Nông sản giảm giá, nông dân thiệtt hại hàng ngàn tỉ đồng

Giá cà phê giảm 70%, hồ tiêu giảm 64%, gạo giảm 19% so với năm 1999. Cần nhanh chóng áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, để tăng năng suất, giảm giá thành

Căn cứ vào giá cả một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của năm nay, những ai quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn đều phải giật mình. Bởi lẽ, giá nông sản đã giảm quá nhiều trong 4 năm qua. Gần 80% dân số VN sống ở nông thôn đã bị thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.

Càng sản xuất càng thua lỗ

Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tuy năm nay giá gạo xuất khẩu có nhích hơn năm rồi, đạt mức 180 USD/tấn. Nhưng, giá này bị giảm 19% so với năm 1999 (222,4 USD/ tấn). Ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu trong năm nay là 3,1 triệu tấn thì mức thiệt hại là 2.000 tỉ đồng so với giá bán năm 1999. Điều đáng quan tâm là những năm qua chi phí vật tư, xăng, dầu, điện, công lao động… đều tăng lên. Có nghĩa là chi phí sản xuất tăng, nhưng giá bán lúa lại giảm, làm cho mức thiệt hại của nông dân càng nhân lên lớn hơn.

Năm 2002, VN xuất khẩu 713.000 tấn cà phê, đạt kim ngạch 257 triệu USD. Giá cà phê của năm nay là 360 USD/tấn, giảm 21,8% so với năm 2001, tính ra mức thiệt hại lên tới trên 1.000 tỉ đồng. Nếu so với giá 1.210 USD/tấn của năm 1999 thì mức giảm giá là 70%, thiệt hại lên tới 9.000 tỉ đồng.

Hồ tiêu VN là mặt hàng xuất khẩu đứng thứ nhất thế giới. Năm 2002, cả nước xuất khẩu 70.000 tấn, đạt kim ngạch 97 triệu USD với đơn giá 1.387 USD/tấn. Nhìn lại giá hồ tiêu năm 1999 đạt tới 3.900 USD/tấn thì mức giảm giá là 64%, thiệt hại của nông dân trồng cà phê lên tới 2.500 tỉ đồng.

Rất nhiều gia đình nông dân trước đây khá giả do trồng cà phê xuất khẩu, sau khi cà phê rớt giá họ chuyển sang trồng hồ tiêu xuất khẩu. Nay hồ tiêu lại rớt giá, nhiều người trắng tay.

Cần những giải pháp tháo gỡ đồng bộ

Nhìn nhận thị trường thế giới hiện nay, chúng ta không kỳ vọng giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản trở lại thời kỳ hưng thịnh như những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Vì vậy rất cần những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn. Trước hết, VN cần hội nhập với xu hướng chung của thế giới, tức là hướng tới việc nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng, để tăng tính cạnh tranh cho hàng nông sản. Cần nhanh chóng đưa khoa học vào trong sản xuất nông nghiệp, nhằm tăng năng suất trên một đơn vị diện tích, hạ giá thành sản phẩm. Đặc biệt quan tâm đến sản phẩm sạch. Vì hiện nay những thị trường lớn như Nhật, Mỹ và các nước châu Âu luôn đặt tiêu chuẩn sản phẩm sạch lên hàng đầu để quyết định nhập khẩu. Để thực hiện được giải pháp này, việc gắn kết giữa “bốn nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) là điều kiện cần phải có. Bài học về xuất khẩu cà phê vừa qua rất đáng giá. Khi nghe thông tin cà phê rớt giá, các doanh nghiệp xuất khẩu bỏ rơi nông dân. Không tìm được đầu ra, nông dân chặt bỏ cà phê. Khi giá cà phê trên thị trường thế giới tăng lên, doanh nghiệp xuất khẩu đi mua gom, vẫn không kiếm đủ hàng.

Một biện pháp nữa, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80 về việc bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Có thực hiện được quyết định này thì vấn đề tiêu thụ nông sản mới được giải quyết căn cơ. Trước đây, Nhà nước đã từng chi hàng ngàn tỉ đồng để doanh nghiệp thu mua gạo của nông dân với giá hợp lý. Rốt cuộc, tiền Nhà nước chui vào túi trung gian, nông dân không hề nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng