Sầu riêng vượt thanh long thành loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam khi tăng trưởng gấp 10 lần trong 5 tháng đầu năm.
Số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục hải quan cho thấy 6 tháng, xuất khẩu rau quả đạt 2,75 tỷ USD, tăng hơn 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sầu riêng vươn lên dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trái cây 5 tháng đầu năm khi đạt trên 526 triệu USD, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch này giúp sầu riêng bỏ xa thanh long – từng 10 năm liền đứng đầu về xuất khẩu trái cây. 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thanh long đạt trên 307 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ 2022.
Nguyên nhân khiến xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh được các chuyên gia cho rằng do nhu cầu tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc tăng cao. Năm ngoái, Việt Nam đã ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang nước này, vì vậy có thêm nhiều thuận lợi. Ngoài ra, giá sầu riêng của Việt Nam cạnh tranh hơn so với các đối thủ nên ngày càng được ưa chuộng.
Việc sầu riêng vươn lên thành loại trái cây xuất khẩu lớn nhất Việt Nam cũng được những người trong ngành cho là một “kỳ tích”. Bởi năm ngoái, quả này chỉ mang về 420 triệu USD xuất khẩu, còn thanh long đạt gần 633 triệu USD. Các năm trước, thanh long luôn là loại trái cây xuất khẩu mang về tỷ USD cho Việt Nam.
Năm 2021, xuất khẩu thanh long đạt 1,031 tỷ USD trong khi sầu riêng chưa đến 178 triệu USD, chiếm khoảng 17% kim ngạch của thanh long. Từ 2019 đến nay, xuất khẩu thanh long liên tục giảm mạnh, thậm chí năm ngoái rớt khỏi top những mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam dự báo năm nay, sầu riêng sẽ mang về cho Việt Nam khoảng 1,2 tỷ USD và sẽ tăng lên 2 tỷ USD sau đó 1-2 năm.
Số liệu thống kê của Tổng cục hải quan cho thấy 5 tháng đầu năm nay, sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 96,25% tổng kim ngạch ngành này với giá trị 477 triệu USD.
Dẫu vậy, sầu riêng Việt Nam vẫn ở khoảng cách xa so với Thái Lan. Theo Hải quan Trung Quốc, 5 tháng đầu năm, quốc gia này đã nhập khẩu 535.520 tấn, trị giá 2,66 tỷ USD, tăng hơn 90% về lượng và trên 83% về giá trị so với cùng kỳ. Trong đó, Thái Lan vẫn là nguồn cung lớn nhất cho Trung Quốc khi chiếm gần 85% tổng kim ngạch với giá trị gần 1,8 tỷ USD.
Hiện Việt Nam có khoảng 6.500 vùng trồng và 1.600 cơ sở đóng gói tại 33 địa phương được cấp mã xuất khẩu. Trong đó, có 25 sản phẩm như: thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, khoai lang, sầu riêng.
Riêng với sầu riêng, đã có ít nhất 293 mã số vùng trồng và 115 mã số cơ sở đóng gói đã được Tổng cục hải quan Trung Quốc (GACC) cấp đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này. Dự kiến có thêm 400 mã vùng trồng và 60 mã cơ sở đóng gói sẽ tiếp tục được cấp phép khi Cơ quan quản lý Việt Nam đang làm việc với GACC để thống nhất lịch kiểm tra trực tuyến.
Ngoài ra, chuối, xoài và mít là ba loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3, 4 và 5 của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm nay lần lượt đạt 172, 116 và 109 triệu USD.
Xem thêm: