Theo Nghị định 31/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 9/6, người trực tiếp điều hành sản xuất phân bón không có bằng đại học đúng chuyên ngành bị phạt từ 10-15 triệu đồng.
Nghị định 31/2023/NĐ-CP quy định nhiều mức xử lý vi phạm quy định về sản xuất phân bón.
Trong đó, phạt từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi: Không có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt; Không báo cáo tình hình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón định kỳ hàng năm trong 2 năm liên tiếp; Không có phòng thử nghiệm được công nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO 17025.
Đặc biệt, phạt từ 10-15 triệu đồng nếu người trực tiếp điều hành sản xuất phân bón không có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học, hoặc không lưu mẫu sản phẩm của từng lô phân bón xuất xưởng, không lưu hồ sơ kết quả thử nghiệm của từng lô đã xuất xưởng.
Phạt từ 15-20 triệu đồng nếu không thử nghiệm đánh giá chất lượng của từng lô phân bón thành phẩm tại phòng thử nghiệm, không có hệ thống quản lý chất lượng được công nhận phù hợp với ISO 9001 hoặc tương đương.
Đối với hành vi vi phạm quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, mức phạt cao nhất lên tới 70 triệu đồng, dành cho hành vi sản xuất phân bón khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón đã hết hạn, hoặc bị tước quyền sử dụng, hoặc bị thu hồi.
Mức phạt cao nhất với vi phạm về sản xuất phân bón, từ 90-100 triệu đồng, đối với hành vi sản xuất phân bón khi không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, hoặc quyết định hết hiệu lực, bị hủy bỏ.
Lô hàng có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 100 triệu đồng trở lên khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Về hoạt động buôn bán phân bón, phạt từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trong giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
Phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối hành vi: Buôn bán phân bón khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, hoặc trong thời gian bị tước quyền sử dụng, hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận.
Nếu không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc quyết định hết hiệu lực, doanh nghiệp bị phạt tiền từ 10-60 triệu đồng, tùy vào giá trị lô hàng.
Về vi phạm trong nhập khẩu phân bón, khung phạt dao động từ 5-25 triệu đồng. Mức phạt cao nhất, áp dụng cho giá trị lô hàng từ 100 triệu đồng trở lên.
Nếu nhập khẩu phân bón không đúng mục đích ghi trong giấy phép nhập khẩu, ngoài phạt tiền, doanh nghiệp có thể bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép nhập khẩu phân bón từ 6-12, đồng thời nộp lại số tiền bằng giá trị phân bón vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm đã tiêu thụ hoặc không thể thu hồi.
Với vi phạm trong hoạt động lấy mẫu, thử nghiệm, khảo nghiệm phân bón, phạt từ 5-50 triệu đồng. Ngoài ra, tổ chức có thể bị tước quyền sử dụng quyết định công nhận trong vòng 6-12 tháng, đồng thời buộc thu hồi và tiêu hủy các loại tài liệu liên quan.
Tại Điều 5 Nghị định số 31 cũng nêu rõ: Những mức phạt kể trên áp dụng cho cá nhân. Đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt sẽ gấp 2 lần. Như vậy, nếu một tổ chức vi phạm các quy định hành chính về quản lý phân bọt, số tiền phạt tối đa lên tới 200 triệu đồng.
Xem thêm: