Nông dân ở Đắk Lắk bất an khi chanh dây rớt giá quá sâu

Giá chanh dây đang xuống thấp, một số vùng còn xuất hiện dấu hiệu cây bị bệnh, khiến nông dân hết sức bất an, lo lỗ nặng.

Cách đây hơn 2 năm, nhận thấy chanh dây là loại cây có giá trị kinh tế cao, nhiều nông dân ở tỉnh Đắk Lắk đã lựa chọn đầu tư. Tuy nhiên, khi chưa thu lại được giá trị kinh tế tương xứng với công sức, tiền của bỏ ra thì nhiều bà con đã ôm “trái đắng”.

Bà Lê Thị Phước (xã Ea Hu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) tâm sự: “Gia đình tôi có tổng cộng 200 gốc chanh dây. Mùa vụ này, tôi bỏ vốn 30 triệu đồng gieo giống, chăm bón mất rất nhiều thời gian. Dự kiến năm nay, phần diện tích trồng chanh dây sẽ cho sản lượng đến 2 tấn quả. Tuy nhiên, với giá chanh dây hiện tại chỉ mức khoảng 5.000 đồng/kg khiến gia đình tôi thiệt hại nặng, không biết phải làm thế nào để bù đắp”.

Nhiều nông dân ở Đắk Lắk đã mất nhiều công đầu tư, chăm sóc chanh dây trong vụ mùa năm nay. Ảnh: Bảo Trung
Nhiều nông dân ở Đắk Lắk đã mất nhiều công đầu tư, chăm sóc chanh dây trong vụ mùa năm nay. Ảnh: Bảo Trung

Còn theo chị Lâm Thị Bảo Hà (huyện Cư Kuin): Gia đình trồng tổng cộng 400 gốc chanh leo với tổng mức đầu tư 60 triệu đồng chưa kể công chăm sóc. Tuy nhiên, với giá chanh 5.000 đồng/kg như hiện nay thì chỉ có thua lỗ nặng. Ngoài ra, bệnh tật trên cây là đều đáng lo ngại nhất lúc này, chỉ sợ đến mùa thu hoạch cây bệnh, trái không đạt chất lượng, thương lái khó thu mua, coi như mất trắng.

Chanh dây hiện không còn được giá như cách đây 1 đến 2 năm. Ảnh: Bảo Trung
Chanh dây hiện không còn được giá như cách đây 1 đến 2 năm. Ảnh: Bảo Trung

Được biết, những năm gần đây, giá chanh dây đạt mức cao, khoảng từ 15.000 đến hơn 20.000/kg, mang lại hiệu quả kinh tế nên nhiều bà con nông dân ở huyện Cư Kuin đã rủ nhau trồng loại nông sản này. Tuy nhiên, năm nay, lúc mất giá, nhiều nơi còn xuất hiện dấu hiệu của bệnh tật, quắn lá.

Đắk Lắk có hơn 2.100ha chanh dây. Đa phần diện tích chanh dây tại đây cũng như vùng Tây Nguyên vẫn ở quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, manh mún, chưa có quy mô lớn và tạo thành chuỗi sản xuất bền vững. Theo ngành chức năng, tuy Tây Nguyên có nhiều vùng thích hợp để phát triển chanh dây nhưng người nông dân không nên trồng ồ ạt mà phải lựa chọn giống phù hợp, chú trọng quy trình chăm sóc, liên kết và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Một số nơi chanh dây xuất hiện dấu hiệu bệnh quắn lá, trái biến dạng, không đạt chuẩn. Ảnh: Bảo Trung
Một số nơi chanh dây xuất hiện dấu hiệu bệnh quắn lá, trái biến dạng, không đạt chuẩn. Ảnh: Bảo Trung

Ông Nguyễn Văn Minh – Trưởng trạm khuyến nông huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk – chia sẻ: “Để sản xuất bất kỳ loại cây trồng nào (trong đó có chanh dây – PV) hiệu quả, bà con phải chú trọng kỹ thuật từ chăm sóc, thu hái để chanh leo có sản lượng, hiệu quả cao nhất.

Thực tế, khó biết được khi nào giá chanh dây lên hoặc xuống, tùy thuộc vào tình hình sản xuất, sản lượng cung ứng cũng như nhu cầu thị trường… Muốn phát triển chanh dây trước hết phải có đất phù hợp để canh tác”.

Muốn trồng chanh dây đạt hiệu quả tốt phải nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc. Ảnh: Bảo Trung
Muốn trồng chanh dây đạt hiệu quả tốt phải nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc. Ảnh: Bảo Trung

Theo ông Minh: Tâm lý của người dân thường thấy loại nông sản nào có giá trị thì thường loại bỏ bớt những loại cây cũ, thay mới. Kỹ thuật trồng loại cây này cũng không phải đơn giản, phải nắm vững kỹ thuật thì mới thành công. Nếu người dân tự làm, nghe người khác rủ rê cùng làm trong khi chất lượng không đảm bảo thì rất dễ bị thất bại.

Tuy vậy, nhờ chú trọng đến phát triển chất lượng sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết, sản xuất – tiêu thụ sản phẩm chanh dây, một số hợp tác xã đã giúp nhiều thành viên bán được chanh dây với giá cao hơn thị trường.

Xem thêm:

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

77