Giá hồ tiêu chạm mức thấp nhất trong 10 năm (ngày 18/10/2018)

Mức giá này được dự báo sẽ duy trì cho đến khi nguồn cung mới từ Ấn Độ và Việt Nam được đưa vào thị trường.

Mấy ngày qua giá hồ tiêu ở thị trường trong nước tăng từ 1.000 – 2.000 đồng/kg, nhưng mức tăng này chưa thấm vào đâu khi mà so với cùng kỳ năm ngoái giá tiêu đã giảm 21.000 đồng/kg và đang ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Giá tiêu thế giới đang ở chế độ điều chỉnh đã chạm mức thấp nhất trong 10 năm
Giá tiêu thế giới đang ở chế độ điều chỉnh đã chạm mức thấp nhất trong 10 năm

Giá tiêu thế giới đang ở chế độ điều chỉnh đã chạm mức thấp nhất trong 10 năm và sẽ duy trì mức này cho đến khi nguồn cung mới từ Ấn Độ và Việt Nam được đưa vào thị trường“, một doanh nghiệp nhận định.

Giá giảm do diễn biến từ nguồn cung

Mặc dù mấy ngày đầu tháng 10/2018, do thị trường nhập khẩu có nhu cầu nên giá hạt tiêu trong nước có biến động tăng nhẹ và duy trì đến nay. Tuy nhiên, mức tăng đó chưa thể bù đắp mức giá giảm sâu trong cả thời gian qua.

Trên thị trường thế giới, tại sàn Kochi – Ấn Độ ngày 15/10/2018, giá tiêu giao kỳ hạn tháng 10/2018 tăng 114,3 rupee (tức tăng 0,29%) đạt mức 39.521,45 rupee/tạ.

Giá tiêu ở khu vực Tây Nguyên và miền Nam hôm 16/10 đi ngang nhưng vẫn có giá cao nhất 3 tháng qua, dao động ở mức từ 54.000 – 56.000 đồng/kg. Trong đó, giá tiêu tại Gia Lai tăng 1.500 đồng/kg và ở mức 53.500 đồng/kg. Giá tiêu tại Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 1.000 đồng/kg, lên mức 55.000 đồng/kg. Tại Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước giá tiêu vẫn đứng ở mức 53.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Đồng Nai không tăng và đang giữ ở mức 52.000 đồng/kg và đây vẫn là địa phương có mức giá tiêu thấp nhất.

Như vậy, đầu tuần trước đó giá tiêu tăng từ 1.000 – 2.000 đồng/kg thì đến cuối tuần đã chững lại và đi ngang cho đến nay. Tính chung cả tuần, giá tiêu dao động trong khoảng 54.000 – 56.000 đồng/kg.

Theo các thương nhân, giá tiêu thế giới đang ở chế độ điều chỉnh đã chạm mức thấp nhất trong 10 năm và duy trì mức này cho đến khi nguồn cung mới từ Ấn Độ và Việt Nam được đưa vào thị trường. Ngoài ra, sản lượng tiêu toàn cầu cũng được ước tính sẽ giảm vào năm 2019, theo nhận định Cộng đồng Tiêu dùng quốc tế (IPC).

Ông Jojan Malayil, Giám đốc điều hành Công ty Bafna Enterprises có trụ sở tại Kochi nhận định, giá hồ tiêu đang ở chế độ điều chỉnh sau khi giảm xuống mức thấp 168 rupee/kg trên toàn cầu khi Việt Nam bán tiêu chất lượng cho ASTA ở mức 2.450 USD/tấn (ASTA là Hiệp hội Thương mại gia vị Mỹ).

Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, những ngày đầu tháng 10/2018, nhu cầu tiêu xuất khẩu tăng và thời tiết mưa nhiều đã hỗ trợ giá hạt tiêu trong nước có biến động tăng. Tuy nhiên, trong tháng 9/2018, giá tiêu trong nước diễn biến theo xu hướng giảm do nguồn cung lớn. So với cuối năm 2017, giá tiêu tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Gia Lai giảm 21.000 đồng/kg, tại Đắk Lắc, Đắk Nông và Đồng Nai giảm 22.000 đồng/kg.

Đến năm 2020 giá tiêu mới hồi phục

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu tháng 9/2018 đạt 17.500 tấn, trị giá 50,65 triệu USD, giảm 21,3% về lượng và giảm 22,2% về kim ngạch so với tháng 8/2018. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng 30,2% về lượng, nhưng giảm 21,3% về kim ngạch.

Lũy kế 9 tháng năm 2018, xuất khẩu hạt tiêu đạt 193.000 tấn, kim ngạch đạt 634,67 triệu USD, tăng 6,8% về lượng, nhưng giảm 34,2% về kim ngạch so với 9 tháng năm 2017. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan và Đức với 36,1% thị phần.

Tháng 9/2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt tiêu đạt 2.898 USD/ tấn, giảm 1,3% so với tháng 8 và giảm 39,7% so với tháng 9/2017. Riêng giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu sang các thị trường Hà Lan, Malaysia, Canada, Italia, Pháp, Ba Lan có tăng hơn so với tháng 8/2018.

Hiện nhu cầu từ các nước nhập khẩu tiêu vẫn ở mức thấp trong khi nguồn cung từ các nước sản xuất vẫn tiếp tục được bổ sung, nhất là khi Indonesia, Malaysia, Brazil, Sri Lanka đã thu hoạch vụ mới và Việt Nam được dự báo sẽ được mùa năm 2019 cho nên giá tiêu khó phục hồi trong các tháng cuối năm 2018, và giá hồ tiêu sẽ tiếp tục ở mức thấp trong 2 năm 2018  và 2019, chỉ có thể phục hồi vào đầu năm 2020.

Từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 4/2018 Việt Nam đã vào vụ thu hoạch, dự kiến sản lượng tiêu sẽ đạt 230.000 tấn trong năm nay, so với mức 210.000 tấn năm 2017. “Sản lượng tiêu mới thu hoạch tăng cộng với lượng dự trữ có thể vượt mức khoảng 15 – 20% so với năm 2017, nguồn cung tăng sẽ tạo áp lực lên giá hồ tiêu. Lượng dự trữ vượt mức là hậu quả của việc nhiều người trồng tiêu không muốn bán để chờ giá”, một doanh nghiệp xuất khẩu tiêu chia sẻ.

Tuy nhiên, dự báo là vậy nhưng trên thực tế có một số vùng ở Tây Nguyên do mưa lớn suốt một thời gian dài, giờ nắng lên, nhiều ha hồ tiêu đồng loạt chết. Không ít chủ vườn đang phải đối mặt với một khoản nợ lớn.

Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn  huyện Chư Sê cho biết, toàn huyện có trên 350 ha hồ tiêu bị chết, có vườn chết trắng, ảnh hưởng đến năng suất vụ và gây thiệt hại cho bà con trồng tiêu. Tiêu chết nhiều nhất ở các xã: Chư Pơng, Ia Tiêm, Dun và thị trấn Chư Sê… “Hiện chúng tôi đang đi kiểm tra, thống kê lại toàn bộ diện tích hồ tiêu chết để có hướng khắc phục”, ông Hợp nói.

> Xem giá tiêu hôm nay

Theo VnEconomy

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng