Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cà phê Việt – có cần động lực?

Sản lượng cà phê Việt xuất khẩu ngày càng tăng nhưng mức độ tín nhiệm vẫn còn hạn chế. Sở hữu nét văn hóa cà phê mang đậm bản sắc và điều kiện tự nhiên thuận lợi như khu vực địa lý, khí hậu, đất trồng, Việt Nam có thể quảng bá danh tiếng, chất lượng cà phê của quê hương bằng con đường sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Việc chưa khai thác triệt để các loại tài sản trí tuệ như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý dẫn đến thời gian qua chúng ta gần như bỏ quên rất nhiều khoảng trống giá trị gia tăng của cà phê. Ảnh: N.K

Khai thác thương mại từ chỉ dẫn địa lý

Chỉ dẫn địa lý là một loại tài sản trí tuệ đặc biệt gắn liền với yếu tố địa lý từng vùng miền. Chỉ dẫn địa lý theo định nghĩa trong luật là những dấu hiệu chỉ ra nguồn gốc của sản phẩm được sản xuất, có thể là một khu vực địa lý nhất định, một địa phương, vùng lãnh thổ hoặc tại một quốc gia cụ thể. Đây còn là một hệ giá trị quan trọng trong truyền thông thương hiệu, bởi hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý sẽ thể hiện dấu hiệu đặc trưng, chất lượng của sản phẩm.

Hàng năm, cà phê Việt Nam đều đạt những kết quả tích cực với sản lượng xuất khẩu đạt kỷ lục sang các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Việc tự tin khẳng định rằng cà phê là “nông sản quốc gia” của Việt Nam là hoàn toàn hợp lý. Nhưng có một nghịch lý đối với thương hiệu, đó là cà phê Việt Nam chưa thật sự cạnh tranh với các bạn hàng quốc tế khác như Brazil, Columbia. Thay vì cứ chạy theo số lượng, các đơn vị sản xuất, các bên trung gian cần nhìn nhận một cách sâu sắc lại về thương hiệu và chất lượng của cà phê.

Trong chuỗi giá trị của cà phê Việt Nam hiện nay đang thiếu sót rất lớn về mặt truyền thông thương hiệu. Việc chưa khai thác triệt để các loại tài sản trí tuệ như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý dẫn đến thời gian qua chúng ta gần như bỏ quên rất nhiều khoảng trống giá trị gia tăng của cà phê.

Cụ thể là các mặt hàng cà phê xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu chỉ ở dạng nguyên liệu thô, phần lớn là cà phê nhân chiếm nhiều hơn cà phê được chế biến sâu. Đối với chủng loại cà phê, sản lượng cà phê giống arabica và giống robusta chênh lệch với sản lượng robusta có phần nổi trội hơn. Mặc dù có thế mạnh về thị trường cà phê robusta, nhưng ta hầu như rất bấp bênh với giá bán.

Các đối tác nhập khẩu của Việt Nam thông thường mua cà phê và sau đó chế biến, đóng gói, đem bán ra thị trường khác dưới nhãn hiệu của các doanh nghiệp ở nước ngoài. Chúng ta chỉ đóng vai trò là nguồn nguyên liệu trong chuỗi cung ứng của họ. Như vậy, Việt Nam ở đâu trên tách cà phê mà họ đang uống? Làm sao để họ biết đến nhiều hơn về mặt giá trị của cà phê Việt Nam?

Hiện nay, pháp luật về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đã quy định tương đối đầy đủ các điều kiện cơ bản để bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Theo điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được sản xuất ra đáp ứng các tiêu chí sau: (1) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc tương ứng; (2) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực quyết định.

Trong đó, danh tiếng của sản phẩm được xác định bằng độ tín nhiệm của người tiêu dùng thông qua mức độ rộng rãi của người tiêu dùng biết và lựa chọn sản phẩm đó. Chất lượng, đặc tính của sản phẩm được xác định bằng các chỉ tiêu định tính, định lượng và các cách thức khác gắn với phương tiện kỹ thuật. Hiện nay số lượng các chỉ dẫn địa lý cho cà phê còn khiêm tốn.

Gần đây nhất, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định 5372/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00125 cho sản phẩm cà phê từ “Gia Lai”. Trên hành trình chinh phục văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý của cà phê Gia Lai, các đơn vị sản xuất phải nỗ lực cải thiện chất lượng để đạt chuẩn các chỉ tiêu về vùng trồng cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế, đạt các yêu cầu trong thẩm định chất lượng, hương vị hạt cà phê, ví dụ độ chua của cà phê, hậu vị sau uống…

Khi có được chứng nhận bảo hộ, đó là tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng thương hiệu cà phê Gia Lai, mở rộng và truyền bá danh tiếng của cà phê phố núi, tạo lòng tin cho người tiêu dùng ở cả thị trường nội địa và ngoại quốc. Bà con nông dân cũng là những người được hưởng lợi.

Định vị cà phê bằng văn hóa Việt

Chỉ dẫn địa lý nên là một mục tiêu dài hạn. Chất lượng của hạt cà phê sẽ được chú trọng nhờ có chỉ dẫn địa lý làm kim chỉ nam. Ngoài chất lượng, văn hóa cà phê cũng được lan truyền thông qua chỉ dẫn địa lý do chức năng giúp duy trì và bảo tồn các tri thức văn hóa, truyền thống vùng miền, đặc sản địa phương.

Tại Việt Nam, cà phê không chỉ là một thức uống giúp tỉnh táo, mà còn là một nét văn hóa. Phong cách thưởng thức cà phê của người Việt chậm rãi, sâu lắng, mang nhiều thi vị. Nhâm nhi bên ly cà phê có thể là một nguồn cảm hứng nghệ thuật, là khoảng không để suy tư. Tất cả các yếu tố trên tổng hòa tạo ra một hình ảnh văn hóa cà phê Việt Nam.

Về đối tượng sản phẩm, theo định nghĩa trong Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu để chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Như vậy sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý không bị giới hạn bởi các sản phẩm là nguyên liệu thô, mà còn có thể là các sản phẩm được gia công, hoặc trải qua nhiều công đoạn, quy trình sản xuất truyền thống, có sự khéo léo kỹ xảo của con người.

Liệu trong tương lai, chỉ dẫn địa lý cà phê và các sản phẩm làm từ cà phê như mỹ phẩm, giày, thực phẩm, hàng hóa thủ công mỹ nghệ… được sản xuất tại khu vực địa lý cụ thể có được phát triển để bảo hộ chỉ dẫn địa lý hay không?

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một công cụ chính sách hiệu quả và cũng là phương tiện giúp doanh nghiệp Việt Nam đi ra thế giới. Việc Nhà nước công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý là động lực để bà con nông dân, nhà sản xuất cải thiện năng suất. Và khi được bảo hộ, đó là cơ hội để doanh nghiệp không ngừng tiếp tục cải thiện chất lượng, duy trì hình ảnh thương hiệu, truyền thông văn hóa cà phê. Trong dài hạn, những tác động tích cực của chỉ dẫn địa lý không những giúp duy trì danh tiếng mà có thể tạo ra sự phát triển bền vững ở vùng kinh tế nông thôn.

Các nhà sản xuất địa phương, chính quyền các cấp cần triển khai, hỗ trợ hợp tác cùng nông dân nghiên cứu triển vọng về vùng trồng, phát triển chất lượng, danh tiếng sản phẩm để hướng đến mục tiêu đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

>> Xuất khẩu thứ 2 thế giới: Cà phê Việt chưa có thương hiệu tầm cỡ và bỏ trống gia tăng giá trị

Phan Ngọc Trâm 
Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, Trường Đại học Kinh tế TPHCM

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng