Để tránh rủi ro khi giá xuất khẩu biến động, doanh nghiệp cần theo sát diễn biến thị trường, đồng thời rút kinh nghiệm không bán hàng trừ lùi quá xa.
> Xuất khẩu cà phê: Cảnh giác “đòn gió”
Tại Hội nghị “Tổng kết niên vụ cà phê 2009/2010 và phương hướng công tác niên vụ cà phê 2010/2011” do Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, nhiều đại biểu đã thẳng thắn nêu ra những bài học trong việc điều hành xuất khẩu cà phê niên vụ 2009/2010.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết, khối lượng xuất khẩu niên vụ 2009/2010 đạt trên 1,1 triệu tấn (thấp hơn vụ trước 30.000 tấn), trị giá đạt 1,66 tỷ USD. Trong khi đó, giá cà phê qua vụ 2008/2009 sang tháng 1/2010 đã giảm dần. Cụ thể, nếu giá bán bình quân cả vụ 2008/2009 đạt 1.649 USD/tấn và kim ngạch xuất khẩu vụ này đạt 1,94 tỷ USD, thì sang tháng 10 – 11 – 12/2009, giá chỉ còn 1.418 USD/tấn. Cả vụ cà phê 2009/2010, giá bán bình quân chỉ đạt 1.435 USD/tấn, giảm 12,9% so với vụ trước.
Có thực tế là, xuất khẩu cà phê đầu niên vụ 2009/2010 (thời điểm giá thấp), nông dân đã bán một lượng cà phê lớn, nên khi giá tăng, lượng hàng để bán không còn nhiều. Cụ thể, ở thời điểm tháng 3 – 4/2010, sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 121.432 tấn và 116.888 tấn, nhưng từ tháng 5/2010 trở đi, mỗi tháng chỉ xuất khẩu hơn 98.000 tấn. Đến tháng 9/2010 (cuối vụ), chỉ còn xuất chưa đến 57.704 tấn. Điều này cho thấy, điều hành xuất khẩu cà phê còn nhiều bất cập.
Ông Nguyễn Nam Hải, Tổng giám đốc Công ty Cafecontrol cho biết, hiện cả nước có đến hơn 150 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. “Do cạnh tranh, nên nhiều doanh nghiệp bán xa, trừ lùi, gây ảnh hưởng lớn đến giá xuất khẩu”, ông Hải cho biết.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng chiến lược xuất khẩu, điều hành chủ động trong việc bán và thu mua tạm trữ cà phê khi tình hình thị trường có tình trạng cung cấp dư thừa và giá có chiều hướng giảm. Các chuyên gia cũng cho rằng, tạm trữ phải là một chiến lược chủ động điều hành linh hoạt, chứ không phải là một giải pháp tình thế, bởi thực tế, Quyết định 481/QĐ-TTg ngày 13/4/2010 về tạm trữ cà phê đã chứng minh điều này (sau khi có quyết định tạm trữ, giá cà phê xuất khẩu đã tăng thêm trên 200 USD/tấn và giá cà phê nhân trong nước cũng tăng từ 23 triệu đồng/tấn lên gần 30 triệu đồng/tấn).
Theo ông Lương Văn Tự, niên vụ cà phê 2010/2011, để tránh rủi ro khi giá xuất khẩu biến động, doanh nghiệp cần theo sát diễn biến thị trường, đồng thời rút kinh nghiệm không bán hàng trừ lùi quá xa. Hơn nữa, niên vụ 2010/2011, Nhà nước cần sớm hỗ trợ vốn để thu mua tạm trữ cà phê ngay từ đầu vụ, tránh trường hợp đầu vụ bán không được giá, cuối vụ được giá thì hết hàng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về việc có hay không tình trạng doanh nghiệp ngành cà phê trong nước cạnh tranh không lành mạnh, dẫn tới giá cà phê giảm, ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cao cấp Vicofa cho biết, việc doanh nghiệp cạnh tranh là có, nhưng đó cũng là tình hình chung của các ngành hàng ở Việt Nam và điều này còn phụ thuộc vào cung – cầu thế giới, cũng như một vài yếu tố “đầu cơ” khác.
Liên quan đến Sàn Giao dịch cà phê đã khai trương hơn 1 năm tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), nhưng hoạt động chưa hiệu quả, ông Nhạn cho rằng, trên thực tế, sàn giao dịch cà phê không dễ thực hiện, bởi muốn sàn cà phê hoạt động, cần lượng giao dịch lớn. Nhưng do nông dân làm cà phê với quy mô nhỏ lẻ, nên họ thường bán cho các đại lý mà không đem đến giao dịch tại sàn. “Việc này có thể cải thiện bằng việc tổ chức lại sản xuất cho nông dân để có những hợp tác xã, một năm có thể cho ra những sản lượng lớn từ vài tấn trở lên để có thể giao dịch qua sàn”, ông Nhạn gợi ý và cho rằng, trong hoàn cảnh hiện tại, cần linh hoạt chuyển đổi công năng của Sàn giao dịch cà phê bằng cách hỗ trợ nông dân để họ đưa cà phê đến chào hàng, cũng như ký gửi tại Sàn giao dịch.
Lại tiếp tục đổ lỗi cho nông dân.
Xin hỏi các vị, nông dân có đem bán đi xuất khẩu đc ko? Bán cho ai? Bán bao nhiêu?…
Tại sao mọi yếu kếm, trì trệ, thậm chí làm dối, làm bừa là các vị cứ đổ lỗi cho tại nông dân.
Ngành cafe ra đời đc khoảng 30 năm rồi. Đó là một khoảng thời gian khá dài đủ cho nhiều sự đổi thay. Chỉ có nông dân là thay đổi đưa năng suất bình quân từ 1 tấn/ha lên 2-3 tấn/ha cafe nhân. Còn các vị là những con người và cách bán buôn cafe thì vẫn chưa thấy đổi thay.
Lịch sử có tai có mắt hết các vị ạ!