Từ đầu tháng 5/2024 đến nay, giá cà phê trong nước đã chững lại ở mức hơn 100.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá hồ tiêu vẫn đang liên tục tăng nhanh, hiện đã thiết lập mốc 112.000 – 113.000 đồng/kg; cao hơn giá cà phê khoảng 10.000 đồng/kg…
Tiêu và cà phê là cặp đôi sản phẩm chủ lực của người dân Tây nguyên. Cả hai loại nông sản này cùng vào “cuộc đua” tăng giá từ nửa cuối năm 2023, và dự báo cả giá tiêu và cà phê có thể tiếp tục tăng và duy trì mức cao trong thời gian tới do nguồn cung thiếu hụt và thời tiết bất lợi.
HỒ TIÊU VẪN ĐANG TĂNG GIÁ RẤT MẠNH
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 83.067 tấn hồ tiêu các loại, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 352 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu giảm 19,4%, tuy nhiên kim ngạch tăng 10,3%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.214 USD/tấn, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
VPSA cho biết châu Á hiện chiếm tới 36,2% tổng sản lượng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam, tuy nhiên trong 4 tháng đầu năm 2024 sản lượng xuất khẩu sang khu vực này đã giảm tới 52% so cùng kỳ 2023. Trong đó, giảm mạnh nhất là thị trường Trung Quốc, giảm tới 95,2%, UAE giảm 23%.
Ấn Độ hiện là thị trường nhập khẩu nhiều hồ tiêu Việt Nam nhất ở châu Á trong 4 tháng đầu năm với 5.552 tấn, chiếm 6,7% và tăng 23,9% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cũng tăng ở một số thị trường như Hàn Quốc tăng 157,4%, Pakistan tăng 59,7% và Philippines tăng 18,5%.
Xuất khẩu hồ tiêu sang các nước châu Mỹ tăng 40,6% và chiếm 30,2% thị phần xuất khẩu. Trong đó, Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu hồ tiêu riêng lẻ lớn nhất của Việt Nam với sản lượng đạt 22.774 tấn, tăng 45,2% so với cùng kỳ 2023 và chiếm 27,4% tổng sản lượng xuất khẩu.
Khu vực châu Âu chiếm 26,8% thị phần xuất khẩu tiêu Việt Nam, so cùng kỳ năm ngoái tăng 33,6%; trong đó, đứng đầu là các thị trường Đức tăng 104,7%; Hà Lan tăng 52,8%, Nga tăng 68,7%.
Trong khi đó, tại khu vực châu Phi ghi nhận lượng xuất khẩu giảm 4,7%. Mặc dù vậy, thị trường truyền thống Ai Cập đang có dấu hiệu tích cực khi lượng xuất khẩu tăng 10,7% đạt 1.977 tấn sau khi Chính phủ nước này có những hỗ trợ về ngoại tệ để thanh toán hàng hóa nhập khẩu.
Về giá hạt tiêu tại thị trường nội địa nước ta, với cú tăng tốc mạnh trong tuần này, giá tiêu hiện đã cao hơn giá cà phê gần 10.000 đồng/kg. Đầu tuần trước, giá tiêu và cà phê đang ở mức tương đương nhau: 101.000 – 102.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, từ ngày 16/5, giá tiêu giao dịch trên thế giới bất ngờ tăng mạnh kéo giá tiêu trong nước tăng vọt thêm 11.000 – 12.000 đồng/kg. Hiện tại (ngày 21/5), giá tiêu cao nhất là 112.000 đồng/kg ghi nhận tại Đắk Nông và Đắk Lắk. Giá phổ biến ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây nguyên là 111.000 đồng/kg.
Giá tiêu tăng mạnh trong thời gian gần đây là do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tiêu thụ từ Hoa Kỳ Trung Quốc, EU đang tăng. Trên các sàn giao dịch quốc tế, giá tiêu đen liên tục tăng và đang đứng ở mốc 4.900 – 5.200 USD/tấn; tiêu trắng từ 6.500 – 7.300 USD/tấn tùy loại.
Theo VPSA, những năm qua giá tiêu duy trì mức thấp kéo dài khiến diện tích sụt giảm. Những vườn tiêu già cỗi bị thay thế bằng các loại cây trồng khác đặc biệt là sầu riêng, đây là nguyên nhân đẩy giá hồ tiêu liên tục tăng cao trong thời gian qua.
GIÁ CÀ PHÊ TẠM THỜI NGỪNG TĂNG, NHƯNG VẪN ĐANG ĐỨNG Ở MỐC CAO KỶ LỤC
Trên sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica giao dịch vào thứ Hai (20/5) cho những lô hàng giao vào tháng 7/2024 đóng cửa tăng nhẹ 0,10 cent/pound so với cuối tuần trước. Trong khi đó, giá cà phê Robusta trên sàn London đóng cửa giảm 19 USD nằm ở mức 3499 USD/tấn. Sự phục hồi của tồn kho cà phê ICE đã góp phần làm giá cà phê Robusta giảm nhẹ của ngày hôm qua (20/5).
Mặc dù vậy, theo các nhà phân tích, hiện có rất nhiều thông tin tốt tiếp tục hỗ trợ giá cà phê, khi đồng tiền Real của Brazil tăng lên mức cao nhất trong 1/2 tuần so qua với đồng USD. Khi đồng Real mạnh hơn sẽ hạn chế sức bán ra của các nhà sản xuất cà phê Brazil.
Trong khi đó, lượng mưa không đủ ở Việt Nam và Brazil vẫn là đề tài khiến người ta lo lắng có thể hạn chế sản lượng và thúc đẩy hoạt động mua vào. Nguồn cung cà phê Robusta vẫn tiếp tục khan hiếm từ Việt Nam và dự kiến sẽ còn kéo dài cho đến vụ mùa mới.
Tổng cục Hải quan Việt Nam đã báo cáo vào thứ Sáu tuần trước rằng xuất khẩu cà phê tháng 4 của Việt Nam giảm 19,5% so với cùng kỳ năm trước, xuống nằm ở mức 152.073 tấn.
Theo Hiệp hội Cà phê cao cao Việt Nam, sự kiện thời tiết El Nino năm ngoái đã hỗ trợ giá cà phê tăng trong thời gian qua. Hiện nay những vùng trồng cà phê Tây nguyên đã có mưa, tuy nhiên thông tin từ nhiều nguồn diễn đàn những người trồng cà phê Việt nam cho thấy, có vẻ mưa đã đến trễ để cứu vãn trái cho sản lượng vụ 2024/2025 được thu hoạch vào tháng 10/2024. Một số nơi, thậm chí còn không cứu được nguồn cây.
Nhìn lại nhiều năm trước, giá hồ tiêu luôn cao gấp 2-3 lần so với giá cà phê. Thế nhưng giá hồ tiêu liên tục rớt vào giai đoạn 2016-2020 và đến năm 2029 đã xuống dưới 40.000 đồng/kg để ngang bẳng với giá cà phê. Năm 2023, giá cà phê tăng vọt và bỏ xa giá tiêu đến 30.000 – 40.000 đồng/kg.
Những thông tin về giảm nguồn cung, tăng cầu đã khiến giá cà phê liên tục tăng không ngừng nghỉ trong hơn một năm qua, từ mức 38.000 đồng/kg vào tháng 1/2023, đã lên 80.000 đồng/kg vào ngày 15/2/2024, thiết lập mốc 100 nghìn đồng/kg vào cuối tháng 4/2024.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 4/2024 đạt 170.000 tấn, kim ngạch hơn 644 triệu USD, tăng 3,9% về lượng và tăng mạnh 61,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã đạt gần 756 nghìn tấn, với kim ngạch hơn 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và tăng mạnh 57,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong tháng 4/2024 tiếp tục tăng, đạt mức 3.791 USD/tấn, tăng 55,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Do tình trạng giá cà phê trong nước liên tục tăng do khan hàng, một số nhà sản xuất hàng xuất khẩu cho biết hơn tuần nay họ mua không có hàng, khiến công suất sản xuất giảm mạnh 30-70%. Các hợp đồng xuất khẩu cũng ngưng vì giá tăng cao khiến đối tác chuyển hướng sang nhập hàng từ Ấn Độ, Brazil và Indonesia. Tình trạng này được dự báo sẽ còn kéo dài cho tới khi cơn sốt giá cà phê hạ nhiệt và nguồn cung toàn cầu tăng cao.
Theo Chương Phượng (báo VnEconomy)