Sau gần 16 năm thực hiện đề án bảo tồn nửa vời, buôn Buôr cổ người ÊĐê ở Tây Nguyên chỉ vỏn vẹn sót lại 18 ngôi nhà sàn, một số đã mục nát, nguy cơ bị xoá sổ.
Buôn Buôr (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) được chọn là 1 trong 44 điểm tham quan thuộc 3 tuyến du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Vào năm 2007, buôn Buôr được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát, đánh giá, kết luận là buôn làng cổ nhất của người ÊĐê ở Tây Nguyên.
Năm 2020, UBND huyện Cư Jút ban hành Quyết định số 2159/QĐ-UBND về việc điều chuyển tài sản thuộc công trình Bảo tồn buôn văn hóa truyền thống buôn Buôr về cho UBND xã Tâm Thắng quản lý sử dụng trong tình trạng nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn sử dụng được.
Nhiều nhà sàn có mái ngói, tôn hư hỏng nặng, ván gỗ mục nát phải chắp vá bằng tre, nứa, cầu thang rục gỗ vì mối mọt ăn, xiêu vẹo sắp đổ không còn có thể sửa chữa, bị bỏ hoang. Sự xuống cấp này ở buôn Buôr cổ không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan, mà còn tác động không nhỏ đến hoạt động quảng bá và lưu trữ những giá trị văn hoá vật thể của tỉnh Đắk Nông.
Ông YBa-KTul (SN 1965) trưởng buôn Buôr cho biết, sau khi dự án bảo tồn được phê duyệt, các hộ trong buôn có nhà sàn cổ cũng nhận được hỗ trợ từ chính quyền địa phương như tu sửa lại gỗ hư hỏng nặng bằng cách thay thế gỗ mới, nhà sàn mái tranh, ngói được lợp lại mái tôn vững chãi,… Tuy nhiên, nhiều năm nay, việc tôn tạo, sửa chữa không còn được tiếp tục.
Theo thống kê của chính quyền địa phương, hiện ở buôn Buôr chỉ còn 18 ngôi nhà sàn, trong đó có khoảng 7 căn nhà được người dân sử dụng thường xuyên nên còn giữ được dáng dấp và thiết kế ban đầu, 11 ngôi nhà sàn còn lại đã xuống cấp nghiêm trọng, một số căn được bà con di dời vào nương, rẫy để dựng lại mới.
Người đồng bào ÊĐê ở buôn Buôr đời sống kinh tế còn rất khó khăn, nhiều hộ gia đình không đủ khả năng tự sửa chữa vì giá thành gỗ tốt đắt đỏ. Trong khi đó, chi phí xây dựng nhà gạch hiện đại lại thấp hơn, nhiều hộ đã đưa ra lựa chọn dỡ bỏ để xây nhà mới hoặc bán nhà sàn để có tiền trang trải cho việc làm nhà mới.
Bà HBim-KTul (SN 1944) cho biết, gia đình vừa bán ngôi nhà sàn cổ với giá 100 triệu đồng cách đây gần 5 tháng. Mặc dù bán đi ngôi nhà sàn gắn bó nhiều năm khiến bà buồn và tiếc nuối, thế nhưng nếu cứ để không như vậy, nhà sàn sẽ ngày một rục đi, gỗ hư hỏng nghiêm trọng, không còn giá trị nữa.
Tương tự, Bà HDuar-ÊBan (SN 1950) sinh sống tại một trong những ngôi nhà sàn lâu đời nhất buôn, được dựng từ trước năm 1975 chia sẻ, mỗi năm nhà sàn lại xuống cấp thêm, các vách ván mục rỗng vì mối ăn được sửa tạm bợ bằng những đan tre, nứa,… Cứ mỗi lần vào mùa mưa hoặc thời tiết xấu, bà lại nơm nớp lo sợ ngôi nhà sàn xập xệ của mình sẽ đổ lúc nào không hay.
Trước đó, dự án bảo tồn với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư cũng đã được phê duyệt. Mục tiêu ban đầu của dự án là bảo vệ công trình văn hóa vật thể của đồng bào, đặc biệt là phần nhà sàn cổ và bến nước. Tuy nhiên, đến nay do kinh phí hạn hẹp nên các công trình phục dựng, sửa chữa và bảo tồn ngôi nhà sàn cổ ở buôn Buôr vẫn không được triển khai thực hiện.
Đáng chú ý, bến nước-nơi linh thiêng tổ chức các nghi lễ truyền thống của đồng bào ÊĐê đến nay đã bị sông Sêrêpốk nhấn chìm, giếng làng mát lành đầu buôn cũng hoàn toàn bị chôn vùi dưới lớp bèo trôi,… Đặc biệt, các cổ vật như chiêng, ché, trống da trâu, ghế K’pan,… bị một số hộ gia đình bán gần hết.
Ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng cho biết, việc bảo tồn, lưu giữ các giá trị vật thể, đặc biệt là các nhà sàn cổ, cổ vật tại buôn Buôr rất quan trọng. Nhiều ngôi sàn đã tự sụp đổ vì trong thời gian dài không có kinh phí tiếp tục bảo tồn.
“Hiện nay, không gian sinh hoạt của bà con cũng không còn phù hợp với nhà sàn, chúng tôi cố gắng cũng chỉ có thể lưu giữ được một vài nhà sàn mang tính đặc trưng, đảm bảo vẫn còn một chút không gian của buôn cổ”, ông Quang cho hay.