David Thái: Vì một thương hiệu toàn cầu cho cà phê Việt

Ngay từ cái bắt tay đầu tiên tôi đã có cảm tình với anh bởi phong cách giản dị, dễ gần. Anh nói tiếng Việt chưa được nhuần nhuyễn nhưng sự lịch lãm và cách nói khúc triết của anh khiến người nghe dễ dàng thông hiểu và nhanh chóng bị cuốn vào câu chuyện.

Một câu chuyện đầy hoài bão của một doanh nhân trẻ về giấc mơ cà phê Việt Nam mang tầm quốc tế.

Highlands-coffee-david
David Thái

Anh trở nên nổi tiếng ngay từ những cửa hàng Highlands Coffee đầu tiên. Vậy nhưng anh lại rất “kín tiếng”. Vì sao vậy?

Sự thành công của Công ty chúng tôi dựa vào những cống hiến và nỗ lực của một tập thể và trong đó tôi là một người lãnh đạo của Công ty với vai trò định hướng và đưa ra tầm nhìn chiến lược. Với vai trò này, tôi không muốn làm mờ đi sự đóng góp của một tập thể.

Tôi rất vui khi anh nhận lời và dành thời gian cho buổi phỏng vấn. Vì lời mời của Phong Cách Doanh Nhân, hay vì đã đến thời điểm anh cần “lên tiếng”.

(Cười). Vì cả hai điều. Vào thời điểm này, chúng tôi đã có một vị trí trên lĩnh vực của mình vì vậy chúng tôi muốn đưa ra những thông điệp của mình để thể được những cam kết cùng với những hoài bão của tôi và của cả tập thể Công ty chúng tôi. Chúng tôi tin rằng, câu chuyện này sẽ truyền tải được sự đam mê đến với khách hàng của mình

Anh trở về Việt Nam khi đang là một sinh viên giỏi, có nhiều cơ hội trên đất Mỹ, điều này có gì đặc biệt không?

Thực sự tôi luôn muốn trở về Việt Nam là để tìm lại cội nguồn của mình. Và khi có điều kiện là tôi trở về thôi.

Đó là khi nào?

Đó là khi tôi giành được học bổng. (Cười).

Được biết anh học triết và đã giành được học bổng từ môn này, sao anh không tiếp tục với nó mà lại chọn Đại học bách khoa Hà Nội?

Tôi luôn muốn khám phá, luôn khao khát và mơ ước làm được những điều khác biệt vì vậy tôi chọn Đại học bách khoa Hà Nội vì ở đây có những môn học về ngôn ngữ, văn học, lịch sử …gắn liền với văn hoá và triết lý của người Việt Nam. Đó là điều tôi thiếu và cần để bổ sung cho kiến thức triết học của tôi lúc đó.

Được biết, anh đã phải loay hoay vừa học vừa làm để mưu sinh. Gia đình anh ở Mỹ, chắc chắn là đủ điều kiện để lo cho anh mà?

Theo tôi, là thanh niên thì không nên trông cậy vào gia đình nhiều quá. Gia đình tôi cũng chẳng giàu có gì đâu. Ngày tôi còn học phổ thông, gia đình tôi không đủ tiêu kiện cho tôi vào học ở một trường được coi là khá tốt ở trong vùng tôi ở lúc đó, vì trường này chỉ nhận con nhà giàu. Nhờ một người khá giả quen với gia đình mà cuối cùng tôi cũng được vào học ở đây. Mọi thứ cuối cùng cũng ổn, tôi vẫn học tốt, vẫn có những người bạn thân chẳng cần hỏi tôi từ đâu đến.

Anh đã làm những công việc gì?

Khi còn là sinh viên tại Đại học bách khoa Hà nội, Tôi làm tình nguyện viên hỗ trợ các tổng giám đốc (CEO) của tạp chí Time trong chương trình “Time News Tour” năm 1995. Năm đó, Time cần người hỗ trợ các CEO để phiên dịch và giúp các viêc lặt vặt. Lúc đó tôi có ngân sách để sống là 6 USD/ngày và việc này cũng giúp tôi có thêm tiền để sinh hoạt.

Anh nghĩ đến Highlands Coffee khi nào?

Ngay từ những năm đó, tôi đã nghĩ đến một quy mô cho cà phê Việt Nam. Nhưng khi đó người nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục. Nhưng chính thời gian phải chờ đợi này đã giúp tôi có dịp tìm hiểu nhiều hơn về cà phê, tôi nhận ra rằng, người chế biến cà phê ở Việt Nam thường trộn cà phê xẻ và cà phê vối vào nhau không theo một tỷ lệ thích hợp nên không thể nào cho ra một chất lượng cà phê hoàn hảo được. Phương pháp ran trộn và sao tẩm cà phê này đã làm mất đi rất nhiều ưu điểm đặc trưng của cà phê. Tôi đã nhiều lần đến tận nông trường, trò chuyện với những nông dân, tôi hiểu ra rằng nếu chú ý đến khâu trồng cà phê hơn thì sẽ có nhiều loại cà phê tốt hơn rất nhiều. Từ đây, tôi đã xác định cho mình một hướng đi mới, tôi tìm đến với sự tinh khiết của cà phê. Tôi đã nghiên cứu và tìm tới những phương pháp rang xay cà phê mới mang tính đột phá vào thời điểm lúc bấy giờ mang đi giao cho các quán cà phê. Chính thời gian này đã giúp tôi học hỏi được rất nhiều điều.

Khi chuẩn bị đầu tư, anh nghĩ nhiều đến các khách hàng nào?

Hồi còn ở quán cà phê đầu tiên tôi đã quan sát thấy một điều, ca sáng thường ít khách nhưng ca tối lại rất nhiều. Một điều đặc biệt nữa là, buổi sáng thường chỉ thấy một ông Tây ngồi một bàn nhâm nhi cà phê nhưng buổi tối thì một bàn có đến bốn năm người, có khi sáu bảy người. Người Việt Nam mình có thói quen đi cà phê là rủ nhau, đến quán cà phê nhiều khi chỉ là cái cớ, họ đến quán cà phê để gặp gỡ hàn huyên là chính. Và như thế thì chủ đầu tư rất có lợi, tiết kiệm được diện tích, một nhân viên có thể phục vụ được nhiều khách. Điều này quả là tuyệt vời. Và như thế thì không có lý do gì mà mình không tạo cho khách hàng một điểm để gặp gỡ, trò chuyện tốt nhất, lý tưởng nhất.

Highland rất phổ biến ở Việt Nam và nhanh chóng giành được uy tín trong người tiêu dùng và doanh nghiệp, làm thế nào anh đạt được thành công như vậy?

Highland coffee đã đầu tư đúng hướng và đã đem đến cho khách hàng một không gian cho khách hang để gặp gỡ hoặc thư giãn với sản phẩm và chất lượng phục vụ đẳng cấp quốc tế.

Vì sao Highland coffee lại tập trung vào các khách hàng trung lưu trở lên?

Thống kê dân số cho thấy đa số người Việt Nam là trẻ. Chúng tôi là một công ty Việt Nam thuần túy nhưng chúng tôi có giấc mơ của một doanh nghiệp Việt thành công trên thị trường toàn cầu

Theo anh, khó khăn của anh trong việc xây dựng thương hiệu là gì?

Có rất nhiều khó khăn, trở ngại. Nhưng chúng tôi đã quyết tâm vượt qua các thử thách đó, chúng tôi không lùi bước và đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ như ngày hôm nay. Xây dựng một công ty và một thương hiệu là công việc cực kỳ khó khăn, phải đam mê và quyết tâm đến tận cùng. Điều này không thể có nhượng bộ.

1565783-Highland_Coffee-Ho_Chi_Minh_City
David Thái: Vì một thương hiệu toàn cầu cho cà phê Việt

Highland có kế hoạch phát triển thương hiệu ra các thị trường khác trong khu vực không?

Hàng tháng chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu của công ty và cá nhân trong và ngoài nước về việc nhượng quyền thương hiệu. Đây là thành quả của hướng đi đã được định hình từ những ngày đầu phôi thai về một thương hiệu Việt Nam mang tầm quốc tế. Nhu cầu về lĩnh vực này vô cùng tiềm năng nhưng trước khi tham gia thị trường quốc tế, chúng tôi cần phát triển một giải pháp trọn gói (chìa khóa trao tay). Đây là một mô hình cho phép một đối tác của Công ty chúng tôi có thể thành công trong hoạt đông kinh doanh với sự đảm bảo mang tính bền vững về mặt lợi ích.

Anh nghĩ gì về phương thức kinh doanh của nhượng quyền thương hiệu?

Trong tương lai, chúng tôi tin rằng thị trường sẽ tốt hơn cho xu hướng nhượng quyền thương hiệu. Cả hai phía, năng lực của bên được nhượng quyền và mức độ chuyên nghiệp, tính hiệu quả của bên nhượng quyền có thể đảm bảo một hệ thống đem lợi ích lâu dài, bền vững cho cả hai bên. Sở dĩ chúng tôi đi đến giải pháp chìa khóa trao tay là để giảm thiểu rủi ro trong nhượng quyền thương hiệu.

Chúng tôi tin rằng người nhượng quyền có trách nhiệm là phải cung cấp một phương thức kinh doanh mang tính hiệu quả lâu dài. Vấn đề không phải là cố lấy cho được phí chuyển nhượng cao mà phải nhận thức được lợi ích lâu dài là làm sao để tạo được doanh thu cho các cửa hàn nhượng quyền để từ đó có được các khoản thu từ phí bản quyền.

Anh hay nhắc tới những người nông dân và quy trình của cà phê. Tại sao vậy?

Tôi muốn Highlands phải phát triển từ người vun luống cà phê, người tách lựa từng hạt cà phê cho đến người bưng ly cà phê phục vụ. Tất cả những người này đều trong một mối quan hệ liên hoàn. Tất cả các khâu này đều phải tốt mới tạo ra được một thương hiệu Highland coffee hoàn hảo và bền vững được.

Được biết vợ anh là người Pháp. Tôi đang hình dung ra một gia đình nói ba thứ tiếng?

(Cười). Một gia đình Việt Nam đúng nghĩa. Hiện chúng tôi đang sống ở Phú Mỹ Hưng, các con tôi có những người bạn Việt những người bạn Hàn Quốc và Pháp… trong trường học và trong khu phố, chúng nói tiếng Việt giỏi hơn tôi.

(Cười). Vợ tôi cũng đã ở Việt Nam lâu rồi, chúng tôi quen nhau từ thời sinh viên lúc tôi đang học ở Hà Nội. Đến nay, chúng tôi cũng vẫn là những người bạn, cùng chung một công việc. Niềm vui của tôi là kết thúc công việc, trở về nhà bên người vợ và những đứa con đáng yêu của mình.

Cả một thời gian dài đứng mũi chịu sào gây dựng cơ nghiệp, nay đã là người đứng đầu một công ty lớn như vậy, anh nghĩ gì?

Giờ ngoảnh lại thấy mình gần như không có tuổi thanh niên theo nghĩa rong chơi một chút. (Cười). Thành lập một công ty tức là thành lập một tập thể, để mời gọi hơn 1.700 người đi theo cùng một hướng, đó là thách thức lớn, nên phải có tầm nhìn và mục đích rõ ràng.

Câu chuyện của anh gợi cho tôi nhiều điều về những người trẻ ưu tú. Anh khiến tôi nhớ đến một đoạn trong một bài viết “Tám mẩu suy nghĩ về giới trẻ” của nhạc sĩ Dương Thụ: “Người Việt Nam tinh hoa trước tiên phải là một người nặng nợ với nơi mình sinh ra, yêu tiếng mẹ đẻ và nền văn hóa dân tộc. Sự chuyên sâu và một năng lực thẩm mỹ cao dựa trên nền tảng văn hóa cơ bản, vững vàng và dày dặn. Người tinh hoa phải có khả năng tỏa sáng và lôi cuốn người khác trong những công việc mang lại lợi ích cho cộng đồng. Tinh hoa không chỉ là giá trị trên phương diện nhận thức mà còn là giá trị trên phương diện hành động.

>> David Thái và Highlands Coffee

David Thái sinh năm 1972 tại miền Nam Việt Nam trong gia đình người Bắc. Năm 1978, gia đình anh đến sinh sống tại Seattle. Anh đã học triết học và kinh doanh tại Mỹ.

1996 – Trở lại Hà Nội, Việt Nam. David theo học một năm về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.

1998 – Là Việt Kiều đầu tiên đăng ký thành lập công ty tư nhân Việt Nam.

2000 – Là công ty tư nhân đầu tiên đăng ký hoạt động dưới hình thức một công ty cổ phần. Tung ra sản phẩm cà phê rang xay đóng gói thương hiệu “Highlands Coffee” thông qua các khách sạn cao cấp và hệ thống siêu thị.

2002 – Quán cà phê Highlands Coffee đầu tiên tại Thành Phố Hồ Chí Minh được khai trương tại tòa nhà Metropolitan, đối diện nhà Thờ Ðức Bà. Một tuần sau đó, quán cà phê đầu tiên tại Hà Nội cũng ra đời đánh dấu những bước phát triển không ngừng của công ty.

2006 – Quán Highlands Coffee tại Saigon Center ra mắt với một diện mạo mới, mở ra một tương lai của việc đầu tư quy mô.

2007 – 70 quán trên khắp Việt Nam là mục tiêu đặt ra đến cuối năm, sẽ bao gồm luôn cả những “điểm nóng” như Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Đến nay, Công ty Cổ phần Việt Thái quốc tế đã có 1.700 nhân viên, trong đó có 12 người nước ngoài, quán xuyến hệ thống nhiều điểm cà phê Highlands Coffee ở nhiều thành phố.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng