Thời gian gần đây mô hình tưới tiết kiệm (TTK) đang được các nhà vườn Đồng Nai áp dụng rộng rãi đem lại hiệu quả cao. Với phương pháp tưới nước, phân “siêu tiết kiệm” qua đường ống đã giúp năng suất cây trồng tăng cao, ít sâu bệnh lại giảm đáng kể chi phí đầu vào…
Chúng tôi tìm về xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất là một trong những địa phương đang ứng dụng phổ biến hệ thống TTK trong các vườn cây ăn trái. Dẫn chúng tôi đi xem thực tế, ông Nguyễn Thanh Phước, nông dân sản xuất giỏi cấp quốc gia ở xã Hưng Lộc phấn khởi khoe: “Từ khi có hệ thống tưới này khiến bà con nhà vườn chúng tôi ngủ ngon hẳn, hàng ngày chẳng phải lo vất vả kéo vòi nước chạy khắp vườn tưới cây như trước nữa. Giờ cứ đến cữ tưới nước hay bón phân chỉ việc hòa phân vào nước rồi… nhấn nút vận hành hệ thống TTK là ôkê”.
Gia đình ông Phước có 6 ha vườn trồng đủ loại cây như quýt, chôm chôm, sầu riêng, xoài… Trước kia tưới bồn, sản lượng quýt nhà ông chỉ đạt khoảng 5 tấn/400 gốc, mẫu mã trái lại không đẹp. Ấy vậy mà sau khi lắp đặt hệ thống TTK vào vườn, sản lượng tăng vọt lên 10 tấn/400 gốc, trái rất đẹp nên bán được giá cao. Đặc biệt, thấy rõ nhất là cây sầu riêng, trái không bị sượng, năng suất lại ổn định (từ 10-15 tấn/ha) ít bị sâu bệnh cây phát triển tốt vì độ ẩm ổn định, chẳng sợ những cơn mưa đầu mùa như trước nữa.
Ở xã Hưng Lộc mọi người dân đều biết đến danh tiếng 2 nông dân giỏi là ông Nguyễn Thanh Phước, ấp Hưng Nghĩa và ông Võ Văn Thành, ấp Hưng Thạnh là những người lắp đặt hệ thống TTK đầu tiên và có những sáng kiến cải tiến lại hệ thống TTK hoàn hảo, lắp đặt giúp cho hàng trăm hộ dân khác sử dụng rất tiện lợi. Chúng tôi được tận mắt chứng kiến mô hình vườn cây lắp đặt hệ thống TTK hoàn toàn tự động của hộ ông Thành rộng 2 ha, với 800 nọc tiêu xen cà phê đang phát triển đẹp như mơ!
Ông Thành cho biết, trước kia cả vườn tiêu, cà phê đều hay bị sâu bệnh hoành hành dữ lắm, mỗi khi ra vườn thấy chán nản vô cùng. Vậy mà chỉ sau một năm “ốp” hệ thống TTK vào từng gốc cây, sản lượng tăng vọt từ 1,7 tấn tiêu/800 nọc, nay đã cho thu 5 – 7 tấn, lợi nhuận trên 200 triệu đồng/ha, gấp 4 lần trước đây. Tính ra số tiền đầu tư lắp đặt hệ thống TTK so với lợi nhuận đã thu được thì cũng chẳng đáng bao nhiêu, chỉ sau vài vụ thu hoạch gia đình ông đã kéo lại vốn.
Gần đó, mô hình vườn ổi không hạt (5.000 m2) của hộ anh Nguyễn Thiện Liêm (Mười Liêm), ấp Hưng Hiệp cũng mới ứng dụng hệ thống TTK khiến vườn ổi đẹp hết chê. Chúng tôi theo chân anh Mười Liêm len lỏi ra vườn ổi, lúc này đúng cữ tưới nước buổi trưa, trong vườn chỉ nghe tiếng xoèn xoẹt của những vòi TTK nhỏ xíu đang phun từ dưới gốc cây lên, nước bay mù mịt trong khắp vườn.
Mười Liêm hào hứng tâm sự: “Tui ưng nhất là gắn hệ thống tưới tiết kiệm này vừa đỡ chi phí lại tiết kiệm được thời gian, công lao động. Nhất là khi cây đang ra trái, gặp ngày nắng nóng nhiệt độ trong vườn tăng lên, nhưng chỉ cần bật vòi phun tự động vài phút sau khiến cả vườn cây hạ nhiệt liền”. Trước kia với 800 gốc ổi, Mười Liêm phải kéo vòi tưới 2 ngày, nhưng nay có hệ thống TTK này chỉ cần ngồi canh khoảng 5 tiếng là xong.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2000 sau khi đi thực tế học lỏm từ một mô hình TTK ở huyện Xuân Lộc về ông Phước và ông Thành bắt đầu ứng dụng triển khai lắp đặt hệ thống TTK cho vườn gia đình mình. Vừa làm vừa tự mày mò nghiên cứu, hai ông đã sáng tạo thêm được một số công đoạn trong hệ thống TTK vừa dễ thao tác lắp đặt lại phù hợp với mọi địa hình đất vườn, giá thành thấp hơn từ 20-25% so với đường ống nhựa cứng như mô hình tham khảo bên Xuân Lộc.
Ông Phước tự hào nói: “Chúng tôi đã tự chế ra hệ thống chỉnh lưu lượng nước qua đường ống tới tận các gốc cây trên mọi địa hình, cây trên cao cũng như cây dưới thấp đều nhận được lượng nước hoặc nguồn dinh dưỡng tưới như nhau, khiến cả vườn cây phát triển đều, cho năng suất, hiệu quả cao”. Theo ông Phước, ngoài tiết kiệm công lao động, nguyên liệu đầu vào, nước tưới, cây trồng ít sâu bệnh, hệ thống TTK còn giúp cho cây rút ngắn được thời gian sinh trưởng.
“Đến nay trong xã Hưng Lộc có cả những xóm TTK, và không chỉ giúp các hộ dân ở địa phương mình, chúng tôi còn thành lập được 2 “đội xung kích” chuyên hướng dẫn kỹ thuật ứng dụng hệ thống TTK cho nhiều hộ dân ở các tỉnh khác như Tiền Giang, BR-VT, Bình Dương… khi có nhu cầu”, ông Phước tâm sự. Tại các huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Trảng Bom… gần đây nông dân đã thấy rõ hiệu quả của việc lắp đặt TTK nên diện tích các vườn cây lâu năm ứng dụng hệ thống TTK đang tăng mạnh. Chỉ trong vòng 2 năm qua đã có thêm gần 1.000 ha cây trồng được lắp hệ thống TTK.
Mô hình tưới tiết kiệm đáng để bà con học tập.
Nhưng cách viết của nhà báo thì … quá tệ. Ko biết chúng nó học hành ngày càng thế nào !
-chỉ sau vài vụ thu hoạch gia đình ông đã kéo lại vốn.
Vốn đây là vốn gì? nếu vốn lắp TTK mà sau vài vụ…kéo lại thì ko phải là ít. Nông dân có mấy người có được số vốn này? thế mà “chẳng đáng bao nhiêu” là bao nhiêu?
-thấp hơn từ 20-25% so với đường ống nhựa cứng như mô hình tham khảo…
Vậy thì ông Ph. lắp đường ống bằng loại gì? hay là bí mật, phải chuyển giao công nghệ?
-giúp cho cây rút ngắn được thời gian sinh trưởng.
Nghĩa là cây mỗi năm thu hoạch một vụ, bây giờ tăng lên 2-3 vụ? hay là trồng rau?
*Hệ thống TTK, trước đây gọi là tưới nhỏ giọt, bây giờ lắp thêm béc phun, áp dụng cho cây ăn trái, cây tiêu thì rất tốt vì nhu cầu nước của các loại cây này ko cao. Còn cà phê nuôi trái thì được chứ tưới để bung hoa thì ko được. Ở Tây Nguyên áp dụng ít có hiệu quả vì TN mùa nắng có quá nhiều gió.
*Thịnh còi cho đăng bài này là để bà con chuyển đổi cây trồng hay sao đây?!
Ý kiến bạn Thục Nhi rất chính xác!
TTK chỉ áp dụng cho cây ăn trái để dễ dàng hấp thu dinh dưỡng và duy trì sự phát triển mạnh mẽ vào mùa khô. Có thể áp dụng được cho cây cà phê suốt mùa tưới, ngoại trừ tưới bung hoa.
Nhưng không thể lắp đặt ở ngoài rẫy vì bao nhiêu ống, béc phun sẽ âm thầm ra đi hết!
Mô hình này tôi đã được biết lâu lắm rồi, gần 10 năm nay. Nhưng không quan tâm vì không áp dụng được cho rẫy cà phê, bây giờ được báo chí hâm lại thôi.
Cho nhà nông tui cái địa chỉ số điện thoại của hệ thống TTK này đi. nhà nông tui tìm hiểu xem giá cả cách thức ntn? phù hợp với nhà nông tui không?
Xin vui lòng sử dụng Tiếng Việt có dấu – BQT
Bạn Thục Nhi nói đúng. Liệu có áp dụng được cho cà phê không nhỉ ? Nếu ai biết thì cho xem qua mô hình thử có làm được không.
Đúng là cái này ko thể áp dụng cho vườn cfe được. Lắp xong mai dô chắc là ko còn cái nào.
Em đồng ý với ý kiến các bác. Hệ thống TTK này cho cây cà phê chưa hẵn đã hiệu quả như cây ăn trái và tính an ninh cũng không cao, hở ra là mất liền. Và người trồng cà phê có diện tích lớn và địa hình đồi dốc như ở Đăk Lăk thì khó khăn trong việc tưới theo mô hình này lắm.