Nguồn cung phân bón trong nước và thế giới dồi dào trong khi tiêu thụ không tăng khiến giá cả liên tục giảm.
Ông Nguyễn Thành An, một nông dân sản xuất lớn ở Thoại Sơn (An Giang) vừa hoàn thành xuống giống lúa vụ lúa hè thu được hơn 10 ngày. Đầu vụ thường là thời điểm nhà nông cần chuẩn bị đất và sử dụng nhiều phân bón.
Tuy nhiên, năm nay, ngoài chuyện lúa trúng mùa được giá thì chi phí sản xuất cũng giảm đáng kể. Giá phân bón vụ này giảm thêm vài chục ngàn mỗi bao, tùy loại; cụ thể phân ure khoảng 470.000 đồng/bao (50kg), phân kali từ 620.000 – 630.000 đồng/bao, phân lân 270.000 đồng/bao.
Nếu so với mức đỉnh năm trước, giá phân bón hiện đã giảm hơn 50%. “Với giá phân bón như hiện tại, bà con nông dân yên tâm sản xuất hơn rất nhiều so với năm ngoái, giá lúa thấp còn giá phân bón cao chót vót, nông dân không có lãi“, ông An nói.
Hiện Nam bộ và Tây nguyên đang mùa mưa – thời điểm bà con nông dân ĐBSCL vào cao điểm sản xuất, cũng là mùa tiêu thụ phân bón mạnh nhất nên giá thường tăng.
Tuy nhiên, năm nay giá phân bón có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào. Bên cạnh đó, do năm trước giá phân bón tăng cao nên bà con nông dân cũng áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm, sử dụng phân bón vừa đủ, phân hữu cơ nên năm nay nhu cầu vẫn tăng nhưng lượng tiêu thụ không tăng tương ứng. Tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu đều gặp khó khăn do bị cạnh tranh gay gắt.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu phân bón liên tục sụt giảm cả về lượng và giá. Cụ thể, thời điểm tháng 3.2023, bình quân giá phân bón xuất khẩu đạt 453,4 USD/tấn thì đến tháng 5 chỉ còn 415 USD/tấn, giảm đến hơn 35% so với cùng kỳ năm 2023.
Báo cáo về ngành phân bón năm 2023 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt nhận định, nguồn cung phân bón trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng nhẹ trong năm nay. Nguồn cung tăng nên giá phân bón các loại như phân ure, kali và DAP có thể giảm tới 40% so với năm 2022. Trong năm 2022, nguồn cung phân bón bị thắt chặt do Trung Quốc và Nga đều hạn chế xuất khẩu. Nhưng trong năm nay, cả hai “cường quốc” về phân bón này đã dỡ bỏ hạn chế, gia tăng hạn ngạch xuất khẩu phân bón.
Từ cuối năm 2022, Nga đã tăng hạn ngạch xuất khẩu phân đạm từ 8,3 triệu tấn lên gần 11,8 triệu tấn đến tháng 5.2023. Bên cạnh đó, một số nhà máy sản xuất phân bón mới bổ sung trong giai đoạn 2020 – 2022 ở Ấn Độ, Nigeria, Brunei, 3 nhà máy ở Nga và 10 nhà máy ở Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động trong cuối năm nay.
Còn theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, một trong những yếu tố ảnh hưởng đến giá phân bón hiện nay là do giá khí thiên nhiên đã giảm nhẹ. Điều này cho phép một số nhà máy sản xuất phân đạm đã ngừng hoạt động ở châu Âu có thể mở cửa trở lại.
Xem thêm: