Vụ cà phê năm nay, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đạt doanh thu kỷ lục với trên 110 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm ngoái. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp ở huyện này được đánh giá thắng lợi trên cả hai mặt sản lượng và giá cả.
> Hua La trúng mùa cà phê, Sơn La có bản nhà lầu
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết, toàn huyện có trên 2.300 ha cà phê, trong đó có 885 ha đã cho thu hoạch với năng suất trung bình đạt 2,5 tấn/ha. Hiện nay, cà phê nhân tại đây được mua với giá 50.000 đồng/kg, cao gấp 1,5 lần so với năm ngoái.
Với việc được mùa và được giá như hiện nay, nhiều nông dân ở huyện Mường Ảng đã vươn lên trở thành triệu phú với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Cá biệt, các gia đình ông Hà Văn Hoan, Phùng Bá Năm, Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Công Phúc ở thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng đều có hơn 10 ha cà phê đã cho thu hoạch với doanh thu mỗi hộ đều đạt trên hơn 1 tỷ đồng.
Việc phát triển cây cà phê không những tạo cơ hội làm giàu bền vững cho người đầu tư mà còn tạo cơ hội tìm kiếm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục hàng ngàn lao động nông thôn nhàn rỗi ở đây.
Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp, huyện Mường Ảng được đánh giá là một trong những vùng tốt nhất ở tỉnh Điện Biên có thể phát triển cây cà phê mang tính bền vững cao. Trong những năm qua, huyện Mường Ảng đã tích cực khai thác thế mạnh và vươn lên trở thành vùng cà phê chính tại tỉnh này với bình quân mỗi năm trồng mới trên 400 ha. Kế hoạch đến năm 2015, huyện Mường Ảng phấn đấu có trên 4.000 ha cà phê, trong đó, có 2.800 ha cho thu hoạch.
Được biết, tại huyện Mường Ảng, Tập đoàn Thái Hòa cũng đang đẩy mạnh dự án trồng và chế biến cà phê ở đây. Trong năm qua, Tập đoàn Thái Hoà đã trồng được 5.000 ha cây cà phê. Hiện nay, Tập đoàn này cũng đang tiến hành giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu với công suất 4.000 tấn/năm, xây dựng xưởng sản xuất phân hữu cơ vi sinh phục vụ trồng mới cà phê và chăm sóc cà phê trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.
Xem thêm: Tan tành giấc mơ cà phê Catimor
Bó tay với báo chí, viết với chả lách !
Chúc mừng cho sự vươn lên của Mường Ảng. Càfe ở đó chắc là cafe chè. Nhưng đọc bài viết có vài điều thắc mắc:
1.”Trong năm qua Tđoàn Thái Hoà đã trồng được 5.000 ha”, vậy tại sao “toàn huyện chỉ có trên 2.300ha”? Vậy thống kê tính của huyện riêng và của Thái Hoà riêng hay sao?
2.Tđoàn Thái Hoà đầu tư nhà máy chế biến càfe nhân xuất khẩu mà công suất chỉ 4.000 tấn/năm thôi sao? Vậy thì còn thua cả 1 cơ sở làm cafe nho nhỏ.
Tôi cần vay vốn uu đãi để chế biến cà phê ướt thì cần những thủ tục gì ?
Tôi là đứa con của vùng đất đỏ Bazan Buôn Ma Thuột, là một trong những vùng có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất nước. Nhưng tôi thường xuyên phải xa nhà nên hầu hết thông tin mà tôi nắm được và biết được về vấn đề sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất cà phê nói riêng, là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, truyền hình và qua mạng internet… Và bản thân tôi sinh ra trong gia đình làm nông trồng lúa và cà phê nên tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề thị trường giá cả nông sản. Đặc biệt về các vấn đề liên quan đến cà phê và giá cả thị trường.
Năm nay giá cà phê cao hơn mấy năm gần đây, bản thân tôi cũng thấy vui cho nông dân trồng cà phê cả nước và trong đó có gia đình tôi. Tôi cảm ơn sự quan tâm của các hội cà phê trong nước và thế giới đã quan tâm đến, và đặc biệt sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về người trồng cà phê như gia đình chúng tôi.
Tôi vừa mới tức thời xem giá cả cà phê nhân và tươi ở các vùng trong cả nước và thế giới, giá cà phê nhân ở Buôn Ma Thuột và nơi khác ở Tây Nguyên trung bình là 35.000 đồng/kg; và ở vùng thuộc tỉnh Điên Biên là 50.000 đồng/kg. Vậy nên tôi thắc mắc là tại sao lại có giá chênh lệch nhau giữa các vùng trong cả nước như vậy?
Vấn đề thứ hai nữa là theo ICO thì Việt Nam ta là nước có sản lượng cà phê đứng thứ 2 thế giới sau Brazil và dự báo sản lượng của ta sẽ giảm trong năm tới. Đây cũng thể chỉ là dự báo, nhưng tôi nghĩ là có cơ sở, như các bài đã đưa ra nguyên nhân khách quan là thời tiết mùa khô kéo dài thiếu nước tưới, mùa thu hoạch thì gặp mưa kéo dài làm hư hại đến trái cà phê… Và theo tôi chúng ta cần xem vấn này nữa, không biết cái này gọi là nguyên nhân chủ quan hay là khách quan? Đấy là sự đầu tư của người chăm sóc và trồng cà phê, họ rất muốn đầu tư để cây trồng của mình năm kế tiếp sẽ cao hơn năm nay, công chăm sóc thi họ tự bỏ ra, tiền bạc để đầu tư họ nỗ lực để có thể làm tốt nhất cho cây trồng của mình. Ngược lại với những gì họ muốn là giá các lọai phân bón, thuốc trừ sâu cho cây trồng trên thị trường không ngừng tăng lên, và còn tăng lên ngoài ý muốn và túi tiền người nông dân và nằm ngoài tầm kiểm sóat của Nhà nước mình. Trồng và chăm sóc cà phê cần số lượng lớn phân bón và các thuốc trừ sâu cho cây cà phê. Vậy làm thế nào để giải quyết được vấn đề đối ngược này? Theo tôi đây vấn đề tỷ lệ nghịch với nhau, cần sự vào cuộc của các chuyên gia và sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước về bình ổn giá phân bón cho cây trồng.
Trên đây là ý kiến nhận xét của riêng bản thân tôi. Kính mong được giải đáp của các tác giả viết đã viết trong trang này.
Xin chân thành cám ơn.