Đắk Lắk “khai tử” sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột

Sau hơn 10 năm triển khai sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, đến nay tỉnh Đắk Lắk đã chính thức “khai tử” dự án đầy tham vọng này kèm khoản lỗ hơn 2 tỉ đồng…

Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột khi mới thành lập – Ảnh: TR.TÂN

Sáng 17-10, ông Đinh Xuân Diệu, Phó giám đốc Sở Tài Chính Đắk Lắk, đã có văn bản gửi sở Công thương đề nghị lập phương án sử dụng trụ sở Sàn giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột (BCCE), đóng tại đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố Buôn Ma Thuột.

Sở Tài chính tỉnh cũng đề xuất phương án bù lỗ cho doanh nghiệp để chấm dứt hoạt động, thu hồi đất dự án… với số tiền 860 triệu đồng.

Tham vọng lớn

Hơn 10 năm trước, năm 2008 tình trạng nông dân bị ép giá, nạn vỡ nợ cà phê liên tục xảy ra từ phương thức buôn bán truyền thống thông qua việc ký gửi cà phê ở các đại lý vô cùng rủi ro. Lúc này, Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) với phương thức hoạt động mới được hứa hẹn sẽ tăng giá trị cho nông dân trồng cà phê.

BCCE là một hạng mục trong tổng thể chợ cà phê Buôn Ma Thuột, hoạt động theo phương thức đấu giá tập trung và công khai, bao gồm giao dịch mua bán ngay và giao dịch mua bán sau, hoạt động dưới nguyên tắc thành viên, dưới sự quản lý của UBND tỉnh Đắk Lắk.

BCEC có 5 nhà kho và 1 xưởng chế biến được kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều người tham gia. Thế nhưng từ sản lượng cà phê giao dịch tại sàn và số lượng người tham gia giao dịch cho thấy trung tâm chưa đáp ứng được kỳ vọng…

Trước cảnh đìu hiu của BCEC, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định cổ phần hóa, để “thay áo mới” cho tham vọng bán cà phê trên các sàn giao dịch lớn ở Anh, Mỹ… Công ty cổ phần Sở Giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột (BCCE) ra đời trong hoàn cảnh như vậy.

Phát biểu tại lễ khai trương, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, khi đó khẳng định BCCE giao dịch với hai sản phẩm giao ngay (spots) và hợp đồng tương lai (futures). Sàn sẽ kết nối với các sàn giao dịch hàng hóa thế giới như Chicago Mercantile Exchange – CME (sàn giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới đặt tại Mỹ). Sau cà phê Robusta, BCCE sẽ giao dịch cả tiêu đen, cao su…

Theo đề án thành lập, BCCE có bốn cổ đông gồm phần vốn nhà nước đăng ký 32 tỉ đồng, Công ty CP Đầu tư kinh doanh vàng VN đăng ký góp vốn 33 tỉ đồng, Công ty TNHH xây dựng thương mại và dịch vụ Long Yến đăng ký góp 10 tỉ đồng tiền mặt, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 đăng ký 500 triệu đồng.

“Chia tay”… dây dưa

Tham vọng thì lớn như vậy nhưng đến nay BCCE “chưa một lần sáng đèn” hoạt động. Khu đất “vàng” trên quốc lộ 14, cửa ngõ TP Buôn Ma Thuột bị bỏ hoang, không một bóng người, cỏ dại mọc um tùm.

Vì đâu nên nỗi? Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk cho biết, theo luật doanh nghiệp, sau 90 ngày từ khi được cấp chứng nhận đầu tư, các cổ đông sáng lập phải thanh toán cổ phần đã đăng ký mua. Thế nhưng, đến nay Công ty Long Yến mới góp 1,5 tỷ đồng, Công ty 2-9 góp 100 triệu đồng/đăng ký.

Riêng Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh vàng VN vẫn chưa góp đồng nào. Theo đó, công ty này đăng ký góp 33 tỉ đồng, trong đó có 12 tỷ đồng là góp bằng phần mềm giao dịch. Hơn nữa, việc giao dịch qua sàn của BCCE đến nay vẫn chưa thể thực hiện vì còn khá nhiều vướng mắc về pháp lý nên các doanh nghiệp cũng nghi ngại…

Không tiền, thiếu cơ chế để hoạt động nên UBND tỉnh Đắk Lắk, các nhà đầu tư cùng nhau quyết định chấm dứt hoạt động BCCE từ tháng 10-2017. Kết quả kiểm toán độc lập cho thấy, sau 3 năm “góp vốn làm ăn chung”, BCCE lỗ hơn 2 tỉ đồng và sẽ được chia đều cho các cổ đông sáng lập.

Trong đó, UBND tỉnh Đắk Lắk phải bỏ thêm 860 triệu đồng cho BCCE (tương ứng tỉ lệ góp vốn gần 42,4%) để thu hồi dự án. Thế nhưng sau một năm giải thể, thu hồi đất và thống nhất sẽ bù lỗ, đến nay UBND tỉnh Đắk Lắk vẫn… chưa trả tiền.

Ông Trần Thanh Hải, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị BCCE, cho biết đã nhiều lần có văn bản “đòi nợ” tỉnh Đắk Lắk nhưng địa phương này không trả nên ông phải tới lui nhiều lần.

“Sau khi có nghị quyết của đại hội cổ đông bất thường, BCCE đã rút văn phòng để bàn giao trụ sở cho UBND tỉnh Đắk Lắk nhưng số tiền 860 triệu đồng vẫn chưa lấy được”, ông Hải nói.

Ông Đinh Xuân Diệu – Phó giám đốc Sở Tài Chính Đắk Lắk, khẳng định từ khi thành lập BCCE chưa hoạt động lần nào. Tuy nhiên chi phí phát sinh để duy trì hoạt động, trả lương nhân viên và chủ yếu lấy từ nguồn vốn góp bằng tiền mặt của các cổ đông.

Theo đó, Sở Tài chính đề xuất sẽ lấy kinh phí từ việc cho thuê kho tại trụ sở của BCCE từ đầu năm 2018 đến tháng 6-2019, nếu thiếu sẽ tiếp tục trích ngân sách chi trả.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, do quản lý và điều hành kém, khu đất vàng tại BCCE với hệ thống kho rất lớn nhưng trong hơn 1 năm qua chỉ thu được mấy chục triệu đồng.

Tôi đã nhiều lần đề nghị, nếu không chi trả khoản bù lỗ thì giao lại khu đất trụ sở sàn giao dịch lại để tôi khai thác. Tôi tin rằng mình sẽ phát huy huy hiệu quả quỹ đất hiệu quả và sẽ trả tiền thuê đất theo đúng quy định. Tuy nhiên đến nay tỉnh vẫn không phản hồi, cũng chẳng trả tiền.  Ông Trần Thanh Hải, nguyên chủ tịch BCCE

Xem thêm: Sàn giao dịch cà phê BMT: Hứa góp vốn hàng chục tỉ đồng rồi im lặng!

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83