Vỡ mộng đầu cơ đất nông nghiệp ở Tây Nguyên

Quãng thời gian sốt đất ở khắp các địa phương trong vùng Tây Nguyên đã qua. Thực tế, không ít nhà đầu tư, người dân đã ôm “trái đắng” khi trót đầu tư vào đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tràn lan nhằm phân lô bán nền…

Cơ hội sinh lợi?

Anh H.H.Đ – một “cò đất chính hiệu” ở thị trấn Phước An (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) – chia sẻ: “Đất nông nghiệp luôn là điểm hẹn màu mỡ cho những ý tưởng đầu tư vào đất để cầu sinh lợi nhanh chóng.

Ngạch đất này luôn là đối tượng nhắm đến của các dự án quy hoạch phát triển, do giá đền bù thấp, giải tỏa nhanh. Chỉ cần có thông tin mảng ruộng rẫy nào đó ở gần một tuyến giao thông hay khu hành chính sẽ mở, người đầu tư sẽ quan tâm chuyển đổi quyền sở hữu, để hưởng chính sách về sau.

Theo anh H.H.Đ, cơ hội chuyển nhượng là có thật, vì trong các chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 30% diện tích có thể chuyển mục đích để làm nhà ở. Chỉ cần người dân làm hồ sơ, trình với cơ quan quản lý (cấp xã, phường) là có thể nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất.

Đây là lý do để những đợt cao điểm “sốt đất”, nhiều phường xã ở Đắk Lắk ngập tràn hồ sơ xin chuyển nhượng đất; còn giá chuyển nhượng đất trong dân tăng chênh lệch theo lô, sào… từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng.

dau tu dat nong nghiep
Cách đây hai năm, đất nông nghiệp là điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư bất động sản. Ảnh: Bảo Trung

Anh N.V.T, cũng là một “cò đất” với hơn 10 năm trong nghề (phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột), nhận định rằng: “Đất canh tác nông nghiệp luôn gắn với những cơ hội triển khai các dự án, ý tưởng đầu tư sinh lợi mà mục đích cuối cùng, hợp lý vẫn là phải trở thành một phần đất thổ cư để giá trị tăng gấp chục lần.

Người đầu tư khôn ngoan sẽ chỉ bỏ một ít tiền ký chuyển nhượng đất canh tác với người nông dân, để có một diện tích ruộng vườn nhất định, sau đó lập các dự án làm trang trại, điểm du lịch sinh thái, địa chỉ trồng cây cao sản… thậm chí thành lập cả hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ.

Khi có các dự án này rồi, người đầu tư cứ thong thả vừa tổ chức sản xuất đúng mục đích sử dụng theo giấy chứng nhận vốn có ở người nông dân. Tiếp đó, họ vừa đăng ký mở tăng diện tích đất sử dụng, xây dựng nhà ở, phòng nghỉ, kho…

Thực tế, trong bối cảnh canh tác nông nghiệp khó khăn, người nông dân đối diện những khó khăn tài chính sẽ dễ mềm lòng với lý lẽ của những người môi giới rồi cắt nhượng một phần đất canh tác của họ. Và những người có ý định đầu tư sinh lợi nhanh cũng sẵn sàng đặt cọc mua đất nông nghiệp.

Chấm dứt ảo tưởng

Thực tế, tốc độ phát triển đời sống và dự án đô thị hóa ở các địa phương, tại Tây Nguyên thời gian qua, đã làm nảy sinh những cơ hội mời chào, kết nối sở hữu đất nông nghiệp như cách H.H.Đ và nhiều người môi giới khác đưa ra.

Hàng trăm hécta đất nông nghiệp, qua các tầng nấc mua bán, hồ sơ chuyển nhượng này, đã biến thành các khu vực dự án đô thị, cụm dân cư, khu sinh thái… một cách tự phát, làm rối loạn thị trường và gây tác hại lớn lao.

Đơn cử, tại địa bàn TP.Buôn Ma Thuột, trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2021, UBND xã Cư Êbur đã phát hiện hơn 125 trường hợp vi phạm xây dựng, sử dụng đất sai mục đích, xây trái phép trên đất nông nghiệp. Ngoài ra, tháng 4 vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện khu Đồi Chuối rộng lớn giữa phường Tân Lợi và xã Cư Êbur với tổng diện tích khoảng 30 ha bị băm nát, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

phan lo ban nen o dak lak
Phân lô bán nền là vấn nạn đang rất khó xử lý triệt để ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung

Tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giá cả chuyển nhượng đất đai tăng nhanh chóng, không thể kiểm soát, đến mức nhiều người nông dân không giữ được chính nền đất nhà mình. Những khu vực đất canh tác màu mỡ lại biến thành dự án chờ, bị tự ý phân lô để nhà cửa mọc lên.

Việc gieo trồng bị bỏ bê, người nông dân mất đất sản xuất, ngồi nhìn chính mảnh ruộng khu vườn bị bỏ hoang sau chuyển nhượng. Việc quản lý canh tác nông nghiệp của cơ quan chức năng gặp khó khăn và diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, báo động nguy cơ an ninh lương thực, an ninh nông nghiệp…

Mặc dù các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã hết sức cảnh báo, nhắc nhở người dân không nên tự ý cắt ruộng nhượng vườn, nhất là kiên định không chấp nhận chuyển quyền sử dụng đất canh tác thành thổ cư, nhưng với ước mơ làm giàu nhanh, nhiều người chấp nhận đầu tư mạo hiểm, hiểu sai mục đích đầu tư phát triển thành đầu cơ trục lợi, dẫn đến các khu vực canh tác nông nghiệp càng bị hoang hóa, chất lượng đất suy thoái trầm trọng.

Không ít nhà tư vấn trong lĩnh vực bất động sản đã khuyến cáo, trong xu thế siết chặt quản lý đất đai, Luật đất đai sẽ hướng đến những tiêu chí quan trọng về quy hoạch, bảo vệ quy hoạch các địa phương. Tất nhiên, trong tương lai gần sẽ không còn cảnh đất canh tác nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng một cách tràn lan như hiện nay. Nhiều khu đất sẽ trở lại đúng giá trị ban đầu của nó.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Đình Thủy

    Một bài báo chỉ toàn dùng khía cạnh tiêu cực về thị trường bất động sản, về tình trạng phân lô bán nền hay mua bán đất nông nghiệp mà không có đánh giá tích cực nào. Hãy nhìn vào tích cực trọng thời gian vừa qua thị trường mua bán đất nền cũng như đất NN tăng tạo cơ hội cho nhà đầu tư cũng như người dân, bản làng thay đổi bộ mặt nông thôn được đô thị hóa, khu dân cư mọc lên nhiều hơn, thu hút người dân các tỉnh khác đổ tiền về thay vì đổ vào các thành phố lớn. Từ túp liều, nhà gỗ xiên vẹo người dân bán đi ít đất có tiền xây nhà cửa kiên cố chống lại mùa mưa bão nắng nóng, hay những con đường gồ gề khó đi nay được NDT mua đất trãi nhựa hoặc bê tông giúp người dân dễ dàng đi lại hơn vận chuyển cho sản xuất nhanh hơn, hay những mãnh đất đơn thuần nông nghiệp có tiềm năng du lịch được nhà đầu tư làm homstay, khu lưu trú thu hút khách du lịch đến tăng nguồn thu cho đia phương người dân cũng hưởng lợi từ du lịch . Hoặc sau khi bán một vài mảnh đất người dân có tiền đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao hơn là làm nông nghiệp thủ công như ngày xưa…..rất nhiều điểm sáng tại sao không nhìn vào.

    1. Vyvy

      Tôi nhất trí với ý kiến của Đình Thủy, một bài báo chỉ mang đầy tính lí thuyết, cái gì mà báo động nguy cơ an ninh lương thực, an ninh nông nghiệp, viết xa vời quá tác giả ơi. Tôi chẳng thấy có cái gì gọi là bất ổn mà thấy nhờ những nhà đầu tư BĐS mà cuộc sống của chúng tôi tốt hơn rất nhiều. Cả một đời nghèo khổ bán mặt cho đất bán lưng cho trời ai mà không muốn đổi đời chứ, làm quần quật cả năm thu hoạch xong thì giá thấp chưa nói mất mùa này kia không bị lỗ thì đã còn may, thà bán đi mấy xào đất xây được căn nhà khang trang, mua được chiếc xe ôtô tránh mưa nắng còn có tiền cho con cái làm vốn là mong ước của chúng tôi đấy. Thuận mua vừa bán là lẽ thường tình đừng làm quá mọi việc lên như thế.

    2. Nguyễn tuệ

      Theo bạn thì nên cạo hết rừng và san bằng đồi núi đi để phân lô bán nền xây dựng toàn bê tông cốt thép thay thế cho cây xanh mới đúng phải ko?

  2. Nguyễn viết Thắng

    Do giá nông sản thấp còn chuyển đổi đất thổ cư bán được giá cao lợi nhuận trước mắt nên nảy lòng tham vì mất cân bằng.
    Một miếng bánh quá bé một đằng quá to chọn phần to là đương nhiên rồi.

    Muốn lấy lại cân bằng hãy tạo điều kiện sản xuất nông nghiệp đồng thời xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân vừa sinh lời cho nhà nước vừa ổn định giá cả hợp lý. Họ làm nông lãi cao được thu trong nhiều năm mà vẫn giữ được đất sẽ loại bỏ được tình trạng đổi mục đích sử dụng đất tràn lan. Thu mua nhưng cũng phải đưa ra tiêu chí sản phẩm nhằm thúc đẩy bà con hướng đến khoa học kỹ thuật nhiều hơn làm ra sản phẩm chất lượng đồng thời hướng dẫn về kỹ thuật để mở ra con đường đúng chuẩn và nhanh cho họ không bị lạc lối.

    Bán các mặt hàng máy móc tốt để họ hướng đến khoa học, phân bón thuốc bảo vệ thực vật. Hãy nghĩ đến làm nông giống như một trang trại gà của người dân Nhật Bản một quả trứng bán mấy trăm cá triệu tiền VN. Khi kinh tế mạnh rồi có thể lấn sân qua những lĩnh vực khác như các ngành công nghiệp nặng chế tạo các loại máy móc thậm chí là thiết bị quân sự và bán dẫn

Tin đã đăng