Tính đến tháng 5/2024, Đắk Lắk có hơn 32.000 ha sầu riêng, vượt xa con số thống kê giữa năm 2023 là 22.458 ha, giữ vị trí là tỉnh trồng sầu riêng lớn nhất cả nước. Vậy sản lượng sầu riêng thời gian tới có vượt quá năng lực tổ chức tiêu thụ của ngành nông nghiệp địa phương, và qua đó, giá sầu riêng có thật sự được giữ vững như mong đợi của nông dân?
Thực trạng cần kiểm soát
Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk tỏ ra e ngại trước con số diện tích và sản lượng vùng trồng gia tăng nhanh chóng. Nếu không có sự đánh giá, kiểm soát, bảo đảm cân đối sản xuất và thu hoạch, nhất là vấn đề canh tác của nông dân, sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ.
Trước ông Vũ Đức Côn, một số chuyên gia Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi làm việc với Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên cũng từng đưa ra cảnh báo nguy hiểm khi các vùng trồng chuyên canh tự phát bùng nổ, không chỉ với sầu riêng. Song với loại trái cây này, ba năm qua, Đắk Lắk lẫn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã ghi nhận những đột biến đầu tư cần lưu ý. Theo đó, các chuyên gia nhắc nhở ba vấn đề gắn với thực trạng vùng trồng nên có kiểm soát.
Thứ nhất, diện tích sầu riêng tăng nhanh, đồng nghĩa với diện tích một số loại cây trồng khác giảm. Điều này làm phá vỡ quy hoạch chung về nông nghiệp vùng, các sở, ngành quản lý cùng bộ chuyên môn cần rà soát lại. Ở đây, phải cân đối thực tiễn dư địa phù hợp cây sầu riêng, cùng các quy trình khoa học hướng dẫn chăm trồng có ổn không. Có một số khu vực, tính chất khí hậu, thổ nhưỡng không hợp với cây sầu riêng, nếu nông dân cứ chăm trồng theo xu hướng, sẽ chỉ có bất lợi. Các khảo sát khoa học nên được tổ chức để ngay từ lúc này có thể cản ngăn xu thế thay đổi cây trồng một cách cảm tính ở nông dân.
Thứ hai, sản lượng sầu riêng tăng luôn gắn với nguy cơ “được mùa mất giá” đã xảy ra bao năm rồi. Một khi con số thu hoạch ở mỗi vùng trồng vượt quá năng lực tổ chức kinh doanh, xuất khẩu… từ các tổ chức, doanh nghiệp, thị trường sẽ rất dễ rơi vào vòng thao túng của các đầu nậu, thương lái, từ đó gây bất ổn về hoạch định kinh tế bền vững cho ngành sản xuất. Phải có được kế hoạch căn cơ về định mức sản lượng hằng năm, thông qua các hiệp định thư và hợp đồng ổn định ở nhóm doanh nghiệp đầu tư, và dự đoán nhu cầu tiêu thụ trong nước hợp lý, thì mới có được chương trình vận động người nông dân chăm trồng tốt.
Thứ ba, cần lưu ý, từ mã vùng sản xuất, mã kho đóng gói, tiêu chuẩn xuất khẩu cho đến quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản… hiện nay, sự ảnh hưởng của các quốc gia nhập khẩu nông sản, các quy chuẩn chung quốc tế là rất lớn. Các quốc gia như Thái Lan đã buộc phải kiểm soát rất chặt việc canh tác của người nông dân bản địa, cấm thu hoạch sớm, cấm sử dụng các chất thúc dưỡng… đều biểu hiện tính nghiêm túc tuân thủ chung này. Cho nên, cần kiểm soát chặt chẽ chính năng lực và ý thức canh tác của người nông dân chúng ta hiện nay.
Cần “định tâm” cho người nông dân
Cùng chung ý kiến với những cảnh báo trên, ông Vũ Đức Côn cho rằng, thế mạnh sầu riêng của Đắk Lắk phải chú ý nguy cơ mất kiểm soát nếu cứ làm ồ ạt như hiện nay. Ông nhấn mạnh, cần phải điều tiết được sản xuất của người nông dân, tăng cường được hiệu quả hợp tác giữa nông dân sản xuất với doanh nghiệp kinh doanh, từ đó có cơ sở quy hoạch và quản lý quy hoạch vùng trồng, cây trồng hợp lý.
Thời gian qua, thông tin tích cực về cơ hội xuất khẩu, mức giá bán sầu riêng tăng đã ảnh hưởng tích cực đến nông dân. Song nếu người nông dân không được hướng dẫn, kiềm chế tình trạng đốn bỏ các cây trồng khác để ưu tiên trồng sầu riêng, rồi bỏ qua các cảnh báo khi canh tác, thì sự phát triển vùng sẽ phát sinh vấn đề. Một khi sầu riêng thu hoạch có chất lượng kém, dẫn đến những quan hệ kinh doanh bất ổn, vi phạm các hợp đồng bền vững…, bị thị trường chấm điểm xấu, cơ hội tiêu thụ sẽ bị mất.
Cho nên, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đang cần có sự chung tay tổng lực của các ngành, các cấp quản lý, nhất là các hiệp hội, tổ chức nghề, trong định dạng lại năng lực canh tác, quản lý quy hoạch, hướng dẫn thu hoạch cho người nông dân. Đơn cử tỷ lệ 80% thu hoạch chính vụ, 20% thu hoạch trái vụ, ở trong hoạch định phát triển vùng sầu riêng của tỉnh đã được ngành đề ra từ lâu, nhưng đến nay việc thực thi vẫn chưa được tuân thủ.
Hiện đã bắt đầu vào vụ sầu riêng 2024. Phần đông nông dân đang hào hứng trước những dữ liệu sôi động từ thị trường. Nên chính lúc này, sự can thiệp, vận động của các cơ quan chức năng, để kiểm soát tình hình, định liệu các nguy cơ về giá cả có thể sụt giảm, yêu cầu chất lượng xuất khẩu nên tăng lên… để giúp người nông dân “định tâm” là cần thiết.
Những chấn chỉnh này còn phải tính đến tầm nhìn xa, trong vòng 3 – 4 năm tới, khi diện tích vùng trồng vẫn tăng và sản lượng dư sau thu hoạch vẫn lớn, người nông dân cần hợp tác kiềm chế tốc độ phát triển ra sao. Cộng đồng các doanh nghiệp đầu tư, nhất là các đơn vị chế biến chuyên sâu, sản xuất hàng thực phẩm tinh chế từ nông sản cũng phải được cân đối, tạo điều kiện hỗ trợ như thế nào.
Nên chăng, Đắk Lắk cần củng cố lại chính nội tại hoạt động canh tác sầu riêng ở các vùng trồng cụ thể, tổ chức lại mạng lưới thu hoạch bảo quản nông sản, và thu hút thêm lượng doanh nghiệp chế biến chuyên sâu, mới có thể bảo đảm sự đầu tư hiệu quả cho địa phương, và cho người nông dân!
Theo Nguyên Đức (Báo Đắk Lắk)
Biện pháp tốt nhất là chế biến sâu và mở rộng thị trường, bên cạnh việc quản lý chất lượng của cơ quan chủ quản và các doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện nay vấn đề chất lượng đều do thương lái quyết định nên dễ ảnh hưởng tới thương hiệu, nhà nước cũng như địa phương phải quản lý thật chặt chẽ vấn đề chất lượng thì người dân cũng phải áp dụng theo nếu không thì không bán được