Cà phê nhân tăng giá, ly cà phê cũng rục rịch tăng theo

Giá cà phê tăng khiến nhà rang xay rơi vào tình cảnh khó khăn. Dự báo ly cà phê tới tay người tiêu dùng sẽ nhanh chóng tăng giá theo đà tăng nguyên liệu.

Bài đăng trên báo Tuổi Trẻ, click vào đây để xem bài viết gốc.

Trong vài tuần qua, giá cà phê trong nước và thế giới lần lượt xô đổ các kỷ lục giá thiết lập những tuần trước đó. Tại Tây Nguyên, giá cà phê xô hiện đã vượt mốc 120.000 đồng/kg và vẫn tiếp tục tăng.

Diễn biến tăng sốc của giá cà phê đang khiến các nhà rang xay rơi vào cảnh điêu đứng bởi áp lực giá đầu vào quá cao.

Các doanh nghiệp cho rằng nếu nền giá cao tiếp tục như hiện nay, các nhà rang xay không sớm thì muộn sẽ rơi vào cảnh vỡ trận kế hoạch sản xuất.

Nông dân tỉnh Gia Lai thu hoạch cà phê - Ảnh: BỒNG SƠN
Nông dân tỉnh Gia Lai thu hoạch cà phê – Ảnh: BỒNG SƠN

Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính không mạnh.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, một chủ doanh nghiệp lớn trong mảng cà phê rang xay tại Tây Nguyên nói trước mùa vụ các doanh nghiệp dự báo giá cà phê cao nhất sẽ ở mức 50.000 đồng/kg. Nhưng thực tế hiện nay giá cà phê xô đã vượt 120.000 đồng/kg mà lại không có hàng.

Để mua gom được hàng, mức giá thực tế người mua phải trả là 130.000 đồng/kg.

Như vậy, trong một năm qua, giá cà phê tăng 250%, kế hoạch sản xuất kinh doanh nhiều doanh nghiệp đã bị phá vỡ.

Theo chủ doanh nghiệp này, chi phí nguyên liệu đã tăng hơn gấp đôi, nhiều nơi không thể xoay đủ nguồn vốn cho kế hoạch sản xuất, không đủ tiền nhập hàng dự trữ.

Những doanh nghiệp nhỏ chạy ăn từng bữa, mua cà phê theo bao.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm – giám đốc Công ty CP Cà phê Classic (Gia Lai) – đánh giá đây là thời điểm cực kỳ khó khăn với doanh nghiệp kinh doanh cà phê.

Giá đầu vào đã tăng rất cao buộc nhà sản xuất phải tăng giá thành phẩm. Nhiều doanh nghiệp tăng giá 3 – 4 lần trong năm qua nhưng vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với giá đầu vào.

Riêng Công ty CP Cà phê Classic đã tăng giá 2 lần với biên độ 17% nhưng không ăn thua với mức tăng 250% của cà phê xô.

Theo ông Lâm, áp lực tăng giá đang đè nặng các doanh nghiệp. Nếu không tăng giá càng sản xuất càng lỗ, nhưng giá tăng quá cao sẽ mất bạn hàng, giảm sản lượng.

Bởi vậy trong bối cảnh này các doanh nghiệp thu lại cầm cự, chấp nhận bị “lẹm” vào lợi nhuận để duy trì sản xuất.

Ông Lâm nhận định bên cạnh nguồn cung thiếu hụt thì yếu tố tâm lý và các nhà đầu cơ tài chính đang lợi dụng tình hình đẩy giá cà phê.

Đây là thời điểm vàng cho hoạt động đầu cơ bởi nguồn cung khan hiếm và mùa vụ kế tiếp còn lâu mới tới. Bởi vậy, giá giao dịch trên các sàn thế giới liên tục tăng cao kéo theo giá cà phê trong nước.

Nguồn TẤN LỰC (báo Tuổi Trẻ)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng