Có rất nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của cà phê. Tuy nhiên, câu chuyện người đàn ông chăn dê tên Kaldi phát hiện ra cây cà phê ở khu rừng cổ của cao nguyên Ethiopia là phổ biến và được nhiều người tin nhất.
Truyền thuyết về quả cà phê
Kaldi đã khám phá ra cà phê sau khi những con dê của anh ta ăn một loại quả màu đỏ từ cái cây có những bông hoa trắng và chúng trở nên hăng hái đến mức không đi ngủ vào ban đêm. Anh ta cũng đã ăn thử và nó giúp anh tỉnh táo trong suốt nhiều giờ cầu nguyện vào buổi tối.
Sau đó, Kaldi đã báo cáo phát hiện của mình với giáo sĩ của tu viện địa phương. Vị giáo sĩ chia sẻ khám phá của Kaldi với nhiều người khác và kết quả là thông tin về một loại quả tràn đầy năng lượng nhanh chóng được lan truyền.
Lịch sử và hành trình du nhập của cà phê
Tuy nhiên, không chỉ có truyền thuyết, những ghi chép và dấu tích còn lại cũng khiến người ta tin rằng Kaffa – Ethiopia chính là vùng đất khởi nguyên của cây cà phê từ thế kỷ thứ 9. Và đến thế kỷ 14, những người buôn nô lệ đã mang cà phê từ Ethiopia sang xứ Ả Rập.
Cà phê trở thành thức uống phổ biến của người Ả Rập với cách chế biến đầu tiên chỉ đơn giản là tách lấy hạt và cho vào nấu trong nước sôi. Ả Rập đã trở thành nơi trồng cà phê độc quyền với trung tâm giao dịch cà phê là thành phố cảng Mocha, hay còn được gọi là Mokka, tức là thành phố Al Mukha thuộc Yemen ngày nay.
Người Ả Rập rất tự hào và giữ bí mật để bảo tồn độc quyền loại thức uống được chế biến từ hạt cà phê. Họ đưa ra những quy định rất chặt chẽ để gìn giữ sự độc quyền về cà phê của mình như chỉ được phép mang hạt cà phê đã rang ra khỏi xứ, cũng như không cho người ngoại quốc bén mảng đến các đồn điền cà phê.
Thế nhưng, dù nghiêm ngặt đến mức nào thì cũng có người vượt qua được, những khách hành hương được thưởng thức nước cà phê đã lén lút mang hạt giống về trồng, chẳng bao lâu khắp khu vực Trung Đông đều có trồng và truyền đi mỗi lúc một xa hơn.
Bước sang thế kỷ 15 thì cà phê đến Armenia, Persia, Thổ Nhĩ Kỳ và phía bắc Châu Phi, phổ biến trong thế giới Hồi giáo và lan tỏa đến Ý, sau đó là phần còn lại của Châu Âu, Indonesia, Mĩ.
Bắt nguồn tên gọi “Cà phê”
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chữ “Cà phê” có thể bắt nguồn từ chữ “Qahwa” (theo tiếng Ả Rập thì “Qahwa” có nghĩa là thức uống được tạo ra từ nước của hạt quả).
Qua đến người Thổ Nhĩ Kỳ được đọc là “Kahve” và nó đã được sử dụng rộng rãi khắp nơi. Một số người khác thì lại cho rằng, chữ “Cà phê” được đặt theo tên của thị trấn “Kaffa” của Ethiopia. Tuy nhiên, một số khác lại nói thị trấn “Kaffa” được đặt theo tên “Cà phê”.
Và từ “cà phê” mà Việt Nam ta vẫn hay dùng có gốc từ chữ Café trong tiếng Pháp, một loại thức uống màu đen có chứa chất caffeine.
Như vậy, có thể thấy cà phê đã xuất hiện từ rất lâu đời và có những thông tin còn hoài nghi chưa được xác thực. Thế nhưng, không còn quá quan trọng vì nó đã lan khắp thế giới và ngày càng hiện diện, hoà nhịp trong cuộc sống của tất cả chúng ta.
Mỗi ngày, thế giới ước tính có 2,25 tỷ tách cà phê được bán ra và đối với nhiều người, cà phê đã trở thành một phần không thể thiếu.
Đặc biệt, không thể phủ nhận những giá trị vô hình mà cà phê đang mang lại. Ngoài là một thức uống thú vị và yêu thích của rất nhiều người, nó là một sự khởi đầu của ngày mới, khởi đầu của những câu chuyện, sự gắn kết của những mối quan hệ, đưa chúng ta gần nhau hơn, sẻ chia và kết nối tình cảm.