3 rủi ro trong hợp đồng cà phê châu Âu

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện thường ký hợp đồng xuất khẩu cà phê theo một hợp đồng mẫu mà người mua đưa ra là Hợp đồng cà phê châu Âu (ECC). Tuy nhiên, điều đó dẫn đến nhiều rủi ro.

Rủi ro “trọng lượng miễn trừ “

Trọng lượng miễn trừ là 0,5% và bất kỳ sự hao hụt trọng lượng nào ở nơi đến vượt quá 0,5%, người bán sẽ phải hoàn lại tiền theo ECC (Điều 2.e).

Trước đây, trọng lượng miễn trừ là 1%, ECC năm 2002 giảm từ 1% xuống 0,5% với lý do là khi việc hàng được chuyên chở bằng bao gói hay bằng container làm giảm một cách đáng kể việc hao hụt trong lượng.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bị khiếu nại và phải hoàn lại tiền cho đối tác nước ngoài do tỷ lệ miễn trừ cao hơn 0,5%. Có hai cách để doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam đàm phán liên quan đến vấn đề trọng lượng hàng:

Một là, đàm phán để nâng trọng lượng miễn trừ lên 1%. Rõ ràng là điều kiện khí hậu ở Việt Nam là nóng ẩm khác với điều kiện khô lạnh ở Châu Âu (độ ẩm trung bình ở Việt Nam lên đến 80%, trong khi đó ở Châu Âu chỉ khoảng 50%), cà phê có tính hút ẩm, vì vậy việc áp dụng tỷ lệ miễn trừ là 0,5% là không phù hợp.

Hai là, đàm phán để áp dụng trọng lượng giao hàng ở cảng đi và giấy chứng nhận trọng lượng ở cảng đi là cuối cùng. Hóa đơn thanh toán ghi theo trọng lượng giao hàng ở cảng đi, người mua sẽ không có quyền đòi hoàn tiền nữa mà phải thanh toán dựa trên trọng lượng ở cảng đi.

Trọng tài nước ngoài hay trọng tài Việt Nam?

Theo ECC 2002, bất kỳ tranh chấp nào phát sinh mà không thể giải quyết bằng thương lượng sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại địa điểm được xác định trong hợp đồng.

Luật áp dụng là luật quốc gia nơi tiến hành trọng tài. Khảo sát các hợp đồng xuất khẩu cà phê mà doanh nghiệp Việt Nam ký kết, địa điểm trọng tài là: London, Hamburg, Le Havre, không có hợp đồng nào sử dụng trọng tài tại Việt Nam. Điều này còn kéo theo luật áp dụng là luật nước ngoài.

Như vậy doanh nghiệp Việt Nam sẽ hoàn toàn bất lợi trong việc giải quyết tranh chấp. Giải pháp mà doanh nghiệp có thể tính đến, đó là đàm phán để sử dụng trọng tài Việt Nam, ví dụ như Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), và luật áp dụng là Công ước Viên năm 1980 của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG).

Điều 15 của ECC có loại trừ áp dụng CISG, nhưng điều đó không cản trở việc các bên trong hợp đồng thỏa thuận luật áp dụng là CISG (vì thỏa thuận của các bên có giá trị áp dụng cao hơn các quy định tại ECC).

Quy định điều khoản chất lượng như thế nào?

Nhiều hợp đồng xuất khẩu cà phê của Việt Nam quy định chất lượng theo mẫu, theo đó, mẫu trước khi giao hàng phải được người mua chấp thuận mà chưa quy định việc bảo quản mẫu.

Trong khi vấn đề bảo quản cần được đặc biệt lưu tâm nếu không có biện pháp bảo quản thích hợp và có nguy cơ gây ra tranh chấp khi thực hiện hợp đồng. Một số hợp đồng xuất khẩu lại sử dụng việc dẫn chiếu đến tiêu chuẩn khi quy định chất lượng.

Ví dụ hợp đồng xuất khẩu cà phê robusta giữa một người xuất khẩu Việt Nam và bên mua Đức (năm 2014) có dẫn chiếu đến rất nhiều tiêu chuẩn: ISO 6673/1983, ISO 4150/1980, ISO 3310-2/1990, TCVN 4334/2001, TCVN 4193/2005. Hơn nữa, cũng trong hợp đồng này, hai bên thống nhất giám định theo quy trình của một công ty giám định quốc tế.

Không rõ nếu có sự mẫu thuẫn giữa các tiêu chuẩn này thì xử lý thế nào? Các tiêu chuẩn này đều có phương pháp giám định, có thể dẫn tới sự mâu thuẫn giữa tiêu chuẩn và quy trình giám định của công ty nước ngoài.

Vì vậy, lời khuyên cho doanh nghiệp là cần phải nêu rõ tên tiêu chuẩn, năm ban hành, cơ quan ban hành tiêu chuẩn để tiện cho việc tham khảo, dẫn chiếu; chỉ nên dẫn chiếu đến một bộ tiêu chuẩn để tránh xảy ra mâu thuẫn giữa các bộ tiêu chuẩn.

Điều 8 của ECC quy định cụ thể cách lấy mẫu dùng cho mục đích đánh giá chất lượng cà phê đóng bao và cà phê đóng rời (có quy định thêm cách lấy mẫu cho phương thức vận tải bằng container).

Địa điểm lấy mẫu kiểm tra phẩm chất ở đây là địa điểm nhận hàng (Điều 8(a), ECC 2002), điều này có nghĩa là người bán chịu mọi rủi ro về chất lượng hàng hóa trong quá trình vận chuyển hàng hóa và việc kiểm tra phẩm chất tại cảng đến có giá trị cuối cùng, quyết định.

Các quy định tại Điều 7 và Điều 8 ECC về lấy mẫu và kiểm tra chất lượng tại cảng đến là bất lợi cho người xuất khẩu Việt Nam. doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam nên cố gắng đàm phán để việc kiểm tra phẩm chất tại cảng đi là chung thẩm và ràng buộc cả hai bên.

Để có thể thuyết phục đối tác chấp nhận điều này, nên chỉ định một Công ty giám định độc lập, chuyên nghiệp, đồng thời quy định về phương pháp, cách thức lấy mẫu và tiến hành giám định ở cảng đi theo cách đã được quy định tại Điều 8 ECC.

TS. Nguyễn Minh Hằng
Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Trưởng Khoa Luật, Đại học Ngoại thương

Theo tapchitaichinh.vn

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng