Gia Lai tập trung phát triển cà phê đặc sản

Với mục tiêu trong Kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê của tỉnh Gia Lai, giai đoạn năm 2022 – 2025, địa phương sẽ trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng gần 9.500 ha cà phê.

Không mở rộng diện tích để tập trung nâng cao chất lượng, giá trị cà phê thông qua việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu đang là mục tiêu mà tỉnh Gia Lai hướng đến đối với loại cây trồng này.

Người dân Gia Lai thu hái chọn lọc quả cà phê chín để đảm bảo quy trình sản xuất cà phê đặc sản.
Người dân Gia Lai thu hái chọn lọc quả cà phê chín để đảm bảo quy trình sản xuất cà phê đặc sản.

Hiện, diện tích cà phê toàn tỉnh Gia Lai đạt gần 99.000 ha, năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha, tổng sản lượng cà phê đạt hơn 267.000 tấn. Sản phẩm cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chính với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 490 triệu USD, chiếm gần 71% tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản hàng hóa của tỉnh Gia Lai.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, sản xuất cà phê đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp. Thông qua sản xuất cà phê, đời sống người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ gia đình khá, hộ gia đình giàu ngày càng tăng; trong đó, có một bộ phận không nhỏ là bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025, Gia Lai không mở rộng diện tích, duy trì ổn định khoảng 98.000 – 100.000 ha cà phê. Bên cạnh đó, phát triển cà phê không lấn chiếm, gây ảnh hưởng đến đất rừng. Đặc biệt, Gia Lai sẽ tập trung nâng cao chất lượng, giá trị cà phê thông qua việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, hướng tới thị trường xuất khẩu.

Ông Lê Hữu Anh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh, huyện Đăk Đoa cho rằng, trước đây cà phê ở Việt Nam mang tính chất nguyên liệu nhưng  hiện nay, cà phê đã được chế biến thành đặc sản, đáp ứng được nhu cầu của thế giới. Chính vì vậy, đây là cơ hội lớn để đưa cà phê Việt Nam lên bước phát triển mới về sản phẩm.

Việc phát triển vùng nguyên cà phê liệu sạch càng có ý nghĩa hơn, xây dựng được câu chuyện của hạt cà phê. Đây là yếu tố nhân văn, được người nước ngoài quan tâm khi phát triển vùng cà phê, từ đó, xây dựng được thương hiệu cà phê, văn hóa trồng cà phê.

Muốn cà phê đứng vững trên thị trường quốc tế cần minh bạch vùng nguyên liệu, tập trung bảo vệ cho người nông dân canh tác hữu cơ, canh tác sạch; phát triển cà phê bền vững sẽ đem lại lợi ích cho người nông dân, doanh nghiệp và môi trường“, ông Hữu Anh cho biết.

Ngành cà phê giả quyết được công ăn việc làm cho hàng ngàn nông dân Gia Lai.
Ngành cà phê giả quyết được công ăn việc làm cho hàng ngàn nông dân Gia Lai.

Trong những năm gần đây, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất cà phê sạch để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm cà phê nhân xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê bền vững và một phần sản phẩm cà phê đặc sản, nhằm thâm nhập vào các thị trưởng có tiềm năng trong nước và xuất khẩu. Điển hình là cà phê Thu Hà, cà phê Tamba, Classic Coffee, L’amant Café … đã có mặt ở khắp các tỉnh thành trong nước và bước đầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.

Ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết, diện tích cà phê đặc sản của tỉnh khoảng hơn 200 ha, sản lượng 62 tấn. Sản lượng cà phê đặc sản không thể thu hoạch 100% diện tích vì chế biến loại cà phê này phải chọn lựa từng hạt chín đảm bảo chất lượng, nên chỉ chiếm khoảng 3-12% tổng sản lượng thu  hoạch trên toàn diện tích trồng.

Cũng theo ông Khải, Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 phát triển diện tích cà phê vối đặc sản khoảng1.200 ha, sản lượng khoảng 620 tấn. Trên địa bàn tỉnh hiện có một số sản phẩm cà phê chất lượng cao như cà phê Thu Hà, cà phê BaKa, cà phê Classic, cà phê Thùy Dung, cà phê L’amant…

Hiện, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đang nghiên cứu tham mưu, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản tại địa phương để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu sản phẩm cà phê, đáp ứng nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Theo đề án phát triển cà phê đặc sản ở Gia Lai, giai đoạn 2021-2025 sẽ hình thành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển cà phê đặc sản, xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Gia Lai sẽ phát triển diện tích cà phê Robusta đặc sản khoảng 1.200 ha, bằng 1,2% diện tích cà phê toàn tỉnh. Đến giai đoạn 2026-2030, phát triển diện tích cà phê vối đặc sản khoảng 2.300 ha, bằng 2,4% diện tích cà phê toàn tỉnh.

Xem thêm:

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng