Tại sao sầu riêng Việt Nam thua Thái Lan?

Thái Lan rất quan tâm đến người ăn sầu riêng, chăm chút kỹ sản phẩm nên khai thác tốt ở thị trường Trung Quốc. Ngược lại, người trồng và thương lái Việt Nam thường có tâm lý bán đi đâu thì tùy, không quan tâm nhiều chất lượng, người mua.

thu hoach sau rieng
Người dân đang thu hoạch sầu riêng

Ông Huỳnh Quang Đức – phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre – nhận định như trên tại diễn đàn “Phát triển chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp an toàn hướng đến bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp” diễn ra ngày 29-9.

Theo ông Đức, về kỹ thuật và giống, sầu riêng Việt Nam và Thái Lan hiện gần như ngang nhau. Nhưng về chất lượng, phải thừa nhận hàng Thái Lan đảm bảo hơn Việt Nam, nhờ vậy họ có cơ hội khai thác tốt thị trường Trung Quốc. Ngược lại, sầu riêng Việt Nam hay bị phàn nàn về chất lượng, đặc biệt vẫn có tình trạng hái trái non và ép chín.

Ông Đức cho rằng ngoài xúc tiến thị trường, cái cần hiện nay là doanh nghiệp phải thực hiện chuỗi liên kết một cách hiệu quả với người nông dân để đảm bảo duy trì ổn định về mặt sản lượng và chất lượng hàng hóa.

“Hạn chế việc xung đột lợi ích trong chuỗi, thay vào đó phải xây dựng quan hệ có sự công bằng, là đối tác lành mạnh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người dân, và người dân với người dân”, ông Đức nhận định.

Trong khi đó, ông Bùi Văn My – phó tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn – cho biết hiện nay các doanh nghiệp chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng chuỗi do áp lực giá thành sản xuất tăng, không chủ động được nguồn nguyên liệu, chịu sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa bên ngoài chuỗi.

“TP.HCM quy định doanh nghiệp phải giết mổ công nghiệp nhưng thời gian qua vẫn cho heo được giết mổ bằng phương pháp thủ công ở các tỉnh nhập về. Điều này không công bằng và tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp tại TP trong việc cạnh tranh”, ông My nói.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Tân Thành – phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – cho biết trong bối cảnh toàn cầu hóa, hàng hóa Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài. Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, liên kết vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị nông sản cần phải đóng vai trò chủ chốt.

Tuy đất nước sản xuất nông nghiệp có hơn 1.700 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn được kiểm soát, nhưng chỉ một số tập đoàn lớn tham gia.

“Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tự vận động đi lên bằng cách đầu tư thích đáng cho công nghệ, liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm. Với vai trò là trung tâm chuỗi, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cần có sự kết nối chặt chẽ với hệ thống thông tin của các thành viên khác trong chuỗi”, ông Thành nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng cần hợp tác liên kết một cách nghiêm túc làm tiền đề bảo đảm các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư.

Ngoài ra, để tham gia chuỗi cung ứng hàng nông sản an toàn và bền vững, trước hết Nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp như tiếp tục cải thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao, hoàn thiện khung pháp lý, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho liên kết phát triển…

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng tới 57,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,45 tỉ USD. Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng lập kỷ lục mới về kim ngạch khi cán mốc 1,2 tỉ USD, chiếm 30% trong tổng kim ngạch rau quả.
Dự kiến hết quý 3-2023, xuất khẩu rau quả thu về 4,134 tỉ USD – vượt kết quả năm 2022 (3,34 tỉ USD) và cao hơn con số kỷ lục của năm 2018 (3,81 tỉ USD). Dự báo xuất khẩu cả năm 2023, ngành hàng rau quả có thể đạt hơn 5,5 tỉ USD.

Xem thêm:

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng