Sinh sống trên cao nguyên đất đỏ – thiên đường của những loại cây công nghiệp dài ngày, nhưng bà con các dân tộc thiểu số Mạ, M’Nông ở xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông vẫn chỉ quen canh tác lúa rẫy, săn bắt thú, hái măng rừng…
Những cần câu… đã gãy
K’Nganh kéo chiếc chiếu nhựa đã thủng lỗ chỗ từ giường ngủ trải ra giữa nhà mời khách ngồi. Căn nhà có diện tích khoảng 40m2, mái lợp tôn, nền láng xi-măng của K’Nganh là một trong 12 ngôi nhà ở buôn Kon Hao (xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) do Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo xây dựng trong năm nay. Nhà chưa có thứ vật dụng, tiện nghi sinh hoạt đáng kể nào ngoài 2 chiếc giường ọp ẹp; gian bếp phía sau cũng trống hoác, chỉ lủng lẳng vài cái xoong, mấy cái đó, cái lờ bắt cá. Vậy nhưng K’Nganh tỏ ra khá bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình, bởi ước mơ có căn nhà không bị dột lúc mưa gió nay đã thành hiện thực.
K’Nganh kể, năm 2004, anh được Hội Nông dân xã Đắk Ha chia cho 150 cây điều giống, trồng trên đám rẫy rộng gần 1ha. Cây điều dễ chăm sóc, lớn nhanh, nhưng mãi vẫn không đơm hoa kết trái. Mới đây, cán bộ khuyến nông huyện nói: “Khí hậu ở đây không phù hợp với cây điều, cần phá đi, chuyển đổi sang trồng cây khác!”. K’Nganh chưa chặt vườn điều, bởi có phá đi cũng chưa biết thay cây gì vào.
Đầu năm 2009, K’Nganh được huyện cấp cho một con bò xóa nghèo. Nhưng mùa khô, khắp quanh buôn Kon Hao cỏ đều cháy trụi, bò gầy tọp. Rẫy lại cách nhà hơn 10km, hàng ngày, vợ chồng anh không thể dắt bò lên rẫy. Anh vừa đổi con bò lấy hai tạ gạo, mấy bộ quần áo và một ít cá khô. K’Nganh biết mình đang thiếu thốn đủ thứ, nhưng làm gì để có được của cải là điều không đơn giản. Hai vợ chồng anh lao động quần quật quanh năm không một ngày ngơi nghỉ nhưng vẫn chưa thể dứt khỏi cái nghèo.
Xã Đắk Ha có 2 buôn người M’Nông và Mạ là Kon Hao và Kon Đăng với 140 hộ, gần 800 khẩu. Người học cao nhất trong 2 buôn chỉ tới lớp 9. Hai trưởng buôn chưa học đến lớp 5. Định cư đã lâu, bà con vẫn chỉ quen làm lúa rẫy, mỗi năm một vụ, việc gieo trồng hoàn toàn phụ thuộc thiên nhiên. Suốt 6 tháng mùa khô, bà con bỏ trắng nương rẫy, vào rừng săn bắt muông thú, đánh cá hoặc khai thác mật ong, song mây. Cách sống, lối sản xuất chủ yếu phụ thuộc tự nhiên nên 80% số hộ ở hai buôn thuộc diện nghèo.
Có cần câu còn phải biết cách câu
K’Xiên là một trường hợp hiếm hoi và khác biệt ở buôn Kon Hao trong cả cách nghĩ và cách làm. Anh rất hãnh diện vì mình là người đầu tiên trong buôn học đến lớp 9, cũng là người đầu tiên trồng cà phê một cách bài bản. Từ việc chọn giống, đào hố, bón phân, tưới nước, K’Xiên đều thực hiện sau khi đã học hỏi những người có kinh nghiệm ở tận Gia Nghĩa, Đắk Rlấp.
Dù xanh tốt nhất buôn, nhưng vườn cà phê của K’Xiên cũng chỉ cho năng suất bằng một phần ba so với những vùng chuyên canh ở Tây Nguyên. Vụ vừa rồi, K’Xiên thu hoạch 12 tạ cà phê nhân, bán được 25 triệu đồng, vừa đủ để bù đắp số tiền anh đã đầu tư vào vườn cây trong mấy năm qua.
Xã Đắk Ha có trên 3.000ha đất phù hợp để phát triển cây công nghiệp như cao su, hồ tiêu, cà phê. Năm năm trở lại đây, toàn xã trồng được 950ha cà phê, 350ha cao su và gần 100ha hồ tiêu. Hầu hết những vườn cây công nghiệp ở Đắk Ha đều chưa mang lại hiệu quả kinh tế. Nếu diện tích cây công nghiệp này được chăm sóc đúng kỹ thuật, năng suất tương đương với những nơi khác thì sẽ đảm bảo cuộc sống ổn định cho 1.500 hộ nơi đây.
Ông K’Luých, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Ha cho biết: Đảng ủy đã ra Nghị quyết chuyên đề trong việc ổn định kinh tế lâu dài cho bà con. Chỉ đạo mỗi hộ gia đình ít nhất phải trồng được từ 5 sào cà phê trở lên và thâm canh ổn định trên diện tích đó. Giao trách nhiệm mỗi đảng viên ở mỗi buôn phải dìu dắt, vận động người trong buôn tìm tòi học hỏi và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của Nhà nước. Với cách đó mới tháo gỡ được từng bước để bà con ổn định cuộc sống và thoát nghèo một cách bền vững.
Xem thêm: “Thiên đường” không dành cho nông dân