Tìm giải pháp mới đăng ký nhãn hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột ra nước ngoài

Nhãn hiệu “Buon Ma Thuot coffee” được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp đăng bạ dưới hình thức tên gọi xuất xứ hàng hóa (nay là Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột) vào tháng 10-2005 với vùng địa danh hơn 100.000 ha, nằm trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Đắk Lắk.

Nhưng đến năm 2010, đã bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền tại nước này. Vì thế, UBND tỉnh đã giao cho Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đại diện đứng tên khiếu kiện đòi lại thương hiệu, đồng thời đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Buon Ma Thuot coffee” ra các nước dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và các hình thức bảo hộ khác theo luật của các quốc gia.

Sau 1 năm nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Buon Ma Thuot coffee” ra 17 nước, đến nay mới chỉ có 5 nước chấp nhận, 7 nước đang xem xét đơn và 5 nước tạm thời từ chối. Vì thế, việc quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột ra nước ngoài đang gặp nhiều trở ngại.

Ông Trịnh Đức Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết: Sau khi nhận được thông báo tạm thời từ chối, Hiệp hội đã yêu cầu Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh (đơn vị được ủy quyền đại diện) tiến hành làm đơn phản đối thư từ chối. Đồng thời, cung cấp các tài liệu cần thiết cho Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh dịch và công chứng sang các thứ tiếng theo yêu cầu của các nước từ chối, chọn các văn phòng luật sư tại các nước từ chối để nộp hồ sơ phản đối đơn. Đề xuất tỉnh không tiếp tục theo đuổi các đơn bị từ chối lần 2 do không phù hợp với luật quốc gia đó về bảo hộ nhãn hiệu tên xuất xứ của sản phẩm từ một vùng địa danh.

Tại hội thảo EU – ASEAN về thủ tục đăng ký Chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài (do Dự án Bảo hộ chỉ dẫn địa lý EU – ASIAN phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 20 và 21-5), các chuyên gia cho rằng: Việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm mang tên một vùng địa danh theo luật của một số nước là không thể chấp nhận, đặc biệt là các nước thuộc Liên minh châu Âu – EU. Vì thế, khi đơn đã bị từ chối thì không nên theo đuổi mà có thể nộp đơn dưới hình thức chỉ dẫn địa lý tại EU. Còn đối với các nước như: Mỹ, Canada… khi nhãn hiệu bị trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã được đăng ký trước đó và đã bị từ chối, các chuyên gia khuyên nên thương lượng và mua lại thương hiệu đó. Nhưng một số chuyên gia khác lại cho rằng, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột nên đăng ký một nhãn hiệu khác vào 2 thị trường này càng sớm càng tốt để tránh chi phí thương lượng cao và có thể lặp lại trường hợp tương tự.

Trước những tư vấn đó, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cũng đã đề nghị UBND tỉnh cho phép dừng việc theo đuổi đăng ký nhãn hiệu “Buon Ma Thuot coffee” tại Mỹ, Canada và Hàn Quốc, chuyển sang bảo hộ một nhãn hiệu khác của cà phê Dak Lak. Cùng với đó, đăng ký chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột vào EU.

Theo Báo Đắk Lắk

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng