Liệu chanh dây có thoát vết xe đổ “trồng-chặt”?

“Trồng – chặt” theo phong trào nên rau quả là lĩnh vực thiếu bền vững ngay cả khi đó là lợi thế với đủ các nhân tố của chuỗi như vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến, xuất khẩu.

Hiện những vườn trồng thuần chanh leo, nông dân cầm chắc thua lỗ, khi giá mua giống thì trên trời, nhưng giá bán quả xuống đáy.

nong dan trong chanh day
Giá chanh dây xuống thấp, nhiều người dân chịu cảnh thua lỗ. (Ảnh: Tuấn Anh)

Sản xuất chạy theo phong trào

Cách đây hơn 2 năm, nhận thấy chanh dây là loại cây có giá trị kinh tế cao, nhiều nông dân ở tỉnh Đắk Lắk đã lựa chọn đầu tư. Tuy nhiên, khi chưa thu lại được giá trị kinh tế tương xứng với công sức, tiền của bỏ ra thì nhiều bà con đã ôm “trái đắng”.

Bà Lê Thị Phước (xã Ea Hu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) tâm sự: “Gia đình tôi có tổng cộng 200 gốc chanh dây. Mùa vụ này, tôi bỏ vốn 30 triệu đồng gieo giống, chăm bón mất rất nhiều thời gian. Dự kiến năm nay, phần diện tích trồng chanh dây sẽ cho sản lượng đến 2 tấn quả. Tuy nhiên, với giá chanh dây hiện tại chỉ mức khoảng 5.000 đồng/kg khiến gia đình tôi thiệt hại nặng, không biết phải làm thế nào để bù đắp”.

Còn theo chị Lâm Thị Bảo Hà (huyện Cư Kuin): Gia đình trồng tổng cộng 400 gốc chanh leo với tổng mức đầu tư 60 triệu đồng chưa kể công chăm sóc. Tuy nhiên, với giá chanh 3.000 – 5.000 đồng/kg như hiện nay thì chỉ có thua lỗ nặng. Ngoài ra, bệnh tật trên cây là đều đáng lo ngại nhất lúc này, chỉ sợ đến mùa thu hoạch cây bệnh, trái không đạt chất lượng, thương lái khó thu mua, coi như mất trắng.

Được biết, những năm gần đây, giá chanh dây đạt mức cao, khoảng từ 15.000 đến hơn 20.000/kg, mang lại hiệu quả kinh tế nên nhiều bà con nông dân ở huyện Cư Kuin đã rủ nhau trồng loại nông sản này. Tuy nhiên, năm nay, lúc mất giá, nhiều nơi còn xuất hiện dấu hiệu của bệnh tật, quắn lá.

Đắk Lắk có hơn 2.100ha chanh dây. Đa phần diện tích chanh dây tại đây cũng như vùng Tây Nguyên vẫn ở quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, manh mún, chưa có quy mô lớn và tạo thành chuỗi sản xuất bền vững. Theo ngành chức năng, tuy Tây Nguyên có nhiều vùng thích hợp để phát triển chanh dây nhưng người nông dân không nên trồng ồ ạt mà phải lựa chọn giống phù hợp, chú trọng quy trình chăm sóc, liên kết và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Minh – Trưởng trạm khuyến nông huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk – chia sẻ: “Để sản xuất bất kỳ loại cây trồng nào hiệu quả, bà con phải chú trọng kỹ thuật từ chăm sóc, thu hái để chanh leo có sản lượng, hiệu quả cao nhất.

Thực tế, khó biết được khi nào giá chanh dây lên hoặc xuống, tùy thuộc vào tình hình sản xuất, sản lượng cung ứng cũng như nhu cầu thị trường… Muốn phát triển chanh dây trước hết phải có đất phù hợp để canh tác”.

Theo ông Minh: Tâm lý của người dân thường thấy loại nông sản nào có giá trị thì thường loại bỏ bớt những loại cây cũ, thay mới. Kỹ thuật trồng loại cây này cũng không phải đơn giản, phải nắm vững kỹ thuật thì mới thành công. Nếu người dân tự làm, nghe người khác rủ rê cùng làm trong khi chất lượng không đảm bảo thì rất dễ bị thất bại.

Trước tình trạng giá chanh dây xuống thấp, nhiều nông dân ở Đắk Lắk lại phá chanh dây để trồng cà phê, khiến nhu cầu cây giống cà phê tăng cao. Điều này rất có thể sẽ khiến thị trường chanh dây có thể bị thiếu hàng trong những năm tới.

Điệp khúc “trồng – chặt” và nguy cơ bất ổn cho những ngành hàng nông sản ]

co so thu mua chanh day
Chanh dây dồn ứ tại các cơ sở thu mua do không xuất khẩu được.

Hệ lụy khi phát triển thiếu bền vững

Theo đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định 14 loại cây ăn quả chủ lực, đó là thanh long, xoài, chuối, vải, sầu riêng, nhãn, cam, bưởi, dứa, chôm chôm, mít, chanh leo, bơ, na… Tuy nhiên, đa phần đang rơi vào tình trạng phát triển thiếu bền vững.

Sau thanh long, cam, mít… từng vỡ trận, hiện chanh leo, sầu riêng đang là 2 loại trái cây phát triển nóng để chớp cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hệ lụy đã có thể thấy rõ tại các vùng sản xuất trọng điểm.

Năm 2022, giá chanh leo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến ở mức 17.000 – 18.000 đồng/kg. Riêng tỉnh Gia Lai, diện tích đã tăng thêm 500 ha so với năm trước đó. Năm nay, hệ lụy đã thấy rõ, khi giá giảm sâu, nhiều vườn chanh leo đã bị bỏ mặc.

Thời điểm này, ông Toàn (xã Ia Pết, huyện Đắc Đoa, Gia Lai) bỏ thu hoạch vì giá chanh leo chỉ còn 1.500 – 2.000 đồng/kg. Chuyển từ tiêu sang chanh leo để tận dụng hệ thống cột, giàn đã đầu tư, nhưng đến nay, ông Toàn phải tính phá đi để trồng lại cà phê.

“Năm ngoái chanh quá đắt, phá hết cà phê đi trồng”, ông Phạm Văn Toàn, xã Ia Pết, huyện Đắc Đoa, Gia Lai, chia sẻ.

Cung vượt cầu nên giá giảm từng ngày. Ngay cả khi tỉnh Gia Lai có 3 nhà máy chế biến lớn cũng không tiêu thụ hết số lượng chanh leo nông dân đã sản xuất. 5 tháng qua, nhà máy của Công ty TNHH xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai luôn duy trì công suất 250 – 300 tấn mỗi ngày.

“Năm nay, nhà máy chạy thế này phấn khởi, nhưng cũng có nỗi lo là sang năm, giá chanh thấp, bà con lại không trồng. Đó cũng là bài toán”, ông Trịnh Lập Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai, cho biết.

Trồng – chặt theo phong trào nên rau quả là lĩnh vực thiếu bền vững ngay cả khi đó là lợi thế với đủ các nhân tố của chuỗi như vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến, xuất khẩu. Hiện những vườn trồng thuần chanh leo, nông dân cầm chắc thua lỗ, khi giá mua giống thì trên trời, nhưng giá bán quả xuống đáy.

Ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đăk Đoa cho biết, giá chanh dây xuống thấp ở mức 3.000 đồng/kg, xem như người dân không có lời.

“Với giá thấp như hiện nay, chúng tôi tuyên truyền bà con, đối với những vườn chanh dây đảm bảo phù hợp khí hậu thổ nhưỡng, người dân vẫn tiến hành chăm sóc bình thường, không nên phá bỏ vườn cây. Còn với những vườn chanh dây già cỗi cho năng suất kém hay bị bệnh thì nên chuyển sang trồng các loại cây thời vụ để cải tạo đất tốt hơn”, ông Kim Anh chia sẻ.

Ông Kim Anh cho biết thêm, địa phương không quyết định được thị trường chanh dây nên người dân nên hạn chế mở rộng đầu tư, đồng thời canh tác theo hướng hữu cơ để đảm bảo vườn cây phát triển ổn định, giảm chi phí, nâng cao năng suất…

Làm gì để tránh đi vào vết xe đổ?

Nhận diện rõ nguy cơ phát triển nóng, nên ngay từ cuối năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ thị về phát triển bền vững chanh leo, sầu riêng. Tuy nhiên những diễn biến từ đầu năm đến nay đã đặt ra bài toán cho các bên cần phải có những định hướng, chấn chỉnh hiệu quả hơn.

Theo đánh giá của các bên, hiện diện tích chanh leo đã gần chạm mốc 10.000 ha, sản lượng gần 190. 000 tấn. Giá chanh leo giảm sâu có một phần nguyên nhân từ việc người dân chạy theo phong trào, ồ ạt trồng mà không có chọn lựa giống tốt đáp ứng cân bằng cả 2 nhu cầu chế biến và bán tươi, nên phát triển nhanh nhưng chất lượng không ổn định.

“Giống chanh leo chỉ nhằm cho chế biến, không xuất tươi. Những nhà nhập khẩu tươi họ chê chanh leo của chúng ta mẫu mã không đẹp, vỏ không dày, bảo quản không được lâu”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết.

Tỉnh Gia lai đặt mục tiêu phát triển 100.000ha cho riêng mặt hàng trái cây. Bài học từ trái chanh leo đã đòi hỏi phải có giải pháp quản lý hiệu quả hơn để hạn chế tình trạng nông dân cứ trồng mà không có sự gắn kết với doanh nghiệp để phát triển có kế hoạch vùng nguyên liệu.

“Trong thời gian tới một là phải có hợp đồng sản xuất, sản xuất ra tiêu chuẩn như thế nào, giá cả bao nhiêu cũng phải công khai, minh bạch, đồng thời nông dân phải có trách nhiệm sản xuất ra sản phẩm trái cây, đặc biệt là chanh leo theo tiêu chuẩn thì mới được bảo vệ quyền lợi”, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai, cho hay.

“Việc phát triển cây ăn quả phải ổn định, bền vững và đem lại lợi ích cho nông dân. Do đó việc phát triển nóng bất kỳ loại cây ăn quả nào là không nên vì cây ăn quả là cây lâu năm, cần có đầu tư lớn”, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.

Nhiều địa phương cũng đề xuất cần bổ sung quy hoạch và chế tài thực hiện quy hoạch đối với một số cây ăn quả chủ lực có ảnh hưởng lớn đến thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Có như vậy, chúng ta mới tránh đi vào vết xe đổ của những loại trái cây trước đây.

Với 1,2 triệu ha, sản lượng 13 triệu tấn, năm nay dự kiến giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD, về đích sớm trước 2 năm so với mục tiêu đề án. Tuy nhiên, những năm tiếp theo, việc có nâng được giá trị kim ngạch lên hay không phụ thuộc nhiều vào quy hoạch sản xuất. Nếu cứ mở rộng ồ ạt, sử dụng giống không rõ nguồn gốc, hoặc kém chất lượng thì rất có thể sẽ vỡ trận như đã xảy ra với thanh long, cam, mít…

Xem thêm:

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82