Trong khi nhiều ngành hàng gặp khó thì xuất khẩu gạo và rau quả, đặc biệt là sầu riêng, đang băng băng về đích.
Gạo “sốt” giá, đơn hàng tấp nập
Đầu tuần này, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết giá gạo 5% tấm xuất khẩu được điều chỉnh tăng 5 USD, lên 488 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất kể từ đầu năm đến nay và tăng thêm đến 15 USD so với mức đỉnh hồi tháng 2.
Không chỉ Việt Nam, mà giá gạo châu Á cũng đang lên cơn sốt, gạo thông dụng 5% tấm của Pakistan đầu tháng 5 tăng thêm 10 USD lên 543 USD/tấn, Thái Lan ổn định mức 495 – 500 USD/tấn và Ấn Độ là 453 USD/tấn. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm 2023 đạt 1,56 tỉ USD, tăng 54,5%; giá bình quân đạt 526 USD/tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tại miền Tây, bà con nông dân đang rất phấn khởi nhờ lúa được mùa, được giá. Họ trông đợi mùa mưa đến nhanh hơn để tiếp tục xuống giống vụ mới thuận lợi.
Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo cũng hoạt động hết công suất nhằm đáp ứng đơn hàng, Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: giá gạo xuất khẩu thực tế còn cao hơn nhiều so với các con số nói trên. Gạo 5% tấm loại thường thấp nhất đã 540 USD/tấn, các loại gạo thơm chất lượng cao cũng tăng mạnh.
“Đối với các loại gạo chất lượng cao, những thị trường như Mỹ, EU đang có nhu cầu rất lớn và Việt Nam hiện không đủ nguồn cung“, ông Bình thông tin. Một số doanh nghiệp cũng đang tập trung cung ứng cho các khách hàng truyền thống ở Philippines, Trung Quốc và Indonesia…
Thời tiết cực đoan, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp khiến nhu cầu tiêu thụ và giá cả lương thực luôn trong xu hướng tăng.
Đây là cơ hội lớn cho các nước xuất khẩu lương thực như Việt Nam. Chỉ tiếc là theo tính toán của VFA, do không có sản lượng gối đầu như thường lệ nên năm nay nhiều khả năng chỉ có thể xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo; thấp hơn kế hoạch cũng như kết quả xuất khẩu năm 2022 khoảng 1 triệu tấn.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Thái Bình, 6 triệu tấn cũng là con số lớn và Việt Nam nên nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo Việt Nam.
Trong những năm gần đây, chúng ta đã làm khá tốt và bằng chứng là giá gạo Việt cũng được nâng lên một bước để bù đắp cho giá trị lao động của bà con nông dân.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi các sản phẩm chất lượng, an toàn và sản xuất bền vững. “Chính vì vậy, cơ hội tốt nhất của Việt Nam chính là tập trung nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường”, ông Bình bày tỏ quan điểm.
Ở góc độ quản lý ngành, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), thông tin: Trước nhu cầu tiêu thụ gạo, sản xuất cũng đang phát huy tối đa khả năng. Năm nay, diện tích gieo trồng đặt mục tiêu đạt trên 72 triệu ha, sản lượng trên 43 triệu tấn lúa, tăng nhẹ so với con số 42,6 triệu tấn của năm 2022. Hiện điều kiện nước cung cấp cho sản xuất đang thuận lợi và diện tích gieo trồng được khai thác triệt để. Với đặc thù của Việt Nam, chỉ cần 3 tháng là chúng ta đã có thể thu hoạch một vụ lúa nên vấn đề sản lượng không quá quan trọng. “Chúng tôi vẫn đảm bảo cơ cấu giống theo định hướng thị trường. Trong trường hợp cần thiết về chủng loại, sản lượng, chất lượng theo hợp đồng, VFA có thể cung cấp thông tin cho chúng tôi để phối hợp với các địa phương sản xuất”, ông Cường tự tin.
Sầu riêng “tỉ USD” trong tầm tay
Ngoài lúa gạo, rau quả cũng là một trong những ngành có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 4 tháng đầu năm, tăng 19,4%, tương đương giá trị gần 1,4 tỉ USD. Đáng chú ý trong nhóm ngành này phải kể đến sầu riêng. Số liệu của ngành hải quan cho biết, trong quý 1/2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt 153 triệu USD, tăng tới hơn 8,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái 2022, riêng thị trường Trung Quốc chiếm đến 87% thị phần với gần 134 triệu USD.
Xem thêm: Sầu riêng Việt có thể mang về 1 tỷ USD trong năm nay
Xuất khẩu nông sản giảm 13,3%
Kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành nông sản tháng 4 ước đạt 4,5 tỉ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 1,2 triệu USD so với tháng 3.2023.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nhóm ngành nông sản đạt 15,7 tỉ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như cà phê 1,7 tỉ USD, tăng 2,5%; rau quả 1,4 tỉ USD, tăng 19,4%; hạt điều 942 triệu USD, tăng 3,4%; gạo đạt 1,56 tỉ USD, tăng 54,5%.
Trao đổi với báo Thanh Niên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng ở miền Tây cho biết: Hiện tại đang vào vụ thu hoạch rộ nên giá sầu riêng có giảm so với thời điểm vụ nghịch (đầu năm).
Hiện giá mua sầu riêng chuẩn xuất khẩu khoảng 50.000 – 60.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng bảo đảm lợi nhuận và thị trường cũng dễ chấp nhận nên hoạt động xuất khẩu đang rất thuận lợi. Tuy nhiên, đây là giai đoạn sản phẩm của chúng ta đang bị cạnh tranh với nguồn hàng từ Thái Lan. Nhưng tiềm năng thị trường vẫn còn lớn nên vấn đề quan trọng là sầu riêng của Việt Nam phải đảm bảo tuân thủ đúng các yêu cầu của nước nhập khẩu.
“Lợi thế lớn nhất của sầu riêng Việt Nam gần như không có mùa và kéo dài gần như quanh năm. Nếu làm tốt, sầu riêng là cây trồng mang lại nhiều tỉ USD“, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khẳng định.
Còn theo Bản tin thị trường mới đây của Bộ NN-PTNT, trong quý 1 vừa qua tỷ trọng xuất khẩu sầu riêng đã vươn lên ngang hàng với thanh long ở thị trường Trung Quốc khi cùng đạt 23%; và: “Trong 3 tháng đầu năm, sầu riêng chưa vào chính vụ nên xuất khẩu chỉ mang tính cầm chừng. Bước sang tháng 4 – 5, nguồn cung sầu riêng bắt đầu lớn nên dự kiến xuất khẩu mặt hàng này sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Với tốc độ phát triển và điều kiện thuận lợi như hiện nay, sầu riêng sẽ trở thành mặt hàng tỉ USD ngay trong năm nay; toàn ngành rau quả sẽ tăng trưởng ít nhất 10% và đạt giá trị 4 tỉ USD”.
Theo Bộ NN-PTNT, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đang thuận lợi nhờ nhiều yếu tố. Cụ thể trong tháng 4, nhiều cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng thời gian hoạt động đến 22 giờ mỗi ngày. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt và cấp mã số cho 70 vùng trồng cùng 13 cơ sở đóng gói khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang nước này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý là thị trường này đang bắt đầu giảm nhập tiểu ngạch và tăng cường nhập khẩu chính ngạch.
Trong thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Cụ thể như kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ rau gia vị sang thị trường EU; tổ chức chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Vương quốc Anh nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam – Anh. Đối với thị trường Trung Quốc sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại với các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây.