Các DN cà phê trong nước đang khốn khó

doanh-nghiep-ca-pheThu hái cà phê ở Tây Nguyên đang cao điểm. Thông thường, các DN XK cà phê nội địa vào thời điểm này cũng đang thu mua ồ ạt để dự trữ cho XK. Thế nhưng, năm nay lãnh đạo các DN đều “than trời” vì lãi suất ngân hàng quá cao, lại phải cạnh tranh thu mua với các DN ngoài nước.

Theo tính toán của ông Lê Đức Thống – GĐ Simexco Daklak (công ty 2-9) thì với lãi suất cho vay 18%/năm của ngân hàng và với giá cà phê 35.000đ/kg hiện nay, tính ra mỗi kilôgram cà phê các DN nội địa phải chịu lãi ngân hàng 500đ. Trong khi đó, nhiều tỉnh ở Tây Nguyên năm nay lại cho các DN nước ngoài (như Amajaro, Louit, Olam, Netcoffee…) trực tiếp vào địa bàn để thu mua (trước đây họ phải mua lại càphê từ các DN trong nước).

Họ có tiềm lực tài chính mạnh, có nhiều mánh khoé mua bán, có thị trường và đặc biệt họ vay vốn ở nước ngoài chỉ phải chịu lãi suất thấp (4 – 5%/năm), tính ra mỗi kilôgram cà phê họ chỉ phải chịu lãi 100 – 120đ. Vì vậy khi thu mua, họ có điều kiện nâng giá mua cao hơn các DN trong nước để hút hàng. Các DN trong nước đành chịu lép vế. Cũng vì vậy, nhiều DN trong nước đến thời điểm này vì vay vốn khó khăn, vì lãi suất cao, vì bị các DN nước ngoài cạnh tranh nên chỉ mua được khoảng một nửa sản lượng năm trước.

Việc một số tỉnh Tây Nguyên để cho các DN nước ngoài nhảy vào thu mua càphê trực tiếp và cạnh tranh thu mua với DN trong nước, trước mắt có phần lợi cho người sản xuất bán cà phê, nhưng lại làm cho các DN XK cà phê trong nước “nghẹt thở”. Thực trạng này có thể làm cho các DN XK cà phê trong nước “chết dần chết mòn” sau một thời gian. Khi DN nước ngoài đã “bóp chết” được các DN trong nước, họ sẽ hoàn toàn thao túng thị trường cà phê VN. Lúc ấy thì ngành cà phê VN tất yếu sẽ phải gánh chịu nhiều vấn đề khó lường…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Phạm Chơn

    Đã là kinh tế thị trường thì cạnh tranh là lẻ tất nhiên. Không hiểu anh bạn đứng trên quan điểm nào mà lại đi lo vớ vẩn chuyện xa xôi và rất ư là vô căn cứ thế ! Miễn làm sao cho người sản xuất có lợi là tốt. Cứ sợ không cho DNNN vào để cho mấy ông DN nội địa bóp chẹt nông dân càng dữ dội hơn. Thực tế thời gian qua chứng minh rõ điều đó. Lo gì mai sau, nếu anh DNNN ép dân thì DN trong nước lại có cơ hội kiếm ăn, lại nhảy vào mua rẻ kiếm lời! Lại tạo thế cạnh tranh. Dân lại được lợi!
    Cứ thế, theo tôi DN nào có lợi thế sẽ mua giá cao, người sản xuất có lời sẽ tiếp tục sản xuất. DN nào ốm eo cho chết sớm đỡ khổ cho dân lâm cảnh giựt nợ mà năm nào cũng xảy ra .
    Mấy cha nội địa vừa dốt, vừa tham nên kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến làm thất thoát tiền của người dân. Và tệ nhất là giựt nợ nông dân một nắng hai sương thật là tội lỗi!

  2. Nguyễn Thị Kêu Ca

    Tôi cũng cho rằng ý kiến của anh Phạm Chơn suy cho cùng là xác đáng. Người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt cà phê, vậy thì thị trường càng cạnh tranh thì càng có lợi cho người sản xuất. Không lẽ bao nhiêu năm nay đá bóng một mình môt sân, muốn làm gì nói gì cũng được, mấy Ông chưa chán hay sao?

    1. Trần Văn Phúc

      Hãy trả lại giá trị đích thực cho người trồng cà phê chứ!. “Ra biển lớn” thì phải căng buồm lớn và phải biết chấp nhận sóng lớn chứ, sao lại kêu ca kiểu van xin? Các doanh nghiệp trong nước quen rồi kiểu “Nhà nước bảo hộ”, nên bây giờ mới thấm thía thế nào là cạnh tranh.

  3. Dambri

    Tôi thấy hình như tác giả bài báo cho rằng việc các DN nước ngoài vào làm ăn là việc phi pháp hay sai trái thế nào ấy? Đọc câu viết thế này : “Việc một số tỉnh Tây Nguyên để cho các DN nước ngoài nhảy vào thu mua cà phê trực tiếp và cạnh tranh thu mua với DN trong nước..” thì tôi không thể hiểu quan điểm của nhà báo nằm ở khoảng nào của nền kinh tế thị trường. Họ vào làm ăn thì họ nộp thuế, họ mua cao thì nông dân nhờ… Khi chưa có họ thì nông dân và sản phẩm nông nghiệp ở mức nào??? làm gì mà họ nhảy vào, tưởng như thằng ăn trộm nhảy rào đột nhập và các tỉnh TN là người tiếp tay.
    Nhà báo này có vẻ thông minh hơn nhà nước !
    Không thể khá được là vậy!!!

    1. cuba

      Hơi đâu mà nghe nhà báo bác ơi! nói láo cả đấy! NB nổi tiếng Lại Văn Sâm không biết on đơ gì cả mà dám thông dịch búa xua trên TV huống hồ các nhà báo lá cỏ này ( không được lá cải đâu nhé).

      1. Dambri

        Đồng ý với cuba. Nhưng mà họ viết công khai trên thông tin đại chúng cũng dễ gây ra sự hiểu nhầm nguy hiểm của bà con. Khi bà con thiếu định hướng thì chỉ biết dựa vào thông tin mà thông tin theo kiểu này thì tương lai bà con mình đi về đâu ?!?!

  4. noname

    Mình đồng tình với mọi người. Đúng là anh bạn nhà báo này chẳng biết ” mô tê ất giáp” gì trong vấn đề kinh tế thị trường cả! Nếu không có mấy ông DN nước ngoài như Amajaro, Louis, Nedcoffee, Ecom,… thì còn khuya cà phê Việt Nam mới phát triển được. Nói thật mấy ông Doanh nghiệp nhà mình tham lắm, chỉ mong muốn mua cà phê cho mục đích đầu cơ là chủ yếu. Nếu giá lên vùn vụt thì lời to, còn nếu giá rớt thì ” banh xác” bà con ạ! Theo mình biết một số doanh nghiệp nước ngoài họ cũng vay tiền các ngân hàng trong nước sao họ vẫn kinh doanh có lãi. Thử nhìn lại những năm trước hay năm vừa rồi xem khi lãi suất còn ở mức thấp nhưng vẫn có một vài đơn vị trong nước ” đội nón ra đi”.

    Hãy nhìn nhận một cách khách quan anh nhà báo ạ chứ đừng có đi ” khóc mướn” cho những anh không chịu làm ăn như những người khác, chỉ mong đầu cơ rồi ngày qua ngày, tháng qua tháng cầu mong cho giá lên đột biến, thế là ” vô” được một khúc. Chuyện này như mua vé số chứ đâu phải kinh doanh sản xuất gì đâu.

    Không tin anh nhà báo tìm hiểu kỹ lại xem mọi ngừơi nói có đúng không?

    Thân chào!

  5. Tan Nguyen

    Quy luật của kinh tế thị trường là vậy! Anh muộn tồn tại thì phải manh hơn người ta, nếu không có cạnh tranh thì người nông dân vẫn là người chịu trận mà thôi. Có sự canh tranh như vậy thì các doanh nghiệp trong nước mới lớn mạnh được, và chuyên nghiệp hơn.

  6. Phạm Thanh Bình

    Đây là dịp tốt để cho DN trong nước tiến bộ!
    Biết quản lý và điều hành kinh doanh tốt hơn.
    Biết khai thác nguồn vốn có hiệu quả.
    Biết nuôi dưỡng nông dân để hợp tác có lợi lâu dài, chứ không phải một mình một chợ để o ép nông dân thủ lợi cho riêng mình.
    Việc xuất khẩu gạo là bài học cho nông dân. Bắt nông dân bảo đảm lương thực cho thế giới với giá thấp là hành động không thể chấp nhận.
    Với tư duy kiểu này thì các nhóm lợi ích chi phối chính sách để thủ lợi vẫn còn tiếp diễn dài dài và người thiệt hại cuối cùng là người nông dân.
    Biết khi nào nước ta được công nhận là một nước có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa để hội nhập thế giới, khi mà quyền lợi của người nông dân được bảo đảm công bằng, khi mà các nhóm lợi ích không còn cơ hội chi phối chính sách để thủ lợi cho riêng mình đây?!

  7. bacu

    Nhà báo cũng co người xấu , người ba phải và cũng có người tốt chứ . Chỉ sợ nhất là các cộng tác viên gởi bài “xào nấu” kiếm nhuận bút thôi.

  8. Nông Văn Dân

    Nhà báo này khóc mướn cho doanh nghiệp kiếm tiền, chứ nếu không có xơ múi thì chẳng ngu gì mà viết như thế, chẳng hiểu biết về quy luật kinh tế thị trường. Đúng là nhà báo lá “cỏ”.

  9. tranduong_76

    Nếu quả thật DN nội địa như thế thật đáng buồn, đáng lo, bằng chứng hãy tham khảo từ dược phẩm và sữa. Về đại cục, quốc gia cần phải có một vài DN nội địa mạnh như ngành viễn thông thì thật yên tâm biết mấy. Viettel, và VNPT đã rất mạnh và bảo đảm được lợi ích cho đại cục quốc gia và toàn dân. Ước gì không chỉ cà phê mà mọi ngành kinh tế chúng ta đều thực hiện tốt như viễn thông. Còn ở trong tay DN nước ngoài thì đúng lợi bất cập hại?

  10. cafedang

    Tôi rất đồng ý với ý kiến của bạn tranduong_76, nếu hoàn toàn ở trong tay các DNNN thì chúng ta sẽ cũng giống sữa và dược phẩm mất. Tôi có thời gian 05 năm làm cho DN trong nước và hơn mười năm lăn lộn ở DN nước ngoài ; ăn cơm nước ngoài nhưng tôi trăn trở làm sao cho DNVN mình lớn mạnh ,nhìn cái cách họ thôn tính dần thị phần kinh doanh cà phê mà mình xót xa lắm. Một cái khác của DNNN là họ luôn trao đổi thông tin với nhau và thống nhất hành động mua bán còn DNVN mình thì mạnh ai nấy bán, giá nào cũng bán, không có đoàn kết thống nhất trong chiến lược kinh doanh chung của ngành nghề, chung quy lại cũng để tìm vốn, xoay đồng tiền ; nhưng với lãi suất huy động hiện nay 17%, các ngân hàng cho vay khoảng 21-22%/năm thì người nông dân , DN kinh doanh cũng chỉ là để…. nuôi ngân hàng . Như vậy về tổng thể hiện nay thì đâu phải lỗi của DNTN không mà cả chính sách tiền tệ của nhà nước nữa chứ . Ai lại không muốn đi vay 4%/năm mà phải vay 22%/năm ?

  11. Vũ Đại Dũng

    Khi còn một mình mấy ông im lặng ” xơi lớn “, bây giờ có người có ta mấy ông phải cạnh tranh nên không “xơi” được nhiều như trước nữa mấy ông lại rên rỉ.
    Tôi rất đồng ý với chủ trương cho các DNNN vào trực tiếp thu mua cà phê tại các tỉnh TN của nhà nước, phải lấy dân làm gốc vì dân có giàu thì nước mới mạnh. Nên từng bước xoá bỏ “cơ chế bảo hộ” để có một thị trường cạnh tranh công bằng đúng nghĩa. Ở đâu có sự cạnh tranh thì ở đó có sự phát triển.
    “Nuôi con phải tạo cho con tính tự lập từ nhỏ, chớ nên nuông chiều quá mà sau này lớn lên nó chỉ biết sống dựa dẫm vào bố mẹ”

Tin đã đăng