Giá cà phê tăng “phi mã” mang lại lợi nhuận cho người trồng, chăm sóc nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp.
Bài đăng trên báo Lao Động, click vào đây để xem bài viết gốc.
Cuối năm 2023 đến quý I/2024, nhiều loại nông sản xuất khẩu chủ lực tại Tây Nguyên nói chung và địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng như cà phê, tiêu liên tục tăng giá… Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành nông nghiệp của địa phương trong năm 2024 và giai đoạn tới.
Với diện tích 2ha cà phê, vụ mùa vừa qua, gia đình bà Lê Thị Nga (xã Ea Tóh, huyện Krông Năng) thu được khoảng 10 tấn cà phê nhân. Với giá cà phê trên 90 triệu đồng/tấn, tăng gấp đôi so với vụ mùa 2022 – 2023, bà Nga và rất nhiều người nông dân khác ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk có thêm lợi nhuận, vốn liếng để tiếp tục tái đầu tư vào vụ mùa mới.
Bà Nga cho biết: “Gia đình đã gắn bó với cây cà phê gần chục năm qua. Khi chúng tôi bắt đầu trồng theo hướng sản xuất, bón phân hữu cơ cho cây cà phê thì thấy mang lại hiệu quả, năng suất cao và kinh tế ổn định. Nếu giá cà phê vụ mùa 2024 – 2025 vẫn tiếp tục đạt đỉnh như hiện nay thì người dân rất an tâm và gắn bó lâu dài với cây cà phê ”.
Bên cạnh niềm vui của nông dân, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tiêu, cà phê ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang đối mặt với rủi ro khi giá cả biến động không ngừng, khó tích trữ hàng với số lượng lớn. Đặc biệt, khi giá cà phê tăng mạnh buộc nhiều doanh nghiệp cần nguồn vốn xoay vòng cao, khả năng thua lỗ rất lớn.
Ông Lê Đức Huy – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) – nhận định: Với tình hình giá cà phê đang ở mức cao như hiện nay, đơn vị chỉ nhận thêm đơn hàng nếu có dấu hiệu tích cực từ nguồn cung từ người nông dân. Tuy nhiên, số lượng cà phê tích trữ trong dân đã bắt đầu cạn, khan hiếm. Xét trên tình hình thời tiết chuyển biến bất lợi cho cây trồng, dự báo vụ mùa sắp tới sản lượng sẽ giảm dẫn đến nguồn cung khan hiếm, đây là mối lo lớn nhất của doanh nghiệp.
Vì lẽ đó, doanh nghiệp buộc phải tính toán, cân đối một cách chặt chẽ giữa nguồn hàng nhập vào và đơn hàng xuất khẩu, để tránh rủi ro, đảm bảo nguồn lợi về kinh tế lâu dài. Dự báo, sản lượng xuất khẩu cà phê của công ty năm nay ước khoảng 110.000-115.000 tấn, giảm so với cùng kỳ năm ngoái”.
Ông Lê Văn Vương – Giám đốc Công ty TNHH SX và TM Vương Thành Công, tỉnh Đắk Lắk – chia sẻ: “Đơn vị đang có vùng nguyên liệu gần 700ha. Trước giá cả tăng cao, doanh nghiệp luôn đảm bảo thu mua nguyên liệu đầu vào cho người dân ở mức giá ổn định. Công ty cũng sẽ mở rộng việc trồng và xây dựng vùng nguyên liệu, đa dạng hoá sản phẩm cung ứng cho đối tác.
Đây là thời điểm khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên việc nâng giá sản phẩm thì khó khăn. Một số doanh nghiệp sẽ không trụ được. Ngoài việc trồng và xây dựng vùng nguyên liệu, chúng tôi đa dạng hoá sản phẩm phục vụ người tiêu dùng qua đó, cân bằng lợi nhuận, giúp doanh nghiệp bình ổn, trụ vững trên thị trường”.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho rằng, với giá nông sản, trong đó có cà phê đang ở mức tốt như hiện nay thì người nông dân được hưởng lợi nhiều nhất, thu nhập tăng cao. Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích giữa các bên thì rất cần sự chia sẻ của bà con nông dân đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cà phê để nông sản địa phương vừa có đầu ra, vừa phát triển ổn định.
Ngoài ra, doanh nghiệp và người nông dân trên địa bàn là phải tập trung tái canh, cải thiện chất lượng, quy hoạch lại vùng trồng cà phê để loại nông sản chủ lực này có hướng phát triển bền vững trong tương lai gần, từng bước có các sản phẩm chế biến sâu từ hạt cà phê.
Nguồn: Báo Lao Động (Link bài viết gốc)
Cà phê năm nay cháy trái non nhiều quá. Sang năm có giá cao nhưng người dân lại mất mùa.