Theo số liệu thống kê, tổng diện tích cà phê cả nước năm 2017 đạt 664.600ha, tăng hơn 14.000ha so với năm 2016, trong đó diện tích cà phê cho thu hoạch là 606.900ha. Năng suất cà phê niên vụ 2016-2017 đạt 25,2 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so với năm 2016.
Những năm qua, bên cạnh mở rộng diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật và sử dụng các giống cà phê có chất lượng, nâng cao năng suất, các địa phương trồng cà phê trên cả nước tích cực thực hiện trồng tái canh và ghép cải tạo diện tích cà phê già cỗi; trồng xen canh cây cà phê với cây công nghiệp, cây ăn quả.
Về hiệu quả mô hình trồng xen canh cây công nghiệp, cây ăn quả trong vườn cà phê tại tỉnh Đắc Lắc, theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắc: Năm 2017, tỉnh có 185.071ha cà phê, trong đó có 39.077ha trồng xen cây hồ tiêu, bơ, sầu riêng, điều. Loại hình trồng xen nhiều nhất là cà phê xen hồ tiêu, với diện tích 19.907ha, chiếm 50,94% tổng diện tích cà phê trồng xen. Mô hình trồng cà phê xen tiêu trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc cho hiệu quả cao, cây ít bị bệnh; hiệu quả kinh tế cao gấp 1,69 lần so với cà phê trồng thuần trên cùng đơn vị diện tích. Mô hình trồng xen cây ăn quả như sầu riêng, bơ, mít… trong vườn cà phê cũng mang lại thu nhập trung bình gấp 3-4 lần so với cà phê trồng thuần.
Tại tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quyết định về quy trình canh tác một số loại cây trồng xen cây công nghiệp trên địa bàn. Theo thống kê của ngành nông nghiệp Lâm Đồng, đến năm 2017, toàn tỉnh có 158.624ha cà phê, năng suất bình quân 3,03tấn/ha, sản lượng gần 454.247 tấn. Diện tích cà phê trồng xen là 20.858ha, chiếm gần 13% tổng diện tích. Trong đó, xen cây bơ là 3.822ha; xen sầu riêng 6.655ha; mắc ca 2.402ha; xen cây hồng 1.924ha và xen cây khác là 6.054ha. So sánh các loại cây trồng xen cà phê cho thấy, sầu riêng, bơ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây trồng khác, với doanh thu tăng thêm khoảng 190 triệu đồng/ha/năm; cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê cho doanh thu tăng thêm 104 triệu đồng/ha/năm; với cây hồng và cây hồ tiêu là 54-76,5 triệu đồng/ha/năm.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Việc trồng xen đã đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp cho các địa phương, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, hạn chế được những rủi ro về giá cả và biến động của thị trường. Ngoài ra, trồng xen còn có tác dụng làm cây che bóng, chắn gió cho cà phê, hạn chế bốc hơi nước, giữ ẩm cho cà phê phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc trồng xen cũng còn những khó khăn, như chưa có nghiên cứu đồng bộ về quy mô, quy trình trồng xen canh trong vườn cà phê cho từng loại cây. Việc trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm trong vườn cà phê còn thiếu sự gắn kết với doanh nghiệp về đầu ra cho sản phẩm… Cũng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, để nâng cao hiệu quả trồng xen, cần xác định lại vùng trồng xen; xác định lại cơ cấu cây công nghiệp, cây ăn quả trồng xen với cà phê; chú trọng nguồn nước tưới cho vùng trồng xen, ít tạo tranh chấp nguồn nước đối với cây cà phê, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu; tăng cường công tác khảo nghiệm, bình tuyển, công nhận cây đầu dòng, vườn đầu dòng cây trồng xen cà phê. Ngoài ra, cần có biện pháp quản lý chất lượng giống cây trồng xen ngay từ đầu; xây dựng và phát triển các vùng trồng cà phê có xen cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm theo hướng sản xuất an toàn, tiến tới cấp chứng nhận chất lượng, cấp mã số vùng để truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Theo nnptnt.daklak.gov.vn