Tây Nguyên: Sản lượng cà phê giảm 1,5 triệu bao

Mới vào đầu vụ thu hoạch nhưng giá cà phê đã có lúc đạt tới 36.000 đồng/kg (nhân) nhưng người trồng cà phê vẫn chưa vui…

Sản lượng giảm mạnh

Bà Loan – chủ nhân 1ha cà phê ở Ia Sao – khu vực trọng điểm cà phê của tỉnh Gia Lai, dự kiến năm nay sẽ thu được khoảng 14 tấn quả tươi. Thế nhưng rốt cục bà chỉ thu được 10 tấn. Sự sụt giảm quá mức dự đoán khiến bà hụt hẫng.

Tuy nhiên vườn bà Loan vẫn còn “may” so với nhiều vườn khác. Lớp cà phê được trồng từ những năm 1978 sản lượng sụt giảm đến xấp xỉ 30%. Tại Công ty Cà phê Ia Sao, năng suất bình quân chỉ đạt 8 tấn quả tươi; lô cao nhất cũng chỉ đến 17 tấn.

S
Thu hoạch cà phê ở Ia Sao (Gia Lai).

Đó là khu vực Ia Sao, xưa nay vẫn dẫn đầu về năng suất cà phê của khu vực Tây Nguyên. Các khu vực khác như Đức Cơ, Chư Nghé… tình hình còn tồi tệ hơn…

Thực ra không phải đến lúc thu hoạch mà ngay từ đầu vụ, người trồng cà phê ở Tây Nguyên đã thấy rõ nguy cơ mất mùa do thời tiết gây hại. Ước tính năm nay tổng sản lượng cà phê các tỉnh Tây Nguyên chỉ đạt khoảng 900.000 tấn, giảm hơn 1,5 triệu bao so với niên vụ 2009 – 2010.

Cà phê mất mùa nhưng chi phí lại tăng. Hầu hết các vườn cây đều phải tưới nước bổ sung đợt 4. Giá vật tư cũng tăng, nhất là phân vô cơ – tăng từ 20 -30%; công lao động cũng tăng tương tự. Suất đầu tư/ha niên vụ này đã lên tới khoảng 35 – 40 triệu đồng.

Với mức giá hiện tại, tuỳ chất lượng vườn cây, người trồng cà phê vẫn có lãi từ 20 -30%. Tuy nhiên theo họ, mức lãi này là chưa đủ tích luỹ để tái sản xuất. Tình trạng “buông cuốc lại đi vay” với người trồng cà phê sẽ vẫn là phổ biến.

Lãi ngân hàng cao – thêm gánh nặng

Phương thức bán cà phê chủ yếu của người sản xuất niên vụ này vẫn là ký gửi hàng cho các doanh nghiệp thu mua, tạm ứng trước tiền để chi dùng sau đó cắt giá theo thời điểm.

Ông Trần Quang Đính – Giám đốc Công ty Cà phê 331 cho biết: Vào thời điểm hiện tại, công ty đã phải vay ngân hàng với lãi suất thoả thuận là 16,8%/năm. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn phải vay với mức lãi hơn 19%. Theo họ, với lãi suất “cắt cổ” như vậy, mỗi tháng mỗi kg cà phê phải tăng giá từ 500 đồng trở lên thì mới “trụ” nổi.

Lãi suất cao, gánh nặng người trồng cà phê phải lãnh là chủ yếu bởi doanh nghiệp cũng chỉ đóng vai trò “đi vay để cho vay”. Thêm nữa thời hạn cho vay chỉ từ 3 – 4 tháng, doanh nghiệp không có điều kiện găm hàng để chờ giá cao cũng là sự thiệt thòi cho người sản xuất.

Các ngân hàng vẫn nói sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thu mua cà phê của các doanh nghiệp, tuy nhiên thực tế để vay được tiền của họ không phải dễ dàng. Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của đất nước (niên vụ 2009 -2010 kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD) nhưng đến nay nhà nước vẫn chưa có động thái giúp đỡ thiết thực nào tác động trực tiếp đến người trồng cà phê…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Phạm Thanh Bình

    Như đã nói ở các ý kiến trước.
    Bây giờ bắt đầu vào giữa vụ hái cà phê. Nhà vườn bắt đầu thấy được năng suất cà phê giảm rõ rệt, bình quân giảm sản lượng 30%, thậm chí cá biệt có nhà vườn hái 40 cây cà phê chỉ thu được 50kg quả tươi, tương đương 11kg nhân xô.
    Truy ngược lại nguyên nhân là do các vườn cây này vào thời kỳ trổ hoa đã bị ảnh hưởng bởi thời tiết mưa vào lúc đó làm hoa cà phê không thể thụ phấn.
    Đến thời kỳ phát triển quả vào giữa mùa mưa thì lượng mưa quá ít làm cho quả không phát triển, dẫn đến giảm năng suất, từ đó sản lượng giảm theo.
    Qua tình hình như vậy, chắc chắn nguồn cung cà phê Robusta của VN sẽ giảm trên thị trường thế giới.
    Hy vọng cà phê sẽ vững giá trong tương lai! (bù lại giảm sản lượng để cho bà con nông dân trồng cà phê được nhờ)!

  2. DVN

    So với năm trước theo tôi nhận định :
    -Năng suất bình quân giảm 20% .
    -Chi phí sản suất tăng 10 % .
    -Lạm phát (giá trị đồng tiền Việt giảm đi ) 15%.
    Gía hiện tại 33.000 đ/kg quy ra thu nhập của người trồng cà tương đương năm ngóai là :
    33.000 /1,2/1,1/1,15 =21.739 đ/kg .
    Không hiểu nhà báo tính kiểu gì mà nông dân vẫn lãi 20-30% ?

  3. Brề

    Theo nhận định bà con trên địa bàn huyện Di Linh- Lâm Đồng sản lượng cà phê trên địa bàn giảm rõ rệt, sản lượng năm 2010 này so với niên vụ trước chỉ còn 60%, thậm chí có một số nhà vườn chỉ còn 40-50% so với năm trước. Trong khi đó tất cả các giá vật tư nông nghiệp lại cao, lãi ngân hàng cao, tính ra thì nông dân vẫn chưa có lãi. Trước tình hình trên nếu giá bình ổn từ 37.000 đồng trở lên thì bà con nông dân có thể có lãi.

  4. lý gia

    Lúc nào cũng thấy nhà nước, các nhà phân tích thị trường ngồi bàn tán về giá cà phê. Họ có biết rằng với giá cả thế này thì hoà vốn đã là may mắn lắm. Những giải pháp đưa ra chỉ là nói, mà thật ra nói ít thôi hãy làm đi…..!

    1. lý sự

      Buồn cười ghê? nhà phân tích thị trường mà không ngồi phân tích bàn tán về giá cà phê, chứ bạn muốn nhà phân tích thị trường lại … đi hái cà phê à!

Tin đã đăng