Đại biểu HĐND tỉnh Bình Phước lo cây sầu riêng thành “cây làm nghèo”

Hôm nay (12/7), Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Bình Phước khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục với phần chất vấn và trả lời chất vấn. Các vấn đề liên quan đến hệ lụy khi diện tích sầu riêng tăng nhanh và việc đồng bào dân tộc thiểu số còn tâm lí trông chờ, ỷ lại vào chính sách được đem ra phân tích.

Sợ cây “làm giàu” sẽ thành “làm nghèo”

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, hiện nay, toàn tỉnh có 5.300 ha sầu riêng, trong đó có hơn 2.400 ha đã cho thu hoạch. Dự kiến, năm 2023, toàn tỉnh sẽ thu hơn 23.000 tấn sầu riêng (tăng 108,4% so với năm 2022).

Người dân Bình Phước ồ ạt chặt cây điều, cao su để chuyển sang trồng sầu riêng
Người dân Bình Phước ồ ạt chặt cây điều, cao su để chuyển sang trồng sầu riêng

Cây sâu riêng chủ yếu được trồng ở huyện Bù Đăng, Phú Riềng, Bù Gia Mập, Lộc Ninh, thị xã Phước Long… Hiện nay, sầu riêng ở Bình Phước đã được Trung Quốc cấp 17 mã vùng trồng trên diện tích 1.015ha.

Theo đại biểu HĐND tỉnh Bình Phước, cây sầu riêng được ví von là cây “làm giàu”. Gần đây, thấy lợi nhuận cao, người dân đang đua nhau chặt bỏ điều, cao su để trồng sầu riêng và không tìm hiểu kỹ thuật trồng. Việc này sẽ dẫn đến các hệ lụy về sau nên Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cần có những giải pháp, định hướng để sầu riêng không trở thành cây “làm nghèo”.

“Nếu sấu riêng xuất khẩu thì phương án để cạnh tranh với các tỉnh thành khác và với Thái Lan, Malaysia được đặt ra như thế nào. Nếu chế biến sâu để tiêu thụ trong nước, xuất khẩu để có giá trị cao thì có những định hướng, giải pháp gì”, đại biểu Hoàng Minh Quang nói.

Ông Phạm Thụy Luân, Giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, cây sầu riêng là loại cây khó trồng, đòi hỏi chuyên môn cao về trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản. Cây này nhạy cảm với thời tiết, sâu bệnh. Trường hợp cây bị bệnh thì việc điều trị khó và chi phí cao. Do đó, ngành cũng đã chỉ đạo phòng nông nghiệp các địa phương phối hợp với UBND xã khuyến cáo người dân không chạy theo phong trào đối với khu vực không đảm bảo nguồn nước và không nắm vững kỹ thuật.

Bà con dân tộc thiểu số ở Bình Phước được hỗ trợ bò để chăn thả, góp phần vươn lên thoát nghèo
Bà con dân tộc thiểu số ở Bình Phước được hỗ trợ bò để chăn thả, góp phần vươn lên thoát nghèo

Ông Phạm Thụy Luân nói thêm, bên cạnh xuất khẩu, tỉnh Bình Phước cũng đang định hướng chế biến sâu để tạo thương hiệu sầu riêng Bình Phước: “Đây cũng là một trong những nội dung trong khuyến khích, thu hút đầu tư của tỉnh. Tỉnh cũng đang khuyến khích, mời gọi doanh nghiệp tham gia chế biến sâu đối với sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, trong đó có cây sầu riêng.

Hiện tại có một số hợp tác xã đang thực hiện chế biến sâu như sầu riêng sấy khô, đông lạnh, sầu riêng tách múi đông lạnh… các sản phẩm này cũng đã xuất hiện ở các siêu thị ở Hà Nội, TP.HCM”.
Để người đồng bào dân tộc thiểu số không ỷ lại vào chính sách
Bình Phước hiện có 41 dân tộc thiểu số với hơn 203.500 người, chiếm 19,67% tổng số dân trên địa bàn tỉnh. Người dân tộc thiểu số sống đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của tỉnh.

Đại biểu HĐND tỉnh Bình Phước Hà Văn Kiên cho rằng, số hộ nghèo nhiều do đồng bào dân tộc thiểu số còn chủ quan, ỷ lại vào chính sách
Đại biểu HĐND tỉnh Bình Phước Hà Văn Kiên cho rằng, số hộ nghèo nhiều do đồng bào dân tộc thiểu số còn chủ quan, ỷ lại vào chính sách

Thời gian qua, thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, mục tiêu của tỉnh, Ban Dân tộc Bình Phước đã triển khai hỗ trợ đất ở, nhà ở, vốn cho đồng bào làm ăn thoát nghèo.

Thế nhưng, tính đến đầu năm 2023, Bình Phước vẫn còn 2.830 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm 58,09% tổng số hộ nghèo của tỉnh.

Đại biểu HĐND tỉnh Bình Phước cho rằng, số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều có phần do còn tâm lí chủ quan, ỷ lại vào chính sách.

“Qua thăm nắm, thực tế cơ sở, qua cử tri thì ở trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách của Nhà nước, không tự vươn lên, không sử dụng nguồn lực đó xem như điều kiện ban đầu vượt qua khó khăn, thoát nghèo, phát triển bền vững. Trưởng Ban Dân tộc có chính sách gì tham mưu cho tỉnh để giải quyết được tâm lí này”, Đại biểu Hà Văn Kiên nói.

Trước vấn đề này, ông Lý Trọng Nhân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước cho biết, Ban sẽ tham mưu về việc phối hợp tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao tính tự giác vươn lên thoát nghèo.

Mặt khác, Ban sẽ thay đổi cách làm, thay vì cứ cho “con cá” thì sẽ trao “cầu câu” thông qua việc dạy nghề, giới thiệu việc làm, cho vay sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là sẽ quan tâm, đầu tư cho giáo dục để nâng cao tri thức cho người dân tộc thiểu số.

Ông Phạm Thụy Luân, Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Bình Phước trả lời chất vấn
Ông Phạm Thụy Luân, Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Bình Phước trả lời chất vấn

“Trong thời gian tới, Ban dân tộc sẽ phối hợp với Sở Giáo dục- Đào tạo để tăng cường, nâng cấp, mở rộng các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng ta quan tâm, đầu tư giáo dục nhiều hơn để tạo ra một thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số khắc phục được tình trạng trông chờ, ỷ lại trong việc thụ hưởng chính sách”, ông Nhân cho biết.

Cũng tại phiên chất vấn, lãnh đạo các sở, ngành liên quan thông tin thêm về các vấn đề như việc triển khai mua xi măng thực hiện xây dựng nông thôn mới theo cơ chế đặc thù; nguồn vốn hỗ trợ việc làm bền vững, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Phạm ngọc huy

    Nếu cho rằng bà con đồng bào thiểu số “còn nghèo vì ỷ lại chính sách” là một kết luận hoàn toàn không đúng thực tế…
    Người đồng bào với văn hóa sống dựa vào chăn thả trâu bò lợn gà và với rẫy rừng tự nhiên…cho dù họ không giàu thì cũng có cuộc sống đàng hoàng… Nay nguồn sống với rừng hoàn toàn biến mất và họ nghèo là vì lý do đó.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84