Cách đây 2 năm, giá cà phê Robusta xuất khẩu chỉ bằng một nửa cà phê Arabica thì nay, mọi việc đã đổi khác hoàn toàn.
Bài đăng trên báo Người Lao Động, click vào đây để xem bài viết gốc.
Theo số liệu của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), trong tháng 5, các doanh nghiệp xuất khẩu được 71.569 tấn cà phê nhân Robusta, với đơn giá 3.920 USD/tấn và 6.831 tấn cà phê Arabica, đơn giá 3.888 USD/tấn
Như vậy, giá cà phê Arabica xuất khẩu thấp hơn Robusta tới 32 USD/tấn. Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh (doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân tốp 7 niên vụ 2022-2023), nói rằng đây là điều chưa từng có trong lịch sử hơn 50 năm của ngành cà phê thế giới.
“Thực ra, giá cà phê Robusta đã vượt cà phê Arabica được một thời gian nhưng hiện nay mới được ghi nhận trong báo cáo thống kê vì thời gian qua các doanh nghiệp giao hợp đồng cũ với giá cũ” – ông Thông giải thích.
Ví dụ, tại niên vụ cà phê (tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau) 2021-2022, giá cà phê Robusta xuất khẩu bình quân là 1.980 USD/tấn, cà phê Arabica là 4.333 USD/tấn (gấp gần 2,2 lần). Đến niên vụ 2022-2023, khoảng cách này thu hẹp dần, khi Arabica giảm còn 4.071 USD/tấn, trong khi giá Robusta tăng lên 2.180 USD/tấn.
Theo VICOFA, Việt Nam chủ yếu sản xuất cà phê Robusta (chiếm hơn 94% diện tích và sản lượng) còn cà phê Arabica (chủ yếu giống Catimo) chiếm tỉ trọng thấp.
Điều này có nghĩa ngành cà phê Việt Nam đã hưởng lợi từ diễn biến lạ này của giá 2 loại cà phê chính trên thế giới.
Theo thông tin cập nhật của ông Thông, giá cà phê Robusta hiện đã lên mức 5.200 – 5.500 USD/tấn còn Arabica mới đạt 4.000 – 5.200 USD/tấn (tùy loại).
Nguyên nhân của sự đổi ngôi này là do trước đây, các nhà rang xay, chế biến dần thay đổi công thức sử dụng nguyên liệu cà phê Robusta nhiều hơn vì giá rẻ, lợi nhuận nhiều hơn. Khi Robusta được sử dụng nhiều mà nguồn cung bị hụt nên giá tăng trong khi công thức rang xay, chế biến không thể thay đổi một chiều.
“Với giá thị trường hiện nay, chắc chắn các nhà rang xay sẽ phải tìm cách quay trở lại công thức cũ, còn thời gian trong bao lâu thì bản thân tôi không thể trả lời được” – ông Thông thẳng thắn.
Dưới góc độ người trồng, ông Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Công ty CP Học viện café Việt Nam VCA (tỉnh Gia Lai), cho hay trước đây giá cà phê Arabica thường xuyên cao hơn cà phê Robusta hơn 2 lần. Về canh tác, cà phê Arabica chỉ phù hợp với một số nơi có độ cao và thổ nhưỡng phù hợp, năng suất thấp nên giá thành cao hơn cà phê Robusta.
Theo một số chuyên gia, trước đây cà phê Arabica được đánh giá là cao cấp hơn cà phê Robusta, sự chênh lệch về giá cũng phản ánh vấn đề nay. Tuy nhiên, sau một thời gian Robusta được đưa vào công thức chế biến các sản phẩm từ cà phê và được thị trường ưa chuộng cho thấy quan điểm này có thể bị thay đổi.
Theo Ngọc Ánh (báo Người Lao Động)
Hiện nay tiêu thụ cà phê hòa tan trên thế giới liên tục tăng trong khi Robusta có hương thơm đậm nên chế biến thành cà phê hòa tan vẫn còn giữ được hương vị của nó trong khi Arabica có hương thơm dịu nhẹ chỉ thích hợp pha sử dụng trực tiếp chưa kể khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng trước đây sử dụng phổ biến cà phê Robusta do giá rẻ lâu dần đã quen khẩu vị rồi nên sau này kinh tế phát triển mức sống cao hơn nhưng vẫn không chuộng Arabica vì cảm giác như đang dùng nước pha thứ 2 của Robusta nên tôi nghĩ chuyện thay đổi công thức pha chế giảm thành phần Robusta khó khả thi sẽ không thương hiệu nào dám thử.