Nhiều nông dân trở thành triệu phú USD nhờ cây sầu riêng

Năng suất tốt, thêm giá bán ở mức cao kỷ lục đã giúp nhiều nông dân trồng sầu riêng đổi đời với thu nhập tiền tỉ, thậm chí có vài chục tỉ đồng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại khi nhiều nhà vườn mở rộng diện tích sầu riêng một cách ào ạt, bất chấp điều kiện về thổ nhưỡng, dịch bệnh và rủi ro về thị trường tiêu thụ.

vuon sau rieng ong bui van quyen
Ông Bùi Văn Quyển tại vườn sầu riêng tiền tỉ của mình – Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

👉 Xem giá sầu riêng mới nhất hôm nay

Vườn sầu riêng “tiền tỉ” khắp mọi nơi

Khi nói đến sầu riêng ở tỉnh Bình Phước, thời điểm này gần như ai cũng nhắc đến ông Trương Văn Đảo (thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long), hay còn gọi với cái tên thân mật “Chú Ba sầu riêng”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đảo cho biết đã về vùng đất này hơn 30 năm, và chọn trồng sầu riêng và cao su. Nhưng gần đây, giá mủ cao su thấp nên đã phá dần cao su để trồng sầu riêng. Ông Đảo có tới hơn 30ha sầu riêng (khoảng 20ha sầu riêng 5 năm tuổi, còn lại từ 1-4 năm tuổi).

Rất vui khi nhắc về mùa vụ “tiền tỉ” vừa qua, ông Đảo cho biết vườn cho sản lượng hơn 300 tấn sầu riêng, với giá bình quân 60.000 đồng/kg, ông thu về hơn 18 tỉ đồng (tăng đến 200 tấn và tăng 13 tỉ đồng so với niên vụ trước đó). Nếu tính mấy năm gần đây, ông Đảo đã thu cả triệu USD từ cây sầu riêng.

“Giá bán tăng hơn 10.000 đồng/kg, cây càng lớn năng suất lại càng cao nên nguồn thu mới tăng nhiều so với năm 2022. Khả năng năm tới sẽ đạt khoảng 400 – 450 tấn, nếu giá bán tốt thì số tiền thu về từ cây sầu riêng sẽ còn tăng mạnh” – ông Đảo kỳ vọng và cho hay thời gian tới ông tập trung trồng theo quy trình chuẩn VietGAP, khâu bảo quản và đóng gói cũng sẽ được đầu tư hơn để góp phần nâng cao giá trị, giúp hạn chế được thiệt hại khi có biến động về đầu ra.

Trong khi đó, dù là cây không phải thế mạnh nhưng ở huyện biên giới Sa Thầy (Kon Tum), nếu hỏi 10 người sẽ có 8 người biết vườn sầu riêng 15ha của ông Bùi Văn Quyển (56 tuổi, trú thị trấn Sa Thầy).

Ông Quyển cho biết sau thời gian học hỏi, tìm nguồn giống ở các tỉnh, năm 2016 ông quyết định phá bỏ một số diện tích cao su để bắt đầu xuống những cây giống sầu riêng đầu tiên, và nay thu được trái ngọt.

Theo đó, cuối năm 2022, vườn sầu riêng của gia đình ông đã được cấp mã số vùng trồng để xuất sang Trung Quốc. Năm 2022, ông thu về được gần 4 tỉ đồng. Đặc biệt năm 2023, 15ha sầu riêng đã cho năng suất khoảng 300 tấn, với giá bán cao, ông thu lãi khoảng 15 tỉ đồng (đã trừ chi phí).

Tính vài năm trở lại đây, ông Quyển cũng thu cả triệu USD từ cây sầu riêng.

Đối với ông Quyển, thành quả trên đến từ nỗ lực nghiên cứu, thử nghiệm trong nhiều năm. Ông được bình chọn là một trong 100 gương mặt Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.

Trong khi đó, với diện tích chỉ khoảng 3ha sầu riêng giống Thái nhưng vườn của anh Trịnh Xuân Sơn (Phước An, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) lại trở thành mô hình mẫu nhờ đạt năng suất rất cao.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Sơn cho biết vụ vừa qua vườn cho sản lượng đến 107 tấn trái, trong đó nhiều cây 8 năm tuổi đạt đến 5 tạ/cây.

Nhờ trái đạt chất lượng và thời điểm hút hàng nên giá bán sầu riêng bình quân ở mức cao với 88.000 đồng/kg (tăng đến 28.000 đồng/kg so với năm ngoái), giúp anh thu về hơn 9,4 tỉ đồng. Trừ chi phí phân, thuốc, công lao động… khoảng 600 – 700 triệu đồng, anh lãi đậm.

“Ngoài năng suất cao, giá năm nay ở mức tốt hơn hẳn nhiều năm trước. Khả năng mùa vụ tới vườn sẽ cho khoảng 130 – 140 tấn trái”, anh Sơn nói.

Lợi nhuận cao nhưng rủi ro không nhỏ

Tuy vậy, theo anh Sơn, để “ăn” được sầu riêng là không dễ, đặc biệt diện tích trồng càng nhiều thì sầu riêng phát tán mầm bệnh nhanh.

Anh Sơn cho biết phải thuê 3 công lao động để làm gần như quanh năm. Từ lúc thu hoạch xong là phải xử lý vườn, phân, thuốc, tỉa cành lá, chưa kể mùa mưa cây rất dễ bệnh và chết nên phải phòng trừ bệnh hại. Bước vào mùa vụ ra hoa, đậu trái thì càng vất vả hơn do muốn tỉ lệ đậu cao, trái đẹp… nhà vườn phải thụ phấn, tỉa trái, bón phân, nước, thuốc sao cho phù hợp, cân đối…

“Lợi nhuận là thế nhưng tôi không có ý định mở rộng vườn trồng bởi diện tích nhiều sẽ khiến chúng ta khó tập trung đầu tư, chăm chút để nâng cao chất lượng trái, năng suất cho cây, thậm chí dễ gặp rủi ro do dịch bệnh. Nhìn vậy chứ cũng không dễ ăn”, anh Sơn đánh giá.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng với nhu cầu của Trung Quốc vẫn đang cao, Việt Nam xuất được chính ngạch, giá sầu riêng khả năng sẽ còn duy trì ở mức ổn định trong thời gian tới. Tuy nhiên, những rủi ro vẫn có thể xảy ra.

“Ngoài Việt Nam, nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia, thậm chí cả Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh cho việc trồng sầu riêng. Do đó, câu chuyện cung vượt cầu có thể xảy ra trong tương lai, kéo giá sầu riêng giảm lại, thậm chí giảm nhiều nếu thị trường tiêu thụ chủ lực là Trung Quốc hạn chế mua”, ông Nguyên nói.

Trong khi đó, theo một chuyên gia trong ngành nông nghiệp, chưa kể đến thị trường Trung Quốc “ăn” ít hay nhiều, việc phát triển diện tích sầu riêng ào ạt, bất chấp như hiện nay cũng mang đến những rủi ro trước mắt.

Vì ngoài đầu tư lớn, sầu riêng thường chỉ cho năng suất tốt ở những vùng đất, thổ nhưỡng phù hợp. Loại cây này khó chiều, không chịu được nước, ngập và rất hay bệnh chết vào mùa mưa nếu nhà vườn không có giải pháp xử lý mầm bệnh tốt.

>> Vườn sầu riêng bạc tỷ của nông dân miền Tây

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79