Sau nhiều năm chạm đáy, giá hồ tiêu bắt đầu tăng trở lại. Với đà tăng trưởng như thời gian qua, cây hồ tiêu đang tái khẳng định vị thế là cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai.
Giá hồ tiêu tăng cao
Đến giờ, ông Nguyễn Đình Trung (làng Ia Ring, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) vẫn còn tiếc nuối khi vừa bán 2 tấn hạt tiêu khô thì giá tiêu lại tiếp tục tăng. Ông Trung cho biết: Gia đình ông có 600 trụ hồ tiêu. Do giá xuống thấp nên ông không bán mà đưa vào trữ trong kho của gia đình. Vừa rồi, ông bán 2 tấn với giá 124 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, ngay hôm sau, giá hồ tiêu đã tăng lên 136 ngàn đồng/kg.
“Hiện nay, giá hồ tiêu đang trên đà tăng trở lại. Thương lái tìm đến tận nhà để thu mua nhưng người dân vẫn chưa muốn bán mà chờ giá tăng thêm. Bên cạnh đó, bà con chủ yếu bán cho các doanh nghiệp thu mua hồ tiêu trên địa bàn huyện và một số vùng lân cận để không bị ép giá”-ông Trung nói.
Trong khi đó, ông Vũ Đức Dân (làng Tung Mo B, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) cho hay: Từ cuối năm 2023 đến nay, giá hồ tiêu bắt đầu tăng trở lại. Từ mức 70-80 ngàn đồng/kg, giá hồ tiêu đã tăng lên 135-140 ngàn đồng/kg. Giá hồ tiêu tăng cao giúp người trồng có nguồn thu nhập và chi phí đầu tư trở lại cho vườn cây.
“Cách đây chưa lâu, tôi bán mấy tấn hạt tiêu tích trữ từ những vụ thu hoạch trước với giá 100 ngàn đồng/kg để trả các khoản chi phí đầu tư. Hiện tại, tôi còn 8 tấn hạt tiêu khô. Với đà tăng giá này, tôi dự kiến lợi nhuận đạt hơn 500 triệu đồng”-ông Dân nhẩm tính.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 8.798 ha hồ tiêu, trong đó, diện tích đang trong giai đoạn kinh doanh gần 8.000 ha, kiến thiết cơ bản khoảng 765 ha, trồng mới và tái canh hơn 130 ha. Diện tích hồ tiêu tập trung chủ yếu tại các huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Đak Đoa và Chư Prông. Từ cuối năm 2023, giá hồ tiêu bắt đầu tăng trở lại. Sau khi thu hoạch, nhiều hộ không bán ngay như trước đây mà tích trữ để tiếp tục chờ giá tăng thêm.
Nông dân thay đổi phương thức canh tác
Dù giá hồ tiêu trên thị trường đang trên đà tăng trở lại giúp nông dân có lợi nhuận nhưng không còn tình trạng trồng mới ồ ạt như trước đây. Thay vào đó, nhiều hộ tận dụng số trụ còn lại để mua giống về trồng xen trong vườn cà phê tái canh theo hướng đa canh, hữu cơ để vừa dễ chăm sóc, vừa có nguồn thu nhập từ 2 loại cây trên cùng một diện tích.
Theo Kế hoạch số 638/KH-UBND ngày 22-3-2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, đến năm 2030, tỉnh phát triển và giữ ổn định diện tích hồ tiêu khoảng 10.000 ha, đẩy mạnh phát triển sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.
Ông Nguyễn Anh Việt (thôn 19, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) cho hay: Trước đây, gia đình ông trồng hơn 1.000 trụ hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên, khi vườn cây đang phát triển tốt lại rơi đúng vào thời điểm giá hồ tiêu xuống thấp, dịch bệnh chết nhiều nên ông cũng không mặn mà đầu tư chăm sóc.
“Bây giờ, không nhiều người mạo hiểm mở rộng diện tích hồ tiêu. Bởi trước đây, nhiều vườn đang xanh tốt mới thu hoạch được 1-2 vụ thì bị dịch bệnh chết hàng loạt. Vì vậy, hồ tiêu dù có tăng giá nhưng rất ít người trồng mới mà chủ yếu đầu tư chăm sóc diện tích còn lại, trồng dặm xen trong vườn cà phê mới tái canh để hạn chế rủi ro”-ông Việt bộc bạch.
Còn ông Tống Văn Trường (làng Vẻh, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) thông tin: “Năm nay, tôi ươm 80 ngàn cây hồ tiêu giống Vĩnh Linh. Từ đầu mùa mưa đến nay, tôi mới chỉ bán được khoảng 50% số lượng cây giống. Người dân mua cây giống để trồng dặm và xen canh trong vườn cà phê. Cũng có hộ trồng mới 1.000-2.000 trụ nhưng số này không nhiều như trước đây nữa”.
Trao đổi với P.V, ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê-chia sẻ: “Giá hồ tiêu tăng là cơ hội để vực dậy loại cây trồng có giá trị kinh tế cao này trong những năm tới. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân các xã, thị trấn khi trồng mới phải lựa chọn những loại giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng; trồng xen trong vườn cà phê tái canh, không đào bồn, không làm sạch cỏ như trước đây mà để lại nhằm giữ độ ẩm vào mùa khô, hút nước vào mùa mưa.
Người dân cũng cần trồng thêm cây che bóng mát, giảm lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước…
Bên cạnh đó, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê kết nối với các doanh nghiệp thu mua, cơ sở cung cấp phân bón liên kết với người dân xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, sạch để người dân học tập và áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Đây là hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường xuất khẩu sang các nước trên thế giới hiện nay”.
Theo NGUYỄN DIỆP (báo Gia Lai)