Cà phê vị thuốc đông y thu hút giới trẻ Trung Quốc

Bên trong một con hẻm cũ trên đường Gucheng ở Nam Ninh, thủ phủ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), quán cà phê của ông Lu Jiming trông tựa như một hiệu thuốc đông y, chỉ mở cửa đến 6 giờ tối mỗi ngày.

Cửa hàng có tên Herbal Coffee này đang là thỏi nam châm thu hút người tiêu dùng trẻ tuổi vào ngày hè nóng nực để thưởng thức cà phê có hương vị thuốc đông y nổi tiếng.

Bên trong quán Herbal Coffee. Ảnh: China Daily
Bên trong quán Herbal Coffee. Ảnh: China Daily

Tôi đã có ý định đến quán cà phê này từ lâu rồi. Tôi và bạn lái xe 40 phút rồi đứng xếp hàng thêm 20 phút nữa chỉ để mua một cốc rhodiola latte và mogroside Americano. Cà phê có hương thơm đặc biệt, dư vị êm dịu cùng trải nghiệm mới lạ khi ngồi trong một ‘hiệu thuốc đông y’ để thưởng thức. Thật xứng đáng bỏ công chờ đợi”, một cô gái tên Zhang chia sẻ với tờ Chinadaily.

Chẳng bao lâu sau, Zhang đã có thể nhấm nháp đồ uống, chụp ảnh selfie với bạn bè và đăng trải nghiệm độc đáo lên mạng xã hội. Cô Zhang là một trong số ngày càng nhiều người thuộc thế hệ sinh từ năm 1981 – 1996 đang chú ý nhiều hơn đến việc giữ sức khỏe. Vì nhiều người tiêu dùng trẻ giống như Zhang thích uống cà phê nên sự kết hợp giữa thuốc đông y và cà phê ngày càng trở nên phổ biến.

Chen Di’ao, quản lý quán trà có tên Banzhanzhuyu tại Nam Ninh phân tích: “Trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, nhận thức về chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng ngày càng cao. Họ đang tìm kiếm đồ uống vừa ngon vừa có lợi cho cơ thể. Vì vậy, chúng tôi đã ra mắt loại trà bảo vệ sức khỏe. Hai sản phẩm bán chạy nhất là nước táo gai có tác dụng tăng cường tiêu hóa và trà bạch chỉ làm ấm cơ thể”.

Lu Buyun, chuyên gia về chiến lược kinh doanh, nhận xét: “Tiêu dùng bảo vệ sức khỏe dự kiến sẽ là xu hướng trong tương lai, không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực đồ uống mà còn nhiều lĩnh vực khác như ăn uống và thể dục”.

Trong khi đó, Zhang Shule, một cây bút tại people.cn, đánh giá: “Trải nghiệm tiêu dùng độc đáo còn thu hút người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ đến quán cà phê, mua một tách cà phê và chụp ảnh để chia sẻ với bạn bè trên mạng xã hội, đáp ứng nhu cầu xã hội của họ”.

Một cuộc khảo sát gần đây do China Media Group, Cục Thống kê Quốc gia và China Post phối hợp thực hiện cho thấy, chi tiêu cho bảo vệ sức khỏe đang đứng thứ ba trong chi tiêu của giới trẻ, chỉ sau du lịch và các sản phẩm kỹ thuật số.

ca phe vi thuoc bac
Dược liệu làm thuốc đông y tại một hiệu thuốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP

Nhận thấy cơ hội kinh doanh, các công ty dược phẩm cũng đang vào cuộc. Tập đoàn dược phẩm TRT Bắc Kinh đã ra mắt thương hiệu phụ Zhimajiankang và mở một số cửa hàng ở Bắc Kinh, cung cấp đồ uống bảo vệ sức khỏe và đồ ăn nhẹ lành mạnh. Giá của đồ uống dao động từ 32 đến 88 nhân dân tệ (106.000 đến 293.000 đồng).

Một số khách hàng chưa quen với mùi vị đồ uống pha thuốc đông y. Chúng tôi đang tích cực khám phá những hương vị được chấp nhận rộng rãi hơn để đáp ứng nhu cầu của họ”, quản lý cửa hàng Zhimajiankang ở Bắc Kinh chia sẻ.

Lu cho biết cửa hàng Herbal Coffee của ông mới khai trương chính thức vào tháng 2 đã nhận được hai đề nghị hợp tác kinh doanh trong thời gian ngắn.

Ông Lu nói: “Hiện tại lĩnh vực cà phê ở Trung Quốc có tính cạnh tranh lớn. Nếu không có chiến lược kinh doanh thận trọng và khác biệt, sớm hay muộn một quán cà phê sẽ bị đẩy ra khỏi thị trường. Bản thân sản phẩm đã quan trọng nhưng trải nghiệm của người dùng thậm chí còn quan trọng hơn”.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng