Các giống cà phê chính ở Việt Nam

Hiện nay, việc lựa chọn vùng đất phù hợp để trồng cho từng giống cà phê là điều cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.

Cà phê là cây có hoa chùm lưỡng tính, tự thụ phấn. Cây có rễ cọc, thân gỗ, trong hoang dã có thể cao đến 15 mét. Cho trái tốt trong 30 – 50 năm và có thể đến trên 70-80 năm.Thích hợp với đất đai trong vùng nhiệt đới khoảng từ 25° vĩ Bắc – 30° vĩ Nam, tốt nhất là đất có nguồn gốc từ phún thạch (Bazan nâu-đỏ hay Pôzolic vàng-đỏ) của các vùng cao nguyên, có độ ẩm trên 70%, mưa nhiều, nhất là những vùng chia làm hai mùa mưa nắng rõ rệt. Thích nhiều ngày nắng, ánh sáng tán xạ, có nhiều cây che bóng.

Cây cà phê được trồng ở nước ta có 3 giống gồm cà phê Vối (Robusta) chiếm hơn 90% diện tích, cà phê Chè (Arabica) gần 10% và cà phê Mít (Excelsa) chỉ khoảng 1%.

[ Xem thêm: Nguồn gốc và đặc điểm các giống cà phê phổ biến trên thế giới ]

1. Cà phê Robusta (Coffea canephora) thường được gọi với tên cà phê Vối

Cây cao đến 7-8 mét, dạng thân gỗ hoặc thân bụi, sinh trưởng tốt, kháng được nhiều nấm bệnh, chứa hàm lượng caffein 2-4% hạt, có vị đắng nhất. Cho trái nhiều trong khoảng 30 năm. Độ cao thích hợp từ 400-1200m, nhiệt độ trung bình 24o- 30¬oC, lượng mưa trên 1000mm, cần nhiều ánh sáng mặt trời. Dễ trồng và chăm sóc, có sức đề kháng sâu bệnh cao.

Giống cà phê Vối được trồng chủ yếu có xuất xứ từ Ethiopia, đã được đưa về trồng ở Ả rập nên thường gọi là giống cà phê Môk-ka. (Môk-ka là tên một thành phố cảng sầm uất của thế giới Ả rập giao thương với bên ngoài trước khi có kênh đào Suez). Ở Việt Nam lấy giống lại từ quần đảo Java của Indonesia.

Cây Cà phê Robusta
Cây Cà phê Robusta

[ Đọc chi tiết về giống cà phê Robusta ]

2. Cà phê Excelsa (Coffea excelsa) thường được gọi với tên cà phê Mít

Cây cao đến trên 10 mét, dạng thân gỗ, lá to. Trái chín muộn, chứa hàm lượng caffein khoảng 2% hạt, có vị chua. Cho trái khoảng 30-40 năm. Độ cao thích hợp dưới 800m, nhiệt độ trung bình 26o- 30¬oC, lượng mưa trên 1000mm, cần nhiều ánh sáng mặt trời. Dễ trồng, ít sâu bệnh, ít tốn công chăm sóc.

Giống cà phê mít chủ yếu có nguồn gốc từ vùng Tây Phi.

Khi số lượng diện tích và số đồn điền đã tăng lên đáng kể thì vào đầu những năm 50 có thêm giống thứ ba là cà phê Chè được đưa vào trồng nhưng ít được ưa chuộng vì khá phức tạp.

Cây cà phê mít
Cây cà phê mít

3. Cà phê Arabica (Coffea arabica) thường được gọi với tên cà phê Chè

Có giá trị kinh tế cao nhất trong các giống cà phê. Nhưng được trồng hạn chế vì dễ bị sâu bệnh, ưa thích độ cao, khí hậu mát mẻ, mưa nhiều…

Cây cao đến 6 mét, dạng thân gỗ hoặc thân bụi, lá nhỏ, thường được hãm thấp trông như cây chè. Trái chín sớm, chứa hàm lượng caffein 1-2% hạt, có vị đậm đà, ngọt thơm, ít chua. Cho trái khoảng 20-30 năm. Độ cao thích hợp từ 1.000-2.000m, nhiệt độ trung bình 16o-25¬oC, lượng mưa trên 2.000mm(càng nhiều càng tốt), ưa ánh sáng mặt trời tán xạ nên rất cần cây che bóng.

Giống cà phê chè được trồng trước đây là giống cà phê lấy từ Colombia, nhưng cũng được gọi tên Môk-ka (có lẽ cũng do xuất xứ từ cảng Môk-ka ra đi). Bây giờ phát triển chủ yếu là giống cà phê Catimor dễ trồng hơn nhưng chất lượng không bằng.

Ngoài ra còn có giống chính nữa, dễ trồng, chỉ thích hợp với độ cao dưới 600m và không thấy có ở độ cao trên 1100m.

Cây cà phê Arabica
Cây cà phê Arabica

4. Cà phê Liberia (Coffea liberica) là giống cũng được gọi là cà phê Mít

Chỉ được trồng ở các nước Liberia, Sierra Leone, Ghi-nê xích đạo thuộc vùng Tây Phi. Trước đây ở vài đồn điền quanh BuônMaThuột và vùng Đạt Lý, Ea Pôk đã thấy xuất hiện nhưng số lượng không đáng kể và được gọi với tên là cà phê Séri. Cây cao hơn, lá to hơn giống Excelsa và chín cũng muộn hơn, vị chua. Ở Châu Âu thích dùng để trộn với hai loại kia khi rang xay.

Điểm qua những đặc tính cơ bản của các giống cà phê chính để thấy rằng việc lựa chọn vùng đất thích hợp cho cây là điều quan trọng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Nếu muốn đưa đến những vùng đất khác cần phải chọn lọc, tìm ra những dòng thích hợp, đã được thuần hóa và nhất là phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học về giống cây trồng. Không thể tùy tiện, duy ý chí để mà áp đặt chủ quan trái với tự nhiên như những câu chuyện đã được kể trên.

Trích trong bài: Việt Nam đã có cà phê chồn? Kỳ 5: Các giống cà phê chính (tác giả: Nguyễn Vịnh)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng