Hơn 10 năm trước, gia đình ông Nguyễn Vũ Trang ở thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập – Bình Phước, thành viên Hợp tác xã nông – lâm nghiệp, dịch vụ Phú Văn xuống giống 200 cây bơ sáp.
Hiện toàn bộ diện tích này đã cho trái, năng suất trung bình hơn 200kg/cây/vụ.
Ông Trang cho biết: Trồng bơ không khó, chăm sóc cũng dễ, lợi nhuận cao hơn so với trồng điều, cao su hoặc một số loại cây ăn trái khác. Nếu năm 2022, giá bơ tụt dốc, có thời điểm chỉ khoảng 6.000 đồng/kg thì ở thời điểm hiện tại giá bơ tương đối cao, dao động từ 17-25 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, dự tính vụ bơ năm nay gia đình thu không dưới 500 triệu đồng. Hiện thương lái các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông đã về đặt hàng mà chưa có để giao.
Theo các hộ trồng bơ, cây bơ sáp sinh trưởng rất tốt ở khu vực đất đỏ hay đất xám. Bơ cũng ít sâu bệnh hại, ngoài một số loài hay gặp như rệp sáp, bọ xít và bệnh do nấm phytophthora gây ra.
Để phòng trừ sâu bệnh hại, mỗi năm người trồng phun các loại thuốc trừ nấm 2 lần và phòng trừ bọ xít 3 lần vào giai đoạn trái non bằng chế phẩm và các loại thuốc có nguồn gốc sinh học.
Đồng thời tỉa cành, tạo tán giúp cây bơ thông thoáng sau mỗi đợt thu hoạch. Việc chăm sóc cây bơ tương đối nhàn, chỉ cần bón phân từ 1-2 lần khi cây còn nhỏ, không tốn nhiều công so với các loại cây khác.
Ông Phan Quang Thinh, Giám đốc Hợp tác xã nông – lâm nghiệp, dịch vụ Phú Văn cho biết: Trên địa bàn xã Phú Văn hiện có khoảng 10 ha bơ. Mấy năm nay giá bơ thất thường, có thời điểm xuống thấp gây khó khăn cho người dân. Do vậy, hợp tác xã định hướng liên kết với các công ty xuất khẩu để có đầu ra cho nông dân thì mới mong cây bơ có giá trị kinh tế cao.
Bơ cũng như nhiều loại cây ăn trái khác, giá không ổn định, có năm rất cao, nhưng có năm lại xuống thấp. Để cây bơ phát triển lâu dài, bền vững, yêu cầu đặt ra là phải liên kết chuỗi sản xuất. Do vậy, rất cần các cấp, ngành chức năng chung tay kêu gọi doanh nghiệp tạo ra chuỗi sản phẩm từ trồng, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng được mùa – mất giá.