Không phải Trung Nguyên, đây mới là ông vua của ngành cà phê Việt

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Tập đoàn này đạt 1,1 tỷ USD. Tổng doanh thu đạt 57.415 tỷ đồng.

Ngày 26/4/2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex đã tổ chức Đại hội Cổ đông thường niên năm 2024. Theo tài liệu đại hội, năm 2023, các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Tập đoàn, ngoài mặt hàng hạt điều tăng thì các mặt hàng còn lại đều giảm so với năm 2022. Dù vậy, mặt hàng cà phê vẫn chiếm tỷ trọng thị phần so với cả nước là 21,4%, tiếp tục giữ vị trí số 1 về xuất khẩu cà phê năm 2023.

Theo số liệu của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), Intimex là doanh nghiệp dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu cà phê nhân sống tại Việt Nam với sản lượng xuất khẩu hơn 148.500 tấn, giá trị hơn 318 triệu USD.

Được gọi là “vua cà phê” Việt Nam, chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên – Nhà máy Cà phê Sài Gòn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ xếp vị trí thứ 4 trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan với sản lượng xuất khẩu hơn 14.700 tấn, giá trị thu về gần 74,6 triệu USD.

Bên cạnh đó, mặt hàng gạo của Intimex chiếm tỷ trọng 5,8% thị phần cả nước, tiếp tục nằm trong danh sách doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của cả nước. Nhà máy cà phê hòa tan đạt và vượt công suất 3.500 tấn/năm, lượng xuất khẩu đạt gần 1.000 tấn.


Doanh thu hơn 2 tỷ USD mỗi năm

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 của Tập đoàn Intimex đạt 1,1 tỷ USD. Tổng doanh thu đạt 57.415 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ và các công ty thành viên khoảng 152,2 tỷ đồng.

Intimex cho biết kết quả kinh doanh của Tập đoàn năm 2023 gặp một số khó khăn như lạm phát thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, chính sách thắt chặt tiền tệ ở một số quốc gia khiến nhu cầu giảm và hàng tồn kho ở mức cao làm hoạt động xuất khẩu giảm.

Mặt hàng cà phê, mặt hàng chính chủ lực của Tập đoàn giá cả diễn biến khó lường, giá nội địa liên tục tăng vọt cao hơn giá ngoại từ cuối quý 2 đến hết năm, các doanh nghiệp kinh doanh cà phê phải đối mặt với tình trạng khan hiếm hàng khiến nhiều đơn vị trong Tập đoàn kinh doanh gặp khó khăn, giảm lượng xuất khẩu và ảnh hưởng đến lợi nhuận toàn Tập đoàn. Mùa vụ 2023, chất lượng mặt hàng cà phê xấu hơn năm trước, tỷ lệ nâu đen nhiều, sản xuất hàng chất lượng cao hiệu quả không cao.

Mặt hàng gạo, giá tăng cao, nguồn nguyên liệu khan hiếm khi hết vụ, cạnh tranh nguồn cung khiến mua hàng khó khăn, lượng xuất khẩu giảm mạnh dẫn đến lợi nhuận giảm.

Mặt hàng hồ tiêu giá giảm, nhu cầu tiêu dùng thấp nên hoạt động xuất khẩu giảm, ảnh hưởng đến kim ngạch và hiệu quả của Tập đoàn.


Tập đoàn Intimex thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Chi nhánh Công ty XNK Intimex tại TP.HCM thành lập vào năm 1995 trực thuộc Công ty XNK Intimex (Bộ Công Thương). Công ty chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/07/2006. Năm 2011, đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex.

Chủ tịch HĐQT Intimex Group là ông Đỗ Hà Nam. Ông cũng đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA).

Khởi điểm ban đầu là một công ty và ba chi nhánh nhỏ, bao gồm 91 nhân sự, vốn điều lệ 14,4 tỷ đồng, hiện nay, Intimex đã trở thành một Tập đoàn lớn mạnh, là một trong những thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam ở các lĩnh vực: chế biến, xuất khẩu nông sản (cà phê, hồ tiêu, gạo, hạt điều…); nhập khẩu thực phẩm đông lạnh, sắt thép; kinh doanh siêu thị và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng… Trong đó, kinh doanh nông sản là thế mạnh của Tập đoàn với cà phê và gạo là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Theo giới thiệu trên website, Intimex Group hiện sở hữu 13 nhà máy chế biến cà phê nhân với tổng công suất sản xuất đạt 750.000 tấn/năm, 1 nhà máy chế biến cà phê hòa tan với công suất 4.000 tấn/năm.

Ngoài ra, tập đoàn còn có 2 nhà máy chế biến hồ tiêu công suất 10.000 tấn/năm; 1 nhà máy chế biến gạo với công suất 200.000 tấn/năm; 2 nhà máy chế biến hạt điều công suất 5.800 tấn/năm;…

Sang năm 2024, Intimex đặt mục tiêu tổng kim ngạch XNK đạt 1,4 tỷ USD, tăng 30% so với thực hiện 2023; tổng doanh thu đạt 68.000 tỷ đồng, tăng 18%.

Intimex cho biết sẽ tiếp tục mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy chế biến cà phê hoà tan với chi phí 435 tỷ đồng, đàm phán mua sắm trang thiết bị và lắp đặt trong năm 2024. Đồng thời, triển khai cổ phần hóa nhà máy cà phê hòa tan thành CTCP do Tập đoàn nắm giữ 99%. Thực hiện đưa Công ty lên sàn chứng khoán nhằm thu hút vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho kế hoạch mở rộng nhà máy giai đoạn 2 với tỷ lệ sở hữu không quá 49% và giao cho HĐQT triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Intimex sẽ tiếp tục xem xét thành lập thêm công ty chuyên sản xuất kinh doanh gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long thông qua mua lại hoặc thuê các nhà máy của các ngân hàng phát mãi khi thuận lợi.

Theo Ngọc Điệp (Cafebiz)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng