổn hại đến tiếng tăm của nước sản xuất. Theo Vụ Xuất nhập khẩu – Bộ Thương mại, liên quan đến chất lượng cà phê xuất khẩu là việc áp dụng tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu mới TCVN 4193. Nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ tiêu chuẩn cà phê mới này. Nhà nước chưa có chế tài cho việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng, chưa có phương án xử lý cà phê chất lượng kém bị loại và nhà nhập khẩu chưa muốn mua theo tiêu chuẩn VN 4193 hoặc không sẵn sàng trả giá cao hơn. Theo một số doanh nghiệp, nếu sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn mới thì phải bán cao hơn cà phê thường 30 USD/tấn mới bù đắp được chi phí.
Theo Vụ Xuất nhập khẩu, nên có chế tài về việc áp dụng tiêu chuẩn xuất khẩu cà phê mới. Vì việc áp dụng tiêu chuẩn mới này góp phần nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu, tạo phản ứng dây chuyền từ khâu tiêu thụ đến sản xuất. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết: “Khâu sơ chế cà phê ở hộ nông dân là khâu rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cà phê, vì vậy các địa phương quan tâm vận dụng các chính sách đã có để hỗ trợ nông dân xây sân phơi, đặt máy sấy ở các cụm sản xuất. Đồng thời phải khuyến cáo người dân không nên thu hoạch cà phê chưa chín. Nếu làm tốt công tác quản lý, cà phê Việt Nam sẽ tăng cả về sản lượng và chất lượng mà không cần mở rộng diện tích”.
Xem thêm:
Theo lời ông Thu giám đốc công an Gia Lai nên bọn trộm cứ vào rẫy của dân tuốt cà phê vô tư chẳng sợ gì công an cả. Nếu bị bắt thì cũng không bị truy tố vì không có thằng trộm nào vác nổi 2 triệu đồng cà phê tươi cả ! Than ôi.
Khung hình phạt đã có, nhưng phải tùy tính chất của tội phạm nữa chứ không chỉ áp dụng luật để truy tố một cách máy móc. Như thế này sẽ không bao giờ ngăn chặn được tội phạm ăn cắp cà phê của nhà nông. Và mọi ý kiến, bàn cãi trở nên vô ích. Mong rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhất là ngành công an cần có biện pháp tích cực hơn là cứ đợi theo khung pháp lý rồi mới vào cuộc. Cuối cùng, ăn cắp nhỏ không khéo trở thành việc làm được pháp luật thừa nhận. Cần có sự nhận thức thấu đáo hơn nữa! Sự chế tài cần phải đủ mạnh, có sức răn đe.
Chúng ta chỉ hô hào chung chung thôi, chứ các ban nghành không tích cực vào cuộc, chứ nếu chúng ta quyết tâm năng cao chất lượng cà phê, thì khâu đầu tiên là đưa khoa học vào sản xuất. Việc này cần phối hợp giữa nhà nước và nhân dân, cần tới các nhà khoa học nguyên cứu cho cây cà phê chín tập trung, để bà con nông dân thu hoạch cho bớt chi phí, bằng việc đưa các chế phẩm vào xử lý cho vườn cà phê chín đồng loạt. Việc làm này khá khả thi vì đã có chế phẩm xử lý cho trái cây chín đồng loạt. Chúng ta có thể phun thuốc kích thích cho cà phê chín trước thời điểm thu hoặc khoảng một tháng hay hai tháng gì đó tùy theo mảnh vườn mà ta tiến hành thu hoạch. Chứ nếu cứ đợi cà phê chín một cách tự nhiên rồi đi chọn cây chín hái thì tôi nghĩ điều đó là không khả thi. Vì chi phí nhân công và nạn trộm cắp cà phê nên bà con nông dân không ai chọn thu hoạch cà phê theo kiểu đó. Mà đành kéo bạt thu hoạch một lần cho dù có cây chín cây xanh.
Theo như ông Bổng Thứ trưởng nói đã có chính sách hỗ trợ nông dân làm tốt hơn nữa để nâng cao chất lượng chế biến cà phê tại nông hộ. Tôi hợp đồng lắp đặt máy chế biến cà phê arabica tại nhà để phục vụ cho gia đình và bà con thôn xóm. Thế mà đi vay mấy chục triệu thì ngân hàng ở huyện đòi hỏi dự án kinh doanh, kế hoạch trả nợ và nhiều loại giấy tờ khác. Cũng ráng viết và đem ra nộp thì ngân hàng chỉ phán mấy câu : làm cà phê may lắm đủ ăn chứ lấy gì mà trả nợ, lỡ sang năm mất mùa thì lấy gì, và … cầm hồ sơ về cất để làm kỷ niệm. Không biết làm sao để tiếp cận được chính sách hay cấp trên nói chỉ cho có để động viên bà con. Biết để mà buồn thêm.
hoàng long viết hay lắm. Phải đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Ở địa phương tôi dân trồng chôm chôm đã xịt thuốc để trái chín sớm và đồng loạt, bán có giá hơn, cafe mà làm được như vậy thì sẽ đạt chất lượng hơn và giảm chi phí thu hoạch. Cám ơn hoàng long.
Phải tự mình lo cho mình thôi, đừng có tin vào lời những người mồm to nhưng ý thức trách nhiệm nhỏ !
Nói đến lực lượng này nọ chúng tôi chán ngấy… Quan trọng có hàng xóm tốt, bảo vệ cho nhau là tốt là số một.
Nhà mình bị ăn trộm miết ak… vì tại ở gần buôn dân tộc nên cứ chín lẻ tẻ là bị ăn trộm miết ak. Bực lắm… nhưng bữa nay có người coi rồi nên thôi. Làm thì ko làm cứ đi ăn trộm.