Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đổ vốn xây dựng nhà máy chế biến cà phê và hiện nay, tổng công suất chế biến đã vượt sản lượng cà phê hàng năm. Vậy, thực chất công nghiệp chế biến càphê Việt Nam đang ở trình độ nào? Những công nghệ này liệu có góp phần nâng cao chất lượng, giá trị cà phê xuất khẩu?
Ông Đỗ Hà Nam, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc công ty cổ phần xuất nhập khẩu Intimex Hồ Chí Minh, đơn vị có hai nhà máy chế biến cà phê ở Bình Dương, công suất 90.000 tấn/năm bình luận rằng: “Nói công nghệ chế biến cà phê cho sang, chứ thật ra các thiết bị sử dụng trong nhà máy ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở công đoạn sơ chế như bóc tách vỏ, làm sạch và phân loại ra sản phẩm cà phê xô theo tiêu chuẩn xuất khẩu”.
Chỉ là… sơ chế
“Công nghệ chế biến chỉ là công cụ giúp sản phẩm cà phê đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, còn muốn tạo ra giá trị thặng dư thì phải đầu tư nhà máy chế biến ra dạng càphê bột hay hoà tan. Những loại nhà máy kiểu này ở Việt Nam chưa có nhiều, sản lượng chế biến cũng ít chứ chưa nhiều như các nước”, ông Nam nhìn nhận.
Theo tính toán, vốn đầu tư nhà máy sơ chế cà phê công suất cỡ như của Intimex hết khoảng 30 – 40 tỉ đồng, gồm cả giá trị đất, nhà xưởng, thiết bị máy móc. Tất nhiên, khi sản phẩm cà phê nhân được sơ chế trên “dây chuyền thiết bị đồng bộ, bài bản” như lời ông Đỗ Hà Nam, sẽ nâng cao phẩm cấp. Từ đó, giá bán tăng thêm khoảng 50 USD/tấn. “Chúng tôi dự kiến thu hồi vốn trong ba năm cho hai nhà máy nói trên, và đang xúc tiến đầu tư thêm hai nhà máy nữa ở Đắk Lắk, Gia Lai”, ông Nam thông tin.
Trước đây, những doanh nghiệp như Intimex hay hệ thống các doanh nghiệp thuộc tổng công ty Vinacafé Việt Nam chỉ đơn thuần làm thương mại. Họ mua lại cà phê nhân từ đại lý, doanh nghiệp tư nhân để xuất khẩu. Nhà xưởng, dây chuyền sơ chế của đại lý, doanh nghiệp tư nhân hiện đại không kém gì của một số doanh nghiệp bây giờ. Và hiện nay, họ vẫn đang cung ứng tới 80% lượng càphê xuất khẩu. Theo ông Lương Văn Tự, chủ tịch Vicofa, do đòi hỏi khắt khe của thị trường, sản phẩm cà phê phải đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nên bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu phải trực tiếp tham gia vào quá trình quản lý chất lượng. Do đó, việc doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy là cần thiết.
“Giá trị sản phẩm càphê tạo ra qua công đoạn chế biến đạt khoảng 10%, vẫn còn quá thấp so với số tiền đầu tư mà doanh nghiệp bỏ ra, nhưng chúng ta phải từng bước hoàn thiện để nâng chất lượng càphê”, ông Tự nói thêm.
Khó tiếp cận sản phẩm cuối cùng
Vài năm trở lại đây, Việt Nam xuất khẩu trung bình khoảng 1 triệu tấn càphê, thu về 1,7 – 2 tỉ USD. Sản phẩm càphê xuất khẩu hầu hết dưới dạng nhân thô chứ không phải sản phẩm cuối cùng bán đến người tiêu dùng.
Theo đánh giá của hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), trong những năm gần đây, ngành cà phê đổi mới nhanh chóng về công nghệ và thiết bị chế biến, góp phần nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu.
Hiện nay, cả nước có 38 nhà máy chế biến, đạt công suất 1,23 triệu tấn/năm, vượt xa so với sản lượng càphê trung bình năm khoảng trên dưới 1 triệu tấn. Trong số này, có các nhà máy công suất lớn như công ty cà phê An Giang (tập đoàn Thái Hoà) công suất 60.000 tấn/năm, Vinacafé Đà Lạt 60.000 tấn/năm, Thái Hoà Lâm Đồng 130.000 tấn/năm, Vinacafé Buôn Ma Thuột 150.000 tấn/năm. Hầu hết trang thiết bị chế biến đều do doanh nghiệp nội địa sản xuất, dù đi sau nhưng không thua kém các nước sản xuất lớn như Brazil, Indonesia, Colombia, Ấn Độ…
Thật ra, một số doanh nghiệp nội địa như công ty cà phê Biên Hoà, Trung Nguyên hay các tập đoàn nước ngoài như Nestlé và Olam cũng đã đầu tư nhà máy chế biến ra cà phê hoà tan, rang xay. Theo Vicofa, công suất nhà máy của những doanh nghiệp này hiện vào khoảng 80.000 tấn/năm và các thiết bị máy móc phải nhập khẩu chứ trong nước chưa sản xuất được.
Dù đã sản xuất ra sản phẩm cuối cùng, nhưng theo ông Lương Văn Tự, sản lượng mới đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, chứ “chưa đóng góp được bao nhiêu vào kim ngạch xuất khẩu cà phê hàng năm”.
Theo các chuyên gia trong ngành, sự phân công lao động trong chuỗi giá trị kinh doanh càphê, từ sản xuất, chế biến cho đến phân phối, tiêu thụ đã hình thành trên thế giới hàng trăm năm nay. Việt Nam, tuy là nước xuất khẩu đứng hàng hai thế giới, nhưng cũng chỉ mới tham gia thị trường này hơn mười năm. Chính vì vậy, phân khúc sản phẩm cà phê rang xay hay hoà tan do những tập đoàn kinh doanh lớn trên thế giới nắm giữ.
Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không chỉ yếu thế vốn, mà ngay cả kinh nghiệm chế biến, hệ thống phân phối không có nên rất khó tiếp cận thị trường. Tất nhiên, về lâu dài, theo ông Nguyễn Hà Nam, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải nghĩ đến việc tiếp cận thị trường cà phê chế biến, vì chỉ có như vậy mới hy vọng nâng cao giá trị cà phê xuất khẩu.
““Công nghệ chế biến chỉ là công cụ giúp sản phẩm càphê đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, còn muốn tạo ra giá trị thặng dư thì phải đầu tư nhà máy chế biến ra dạng càphê bột hay hoà tan”
Theo tôi nghĩ ý câu trên trong bài viết được nói đến là “giá trị gia tăng” chứ không phải “giá trị thặng dư”
– “Giá trị gia tăng” là phần giá trị chênh lệch giữa giá trị hàng hóa bán ra và giá trị của những thứ dùng để làm ra hàng hóa đó.
ví dụ: khi ta xuất khẩu 1kg cà phê nhân xô được 32.000đg. Nhưng ta không xuất xô mà đầu tư nhà máy chế biến ra dạng càphê bột bán được 150.000đg/1kg hay cà phê hoà tan bán được 500.000đ/kg. Như vậy ta đã làm gia tăng giá trị của 1 kg cà phê nhân xô lên nhiều lần thông qua chế biến ra các dạng sản phẩm khác. Đây là vấn đề hiện nay đang khuyến khích.
– Còn “Giá trị thặng dư” là phần giá trị dôi ra ngoài giá trị sức lao động trên toàn bộ giá trị do lao động của công nhân làm thuê sáng tạo ra và bị nhà tư bản chiếm đoạt.
Hay nói một cách khác Giá trị thặng dư là giá trị do lao động của công nhân làm thuê sản sinh ra vượt quá giá trị sức lao động của họ và bị nhà tư bản chiếm đoạt toàn bộ.
Ví dụ: Một người lao động trong một giờ làm ra được giá trị sản phẩm là 1000 đồng. Đến giờ thứ hai trở đi, trên cơ sở sức lao động đã bỏ ra ở giờ thứ nhất, người lao động đó sẽ làm ra được 1100 đồng. Số tiền chênh lệch đó chính là giá trị thặng dư sức lao động.
Đôi điều thảo luận!
Bài báo viết nhầm!
Xuất khẩu nông sản ở nước ta cơ bản là xuất khẩu tài nguyên và lao động giản đơn (lao động giá rẻ ) :
Gía trị gia tăng =Tài nguyên +Lao động
Tài nguyên ở đây là thổ nhưỡng ,nguồn nước ,khí hậu …ngày càng bị tàn phá và cạn kiệt nên “Gía trị gia tăng ” ngày càng nhỏ .Nếu không có sự đóng góp của các lọai gía trị khác(vd :chất xám ) thì trong tương lai không xa công thức trên sẽ thành :
Gía trị gia tăng = Lao động
-Đến lúc này thì chúng ta nên xuất khẩu nông dân sẽ có lợi hơn xuất khẩu nông sản .
Chỉ mới qua công đoạn sơ chế không thôi thì chúng ta vẫn còn lệ thuộc các nhà rang xay, dù chúng ta đang là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu nhưng chúng ta không làm chủ được giá cả bởi chúng ta hầu như chỉ xuất cà phê thô. Trong khi các nhà rang xay của ta thì lại chưa thể đáp ứng nhu cầu của thế giới. Trong khi thế giới người ta uống cà phê sạch đúng nghĩa còn các nhà rang xay của ta thì nào là bắp đậu rồi còn ba cái thứ linh tinh nữa thì làm sao họ dám mua hàng chúng ta được và như thế các nhà rang xay của ta chỉ phục vụ cho ta nên giá cả ta ko làm chủ là điều dễ hiểu. Mong sao chúng ta phải xuất được cà phê thàmnh phẩm thì mới tốt chứ còn xuất cà phê thô thì ta vẫn thua người ta.
Lúa gạo thì VN nằm tốp 3 thế giới nhưng thấy nhiều người ăn gạo thái thơm và mềm.Cà phê VN củng tốp 3 thế giới nhưng xuất khẩu dưới dạng sơ chế.Xăng dầu củng xuất khẩu dạng thô.( một ngày ta tiêu thụ biết bao nhiêu xăng dầu?).Kem đánh răng thì củng của nước ngoài là chủ yếu.Nội thất xây dựng củng ngoại nhập.cà phê có đáng gì mà phải nói khi thu về 1,7 – 2 tỉ USD trong một năm.Nếu đem so sánh thì cà phê thì đứng thứ 2 thế giới nghe to chứ về giá trị chỉ gấp vài lần vụ Vinashin chứ mấy.Làm nông được vậy mừng rồi
Các bạn đọc chia sẻ và thảo luận về cà phê mà quên nhiều cái rồi từ đó suy nghĩ còn bị khuyết nhiều.
Vụ Vinashin. Tôi gửi các bạn đường Link: http://nld.com.vn/20101102013642939p0c1002/mo-xe-trach-nhiem-vu-vinashin.htm