Ồ ạt hái cà phê non: Lại “bốc hơi” hàng trăm triệu USD

Đi khắp các ngả đường ở Tây Nguyên, hơn 1 triệu nông dân vùng đất đỏ lồng lộng nắng gió đang hối hả thu hoạch cà phê vụ mới với tràn trề hy vọng. Tuy nhiên, điều đáng nói, việc người dân vẫn duy trì thói quen ồ ạt tuốt cả trái xanh lẫn chín khiến ngành cà phê VN tổn thất hàng trăm triệu USD…

> Tác hại của việc thu hái cà phê quả xanh
> Nông dân không mặn mà với cà phê sạch

Vì sợ … trộm, cướp

Trong khu đất trống trải bạt rộng chừng 2.000 m2 chứa đầy cà phê phơi, hai cha con anh Hoàng Anh Dũng (đường Nguyễn Văn Cừ, xã Lộc Thanh, huyện Bảo Lộc- Lâm Đồng) đang hì hụi hốt từng thúng cà phê khô đổ vào chiếc máy tách hạt chạy bằng dầu diezen nổ chói tai. Bốc nắm cà phê sau tách, anh Dũng lắc đầu, nhăn mặt tỏ vẻ không hài lòng vì có rất nhiều hạt bị bể dập. Chắc máy hư?- tôi hỏi. “Chẳng phải, do quả xanh nhiều quá thôi” – anh Dũng ca thán rồi chỉ đống cà phê trên sân đã trải qua 3 ngày phơi nắng gắt, nói: “Có tới 50% là cà phê non đấy. Biết làm vậy là thiệt, nhưng chú ạ, xanh nhà còn hơn già đồng, nếu thu hoạch chậm có ngày tôi… đổ nợ”.

ca-phe-non-xanh
Ồ ạt hái cà phê non: Lại “bốc hơi” hàng trăm triệu USD

Chuyện là thế này, cứ mỗi khi vào vụ cà phê mới (tháng 10), cả nhà anh lại mất ăn mất ngủ vì hơn 2 ha cà phê luôn bị bọn trộm nhòm ngó. “Chúng tổ chức thành từng nhóm, phân công người thị sát, cảnh giới rất bài bản trước khi vào hái trộm của dân. Cách đây mấy ngày, nhờ thuê người phục kích chúng tôi đã tóm được 2 tên ngay trong rẫy gần nhà” – anh Dũng nói. Chuyện này cũng diễn ra với rẫy cà phê rộng 1,5 ha của anh Trần Đức Khải (thôn Thanh Xuân 1, xã Lộc Thanh). Anh Khải cho biết, do nhiều cây đã cho quả bói (trong một chùm chỉ có ít quả chín) nên anh đành “nhắm mắt” hái tuốt tuột từ trên xuống dưới để ngừa những nhóm “siêu trộm”. Cũng chính vì nỗi lo này mà hơn 1 tấn cà phê của vợ chồng anh Khải đang phơi la liệt ngay trên con đường đất đỏ trước cửa nhà, có tới hơn phân nửa là quả xanh, hạt nhỏ không đạt chuẩn.

Không chỉ bị trộm, nhiều hộ dân còn bị cướp cà phê trắng trợn ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Ông Nguyễn Văn Nhân (ấp 4, xã Lộc Phát) bức xúc cho biết, vườn cà phê của ông và nhiều hộ dân xa khu dân cư liên tục bị nhiều nhóm thanh niên nhảy bổ vào vác từng bao cà phê rồi bỏ chạy. Manh động hơn, những đối tượng này mò vào tận sân phơi, nơi dân cư đông đúc để trộm, cướp. Nhiều kẻ còn cầm dao vào uy hiếp dân. “Chẳng ai dám đuổi theo chúng vì sợ mất mạng” – ông Nhân nói. Trước tình hình này, nhiều chủ vườn phải thuê thanh niên trong xóm ra canh vườn, đồng thời tranh thủ hái hết quả xanh lẫn chín của những cây cho bói.

60-80% cà phê bị loại là của Việt Nam

Theo ông Đoàn Triệu Nhạn – Chuyên gia cao cấp của Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (Vicofa), ngoài lý do khách quan là nạn hái trộm đang hoành hành, chính người trồng cà phê đang tự tay kéo tụt chất lượng mặt hàng của mình. “Người dân sợ thu hoạch nhiều lần sẽ làm tăng chi phí khi giá nhân công ngày càng khan hiếm, đắt đỏ; hơn nữa nó cũng đã trở thành một thói quen xấu từ hàng chục năm nay và không dễ gì nông dân từ bỏ được” – ông Nhạn nói.

ca-phe-kem-chat-luong
60-80% cà phê bị loại là của Việt Nam

Thực tế trên đang làm cho việc chế biến cà phê rất gian nan. Đến công đoạn phơi, do không đủ diện tích dẫn đến phơi dày, ủ đống, phơi trên sân đất làm cho cà phê khô không đồng đều, dễ bị mốc, nhiều tạp chất. Hầu hết cà phê Robusta không được chế biến ướt, chỉ áp dụng theo phương pháp cổ truyền: phơi khô, xát vỏ nên màu sắc không đẹp, nhiều hạt bị dập, vỡ….

Theo Cty Giám định hàng nông sản Cafecontrol, thu hoạch sớm khi trái vẫn còn đang tiếp tục lớn sẽ làm hạt teo lại, da nhăn nheo, kích thước nhỏ, tỉ trọng nhẹ; vỏ lụa dính chặt vào nhân rất khó đánh bóng sạch; hạt nhân màu tối, thậm chí đen. Sau khi rang những hạt cà phê non thường có màu vàng và thường có mùi khó chịu. Tất cả các yếu tố đó làm giảm chất lượng của hạt cà phê, trở thành “lỗi” để nhà nhập khẩu cà phê bắt bẻ và bị coi là tạp chất.

Hậu quả là, liên tục trong nhiều năm trở lại đây, VN luôn đứng số 1 về tỷ lệ cà phê bị… loại thải trên toàn thế giới. Hiện trung bình mỗi năm có khoảng 500.000 – 700.000 bao cà phê bị loại thải (không đạt tiêu chuẩn quốc tế) trên toàn cầu, trong đó riêng VN “ôm” từ 60 – 80%! Tình hình trên cũng khớp với thực tế mà Bộ NN-PTNT cảnh báo: Việc thu hái non cà phê của người dân đã làm giảm gần 30% sản lượng, tức mỗi năm ngành cà phê VN mất đi vài trăm triệu USD!

Theo ông Nhạn, oái oăm nhất là thu hái xanh vẫn có người mua, vì thế lỗi này có cả phần của các DNXK cà phê. Ngoài ra từ lâu nay, các địa phương chỉ lo phát triển diện tích mà không chú trọng nhiều việc hướng dẫn cho nông dân cách thu hái, cũng như qui trình bảo quản sau thu hoạch để làm tăng khả năng cạnh tranh và giá trị. Để thay đổi, các DN đã đến lúc phải thống nhất áp dụng một bộ tiêu chuẩn khi mua, kiên quyết không mua cà phê không đạt chuẩn; đồng thời nên ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với giá mua phù hợp để kích thích nông dân hái chín, chất lượng cao.

Vấn nạn này cũng đang rất cần một giải pháp chung, chỉ đạo chung và sự phối hợp quyết liệt của các cơ quan chức năng để sớm giành lại hàng trăm triệu USD “bốc hơi” hàng năm cho ngành cà phê VN.

Ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Vicofa: CHÚNG TA TỰ LÀM GIẢM UY TÍN CHÍNH MÌNH!

Theo nghiên cứu của chúng tôi, trung bình nếu hái cà phê non phải 5 quả tươi mới thu được 1 quả khô, trong khi đó nếu hái chín thì tỷ lệ chỉ còn 4 thu 1. Chính vì người dân ồ ạt hái quả non nên mỗi năm VN mất trắng hàng trăm nghìn tấn, đồng thời ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hàng XK. Tôi khẳng định chúng ta đang tự tay làm giảm giá trị hạt cà phê và tự làm giảm uy tín của chính mình. Vì thế, các DNXK cà phê phải có thái độ rõ ràng về vấn đề này bằng cách hạn chế mua cà phê non, đồng thời tổ chức đưa các trạm thu mua của mình xuống tận các tỉnh, huyện để tránh mua cà phê hỗn tạp từ các đại lý trung gian.

Ông Đỗ Văn Nam – TGĐ TCty Cà phê VN: RA NGHỊ QUYẾT KHÔNG MUA CÀ PHÊ NON

Tôi thấy ở nhiều địa phương và các đơn vị kinh doanh cà phê đang làm khá quyết liệt để giảm tình trạng thu hái non, đặc biệt là ở một số huyện của tỉnh Đăk Lăk. Tuy nhiên, do các đại lý thu mua cà phê bất chấp quy định, ồ ạt mua xô, bán xô, còn người dân thấy được giá thì tranh thủ thu hoạch, bất chấp quả xanh hay chín mới dẫn đến tình trạng này.

Tôi khẳng định nếu hái non thì người trồng sẽ bị thiệt hại từ 15 – 20% giá trị, vì thế nông dân nên tập trung hái chín và bán trực tiếp cho các nhà máy trong vùng. Riêng TCty Cà phê VN đã có nghị quyết không thu mua cà phê non để khuyến khích người dân hái chín, từ đó nâng cao chất lượng, giá trị và uy tín cho ngành cà phê VN.

Ông Nguyễn Văn An – Chủ tịch Tập đoàn Cà phê Thái Hòa: HÁI CHÍN SẼ TĂNG THÊM 400 USD/TẤN

Vừa rồi chúng tôi khảo sát thấy rằng, nếu hái cà phê xanh thì phải 1.100 quả mới được 1 kg, còn hái chín thì tỷ lệ giảm xuống chỉ 800 quả. Chúng ta đang tự làm giảm đi giá trị thặng dư khổng lồ lên đến hàng trăm triệu USD/năm trong khi thực lực chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được. Xin đơn cử tại Tập đoàn Thái Hòa, do sản phẩm cà phê gần như 100% được thu hái chín nên sản lượng, chất lượng và giá trị gia tăng rất cao.

Hiện tại, mỗi tấn cà phê của chúng tôi giao dịch tại sàn London đều được bán dương 400 USD (+ 400 USD/tấn) và tương lai có thể sẽ tăng tới + 600 USD/tấn.

Ông Nguyễn Nam Hải – TGĐ Cty Giám định Cafecontrol: PHẢI ĐƯA NÔNG DÂN VÀO TỔ CHỨC, SX TẬP TRUNG

Qua giám định chất lượng cà phê chúng tôi nhận thấy, tỷ lệ cà phê xanh hái trong dân lên tới 30 – 40%. Ngày trước chúng ta chủ yếu chế biến ướt nên loại được cà phê xanh; nhưng giờ chủ yếu là chế biến khô nên hạt xanh hay chín đều được xử lý hết. Có tình trạng này cũng vì sản xuất của ta manh mún, nhỏ lẻ, người dân lo sợ đủ thứ như trộm cướp, dịch bệnh, nhân công nên luôn mang tâm lý tranh thủ mỗi khi mùa vụ đến.

Vì thế, muốn thay đổi thì trước hết phải tìm cách đưa nông dân vào tổ chức, sản xuất tập trung, quy mô lớn. Điều này còn phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước, của các ban ngành và từng địa phương có cây cà phê. Nếu chính sách đúng, làm quyết liệt thì chắc chắn sẽ có sự thay đổi…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nguyễn Cao Trần

    Thưa anh nhà báo,
    Ai mất? và nếu không mất thì ai được?

    Đây là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”, nó theo kỳ, theo nhịp mà tôi thấy hình như anh chưa có đọc cái bài này: https://giacaphe.com/8248/nong-dan-khong-man-ma-voi-ca-phe-sach.html

    Nếu thật sự có lợi thì ngu gì mà ko làm, xin các anh các chú các bác và cả các quan đừng trách nông dân tụi tui nữa, khổ lắm rồi.

  2. Nông Văn Dân

    Tôi làm cà phê cũng đã hơn 30 năm, từ tháng 1 – 2 hàng năm là tưới cho cà phê trổ hoa đến tháng 11 – 12 là thu hoạch. Trong hơn 10 tháng nuôi trái trên cây, ấy thế mà anh nhà báo nói cà phê non thì theo tôi nghĩ anh nhà báo chưa hiểu cà non và cà già như thế nào.
    Nhưng cha ông chúng ta có câu : “có ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Nhà nông tụi tui khổ lắm, bị rất nhiều áp lực, chứ không phải như các quan đâu chỉ ngồi phán là : không thu hoạch cà non, nào là giảm sản lượng, nào là kém chất lượng, mất mỗi năm hàng trăm triệu USD, bà con nông dân phải thu hoạch cà phê chín mới tăng phẩm chất, mới tăng sản lượng … Đúng như ý anh Nguyễn Cao Trần “Ai mất? và nếu không mất thì ai được?” Đó là các quan đắp chăn hô khẩu hiệu, chứ các quan có tìm hiểu nỗi cực khổ của nhà nông chúng tôi khi thời vụ cà phê tới chưa? các quan đã cùng bà con nông dân chia sẻ nỗi vất vả đó không? chắc chắn là không rồi! Trong khi các quan đang ngồi trên ghế nệm xoay, ngồi trong phòng điều hòa nhiệt độ, khát nước có kẻ pha, người rót, một bước lên xế hộp tiền tỷ, ngu gì rước khổ vào thân… Ấy thế mà cờ vào tay các quan thì dại gì mà không phất, chỉ ngồi làm ông phán, ai cũng nói được.
    Nhưng kính thưa các quan, nhà nông phải chịu những áp lực nào là kẻ trộm, nào là nhân công, nào là dịch bệnh, nào là thời tiết … Nay còn thêm áp lực của các quan nữa. Tôi lấy ví dụ chờ cà phê chín cho tăng sản lượng, nhưng gặp phải thời tiết trời mưa dầm 5-7 ngày như vậy là cà phê nứt nẻ rụng xuống đất lẫn vào cỏ rác coi như mất toi, “lợi đi đâu chẳng thấy chỉ còn răng”. Hoặc là càng để lâu càng phải trông coi, mỗi ngày công hái khoảng 80 ngàn đồng còn trông coi cả ngày đêm, chắc chắn là phải gấp đôi, mà các quan đã cùng chung tay với nhà nông hay chưa? Nếu các quan có tâm huyết vì ngành cà phê Việt Nam, mong các quan cùng chung sức với nhà nông để giải quyết những vấn nạn hiện nay. Chứ đừng đắp chăn hô khẩu hiệu nữa.

  3. Công Nông Phê

    Tôi đồnng ý như anh Nguyễn Cao Trân, dân chúng tôi cũng tính lắm chứ có lợi thì chúng tôi mới làm, ngu gì mà ko làm. Doanh nghiệp kinh doanh của các ông mua non,mua xanh,tranh mua tranh bán, cùng với lái buôn, thời cơ cho chúng tôi dại gì mà chúng tôi ko hái bán, để ngoài đồng rồi lại mất trộm.
    Còn nữa chúng tôi nghe nói TCty cà phê Việt Nam lại có công văn yêu cầu các doanh nghiệp thành viên bán cho văn phòng TCty hình thức như bắt buộc phải bán. Chúng tôi thấy rằng nếu mất được thì cùng nhau như thế nào, quyền tự chủ các DN thành viên ra sao, còn lời ăn lỗ chịu nữa ko, lời thì ko bàn đến nữa, nếu lỗ thì sao, mong các bác hiểu cho dân đen chúng tôi.

  4. Nguyễn văn Dũng

    Là một sinh viên Công Nghệ Thông Tin đang học năm cuối tại thành phố HCM, từ lâu tôi đã mơ ước sẽ làm giàu trên chính quê hương Gia Lai mình. Gia đình tôi gẵn bó với cây cà phê từ khi tôi còn học cấp 1(2000), từ đó đến giờ cây cà phê trải qua biết bao thăng trầm và nó in lên tiềm thức tôi một thôi thúc cháy bỏng là làm thế nào để cây cà phê mãi bền vững với bà con nông dân, mang lại sự no ấm hạnh phúc ấm no cho người Tây Nguyên, bù đắp những giọt mồ hôi nước mắt mà bố mẹ đã bỏ ra cho tôi ăn học nên người. Theo thời gian tôi cũng phần nào hiểu được những biến động của thị trường cà phê trong nước và thế giới, hành động của những người có trách nhiệm và nổi lòng của người dân trồng cà phê. Nhưng dường như cây cà phê đáng lẽ phải mang lại nụ cười của hạnh phúc thì ngược lại chỉ là sự biến động rớt giá kéo dài, sự bất đồng giữa nông dân và cán bộ, sự giàu có nhanh chóng của các doanh nghiệp buôn bán cà phê, thì xen vào đó là vẻ mệt mỏi khổ cực hằng lên trên gương mặt của bà con, của ba mẹ tôi những người cả đời tâm huyết với cây cà phê mà đáng lẽ họ phải được hưởng chút hạnh phúc dù là ít ỏi kia thôi. Nhưng thật phũ phàng mấy năm gần đây, cây cà phê phải chịu bệnh tật liên tục hoành hành, thiên tai hạn hán gió bão thì vô kể, giá phần bón thuốc trừ sâu liên tục leo thang, doanh nghiệp thu mua cà phê giàu lên đến chóng mặt. Họ dường như là sinh vật có tiêm vacsin đặc biệt, cà phê lên hay xuống thì họ cũng giàu. Chính họ đã lấy đi mất hạnh phúc của nông dân, bằng biết bao nhiêu thủ đoạn để bóc lột người dân nghèo chỉ biết cặm cụi dầm sương dãi nắng lo lắng che chở cho cây cà phê, để rồi họ ép giá mua rẻ khi nông dân không có tiền trang trải gia đình mùa vụ bằng cách phải bán “cà phê non”, giá lên thì ghìm giá, giá xuống thì ép thêm, để rồi phải chấp nhận là nguyên nhân cuối cùng cũng tại nông dân mình trồng cà phê không chất lượng, không có quy trình,không tuân thủ…… =>”ngu dốt”, hình như không có ở đâu mà người nông dân trồng cà phê phải khổ cực và tủi nhục đến vậy. Những chính sách, giải pháp của Bộ,của Đảng và Nhà nước liệu đã mang lại công bằng gì cho nông dân hay càng càng thiệp thì nông dân càng khổ. Năm nay đầu mùa, người trồng cà phê phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng chưa từng có. Miền trung lũ lụt bão táp tan cửa nát nhà nhưng tây nguyên không mưa, thiếu nước tưới trầm trọng, tương lai cây cà phê lại càng mịt mù không có lối thoát. Một màu đen u ám dường như không có lối ra cho cây cà phê. Thật đáng buồn phải không các bạn!

  5. Nguyễn Ngọc Thiện

    Thế giới phẳng rồi mà sao cứ gọi dân quê tôi là nông dân hoài vậy, muốn gì vào google tra là có hết. Anh cứ nghĩ nông dân rồi tự suy diễn là sai đó, không riêng gì Cà phê mà các nông sản khác cũng vậy thôi, cái gì cũng có cái để cho các quan nói được hết. Tôi thấy các quan luôn giải thích được nguyên nhân thất bại mà chưa thấy được giải pháp để thành công, nói chung là các quan luôn nói sau.

  6. Đam bri

    Trơ lại chuyện bốc hơi hàng trăm triệu. Ai thấy bốc chứ nông dân chỗ tui là không ai bốc cả. Đem bài viết này ra đọc khi trời mưa ko đi lô được thì ai cũng bảo như vậy. Họ chỉ bốc vào 2 chỗ mà chưa thể khắc phục được.
    1. Thằng ăn cắp.
    2. Thằng bán phân dổm, phân đễu.
    Còn một cái bốc nữa mà tạm thời cũng chưa tính được là bị đại lý thu mua ép giá.
    Có phải ko bà con.

  7. nguyen tan hung

    Nếu hái chín sẽ được tăng 400usd một tấn. Vậy tiền này ai là người được lợi. Hay trước hết mọi rủi ro người nông dân phải chịu?!

    1. Lê Nguyên

      Lại thêm vấn nạn nữa.
      Nghe lời các ông để cho cà phê chín nhiều mới hái.
      Mưa suốt tuần nay, cà phê chín rụng đầy gốc, công đâu mà lượm đây hả trời.
      Phen này lại thêm thất thu nữa.

  8. phương thảo trần

    Đúng là có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Người dân chúng tôi một nắng hai sương vất vả nên chúng tôi hiểu hơn ai hết giá trị sức lao động mà mình bỏ ra. Ai chẳng muốn để cà phê chín mới hái, vừa năng suất, chất lượng, hiệu quả, thế nhưng cứ nói như các bác ở trên thì chỉ có đi nhặt lại của thằng ăn trộm. Tám chục ngàn 1 ngày công, vào mùa còn lên tới một trăm ngàn, liệu đi lượm cả ngày của đủ để trả công không? Chưa nói đến chuyện mấy ngày nay mưa dầm, cà phê chín không hái được, rụng như ngô bung đổ xuống gốc, chúng tôi như người ngồi trên đống lửa, liệu các bác ở trên có hiểu cho chúng tôi không?

  9. Trần Thế Nhân

    Chào độc giả quan tâm đến nông nghiệp thân mến!
    Chữ caphê ở thành phố rất là lãng mạn, còn ở nông thôn tụi tui thì cay đắng lắm, đắng từ gốc đến ngọn, đắng từ đầu mùa đến cuối mùa. Gia đình tôi làm caphê đã 17 năm nay rồi, khó khăn và vất vả lắm. Vào mùa thì lo sợ bị trộm cắp, ban đêm phải thức canh chừng, ban ngày thì làm chóng mặt phần lo công, phần lo thời tiết, công thì không có đi tìm không ra lai còn đòi lên giá, khổ lắm. Còn cả năm thì lo phân thuốc, bây giò có giá được chút lại phân lên giá, vây thì cũng chẳng vui gì lắm. Còn gđình tôi làm rất hiêu quả, mùa nào cũng để chín trêh 80% mới hái vì vườn gần nhà mà. Vậy chất lượng đạt yêu cầu, mà lại bán kg có giá. Quí vị biết sao hôn? đầu mùa có giá cuối mùa lại rớt giá, thành thử bà con tranh thủ hái bán là đúng, còn hái non quá thì ko nên, như vậy thì chất lượng, mà nhiều năm gần đây gđình tôi bán ko được nhiều tiền, còn bà con hái sớm bán được nhiều tiền, sao mà ko tranh thủ.hì.hì… Còn phần chính phủ có những chính sánh cứu cánh bà con mà xa quá bay kg tới, mà khi tới thì đã hết nông sản rồi, việc chần chừ thu mua của doanh nghiệp cũng dễ hiểu thôi. Rốt cuộc cái khó cái khổ vẫn đè lên đôi vai nông dân tụi tui. Đưa ra luật để buộc nông dân mà ko quan tâm đến cái khó và cùng nhau tháo gỡ cho nông dân? vì sao phải hái non và bán non? các bác bề trên có cách nào giải quyết vấn nạn này cho tụi tui ko? An ninh xiết chặt tụi tui ngủ ngon, caphe thì chín đỏ, chất lượng thì đạt yêu cầu, đúng vậy ko? tìm cách giúp đỡ bà con có hướng đi vững vàng hơn, bền vững hơn! Cám ơn quí vị đã lắng nghe!

  10. hoàng long

    Tôi cũng đã học xong khoa công nghệ thông tin Bách khoa, đi làm không chịu nôỉ áp lực đành về lấy vợ. Tôi đi dậy thêm ở trung tâm, ban ngày làm thêm 5000m2 cà phê thấy cuộc sống có dư. Không như thời gian ở tp.hcm, lương cao nhưng vật giá cao chả có dư được là bao, nên đành về lấy vợ chăm 5 sào cà phê, nhưng tới mùa sợ nhất là nạn trộm cắp cà phê.

  11. Lâm Ngọc Liên

    Nông dân ai cũng biết hái cà xanh là thiệt về sản lượng. Bởi quả xanh, non ngoài chất lượng kém còn nhẹ cân nữa. Nhưng mới đầu vụ năm nay mà cà tặc đã hoành hành. Có người bị mất báo chính quyền (CA xã) sau khi xuống xem hiện trường thì bảo: Tốt nhất nên tự giữ lấy. Vậy thì xanh nhà vẫn hơn già đồng

  12. hồ quả

    Nhà tui xưa giờ có tập quán hái cà phê chín đỏ rực trên cây, cảm giác rất thích thú vì nhìn thấy một màu đỏ huyết dụ khắp vườn. Hái chín cẩn thận, phơi phong nghiêm chỉnh, nhưng khi bán có hơn gì người ta bán cà phê hái xanh?
    Vậy hỏi làm như tui có lợi được 400USD/ tấn không hay chỉ hại cây, tốn công hái tỉa, lượm?

  13. Huỳnh Đức Tuyên

    Chào bác Nguyễn Văn An! tập đoàn Thái hoà.
    Không biết cà phê của Bác loại gì mà giá cao dữ vậy!
    Thật khó tin khi bác bán được gía +400usd (trong tương lai là +600USD/tấn, chắc bác nhầm +40usd-60usd đó.)
    Theo tôi được biết giá cà phê chế biến ướt loại R1(Semi water, back and broken bean:0.1%, foreign matter: 0.1%, below on 16 screem: 10%) của công ty cà phê Thắng Lợi được bán cao hơn thị trường London chỉ khoảng 40-70USD mà thôi.
    Bác nên cung cấp thông tin chính xác cho bà con nhờ!!!!!!

  14. Trần Thế Nhân

    xin chào các bác nông dân!
    theo tui thấy ở quê tui làm caphe mạnh ai nấy làm,ai có kinh nghiệm thì làm đạt năng suất,còn không cũng bình thường,chỉ đủ trang trải cho năm sau.muốn cho đạt năng suất và chất lượng thì phải có hiệp hội và các nhà chuyên gia.ví dụ;ai muốn tham gia làm caphe chất lượng cao thì đăng kí vô hội và sau đó nhờ chuyên gia hướng dẫn cách chăm bón,làm đúng theo qui trình của các nhà khoa học thì tất nhiên là đạt chất xuất khẩu và bán được giá cao,ví dụ giá hiện tại là 32.000đ/1kg là giá chung thị trường ,còn giá càphe chất lượng là 40.000đ/1kg nếu nông dân đã kí mà làm kg được thì bồi thường cho cty ký hợp đồng mà hiệp hội đứng ra làm không gian.có hướng đầu ra ổn định và tốt như vậy ai mà kg làm?còn cty luôn luôn có hàng ổn định và chất lượng thì bán giá cao.tui thấy nông dân các nướctiên tiến làm như vậy ai cũng giàu họ kg sợ làm ra bị ối như ở nông dân nước ta!chứ làm caphe như ta chỉ được số lượng chứ kg được chất.

  15. truong nguyen

    toi la nong dan lam ca phe. toi dong y xs ca phe sach va chat luong cao nhung nha nuoc phai dam bao an ninh cho nguoi dan chung toi da. chu mat ca thi chung toi chet chu co ai chet dau. khong thu mua ca xanh thi chat het chung di lam cui . the la keo nhau len thanh pho lam cn.

  16. DVN

    KHÔNG CÒN AI YÊY NGHỀ NÔNG NỮA !
    1-Nhà nước chỉ dành cho nông dân khỏan đầu tư tối thiểu ,theo kiểu “mày khóc quá chẳng nhẽ tao không cho “.
    2-Nhà doanh nghiệp thương dân theo kiểu “Tao nói thế thì có lợi cho tao “.
    3-Nhà khoa học “Tao thừa biết làm nghề nông sớm muộn cũng chết đói ,nhưng tao không thể nói ra sự thật “.
    4-Nhà băng (ngân hàng ) thừa biết đầu tư cho nông nghiệp kể như chơi trò mạo hiểm “Thiếu gì chỗ cho vay ngon ăn hơn “.
    5-Nhà nông “Lỡ rồi biết làm thế nào ,chuyển sang nghề khác đâu dễ dàng”,Cực chẳng đã hy vọng đời con mình không phải làm nghề này .
    KHÔNG CÒN AI YÊU NGHỀ NÔNG NỮA ! ,nghề này tất phải chết .

  17. vinacf

    Bữa trước trời nắng ráo , hái cafe xanh phơi được , bán được 33.000 Đ/kg .
    Hôm nay cafe chín , trời mưa mịt mù , không hái được , cái hái rồi thì nguy cơ bị đen .
    cafe bị hạt đen bán được giá bao nhiêu ? 0-40% giá trị . vậy thì quả xanh hay quả chín có lợi .
    Hô hào nông dân hái quả chín , nhưng ai đầu tư , trang bị cho nông dân lò sấy để sử dụng khi thời tiết mưa gió này .
    Một nghịch cảnh cà phê bị hạt đen như vụ 2008-2009 bắt đầu .

  18. cuba

    anh hái quả xanh nhưng không kịp thì tự trách mình thôi, bị đen cũng tại mình… không học hỏi, sao lại trách ….người khác?

  19. cafevietnam

    Chào bà con,
    Nghe bà con bàn luận về chuyện giá cả và chất lượng cafe của Việt Nam, tôi cũng xin được góp ý vài điều như sau:
    Thứ nhất, Bà con cũng có lý của mình, và các quan cũng có lý của riêng họ. Nhưng việc cafe kém chất lượng là lỗi của cả 2. Không phải là bà con không biết cách canh tác để cho năng suất và chất lượng, mà vấn đề là chi phí để làm như thế thì quá cao, bà con làm được thì chẳng có lời là bao. Trong khi họ là những người vất vả nhất. Câu hỏi ai được ai mất là hoàn toàn chính xác.
    Thứ 2, vì bà con tính đến lợi nhuận của mình mà cũng quên đi rằng, cafe VN được xuất khẩu, và khi cafe bị có tiếng là chất lượng kém thì thương hiệu cafe VN bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín và giá cả trên thị trường thế giới. Mặc dù cafe VN rất ngon.
    Thứ 3, sự cần thiết của sự kết hợp 3 nhà: Doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông để phát triển ngành cafe VN trở thành thương hiệu uy tín trên thế giới. Đó mới là bản chất vấn đề.

  20. Tuấn

    Chào bác Nguyễn Văn An
    Không biết bác bán cho bạn hàng nào mà +400, thậm chí là 600 hay vậy. Chỗ em chỉ chào bán LD +200 thôi, nếu thêm tiêu chuẩn cà phê UTZ nữa thì được thêm 40 USD/tấn nữa. Nếu không có gì bí mật, bác có thể vui lòng chia sẻ không.

  21. Phạm Vỹ

    Gửi tặng các bạn 1 vài thông tin để tham khảo và để chứng thực lời bác An-Thái Hòa .

    Vỹ cho rằng : có thì người ta mới nói, người ta không nói quá đâu :D

    Hiang Kie 18-Oct R2 +440 P.Klang
    Acom 16-Jul R2 +120 Bremen
    Dakman 18-Jun R1 +110 Genoa
    Cafe Tay Nguyen R2 +40 Houston
    Vinacof 22-Jul R2 +125 Gdynia

    các bác cứ suy nghĩ nhé .

    1. givu

      tui là nông dân, tôi rất muốn biết cặn kẽ thông tin này, nhờ các bác bác hiểu biết chỉ giúp ( cảm ơn trước và đừng trách móc nhé)hiệnj tại muốn bán cafe quả chín để có giá như vậy thì bán ở đâu? hoặc chỗ mình dăng ký bán cafe chất lượng ? năm nào tôi cũng hái quả chín đỏ,!

    2. givu

      hỏi thêm 1 câu nữa: sao lại có thuật ngữ Trừ lùi, mà chỗ cọng thêm này trước đến giờ chưa nghe nói đến ? bác nào tường tận chỉ giúp nhé!

Tin đã đăng