Đó là khẳng định của tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách và phát triển nông thôn (IPSARD) khi trao đổi với Đất Việt về vấn đề cần có một chính sách hỗ trợ, giúp nông dân gắn bó với nông nghiệp.
– Gần đây có nhiều nhóm hàng được hỗ trợ mua tạm trữ như lúa gạo, cà phê, muối. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của giải pháp này?
– Tạm trữ là cố gắng của Chính phủ trong tình thế năng lực quản lý hạn chế, nhưng nhìn vào hiệu quả của chương trình này thì không như ý muốn. Vừa qua chúng ta tạm trữ cà phê, muối, lúa gạo… nhưng chẳng tác động nhiều đến việc tăng thu nhập của nông dân. Bởi cách hỗ trợ này là hỗ trợ gián tiếp. Tiền của Chính phủ qua ngân hàng, doanh nghiệp mới đến người dân nên hiệu quả khó đạt được như mong muốn.
Tạm trữ không thể là chính sách hỗ trợ lâu dài, thay vào đó phải tìm cách hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, tránh nguy cơ làm méo mó thị trường. Tốt nhất là hỗ trợ mua máy móc, trang thiết bị, áp dụng khoa học công nghệ, mở rộng quy mô đất đai, giống vật tư nông nghiệp, hạ giá thành đầu vào sản xuất cho nông dân… hơn là thực hiện theo kiểu trợ giá hiện nay. Đồng thời nông dân nên có nguồn thông tin dự báo thị trường tin cậy để địn hướng sản xuất.
– Hiện nay ở trong nước có đơn vị nào đủ uy tín thực hiện việc dự báo thị trường cho nông dân?
– Ở Việt Nam hiện có khá nhiều cơ quan, trung tâm hoạt động dự báo hay định hướng thị trường. Nhưng để có một đơn vị đủ tầm cỡ, năng lực theo đúng chuyên môn thì đến nay chưa có.
– Vì sao, thưa ông?
– Cái khó hiện nay là Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý sản xuất, phát triển nông thôn, còn quản lý thị trường lại thuộc Bộ Công thương, về an toàn vệ sinh lại thuộc trách nhiệm Bộ Y tế. Có thể do cơ chế quản lý như vậy mà có nhiều chính sách, đề xuất của chúng tôi chưa thể được triển khai, áp dụng.
– Cám ơn ông.
Ông Sơn khẳng định, dù định hướng công nghiệp hóa, nhưng đến nay trong công nghiệp Việt Nam chưa có những nhóm ngành hàng lợi thế. Trong khi đó, nông nghiệp thì rất nhiều: gạo, tiêu, điều, chè, cà phê, thủy sản, đồ gỗ… là những mặt hàng mà Việt Nam có thể vị thế trên thị trường thế giới và mang lại ngoại tệ lớn cho quốc gia. Thế nhưng chúng ta vẫn cứ mãi để người nông dân tự xoay sở: vốn của họ, cách thức tổ chức của họ, quyết định trồng con gì, nuôi con gì hoàn toàn do nông dân.
Ông Sơn cho rằng, để nông dân đủ năng lực quyết định thì cần vai trò định hướng. Tuy nhiên, chúng ta chưa có chiến lược rõ ràng, chưa chỉ rõ vùng nào sản xuất tốt, vùng nào không tốt; chưa cho vay vốn đầu tư phát triển khoa học công nghệ, xây dựng phát triển hạ tầng để nông dân sản xuất có lợi. Thêm vào đó công tác dự báo, nghiên cứu thị trường để người dân biết sản xuất mặt hàng nào, quy mô ra sao, áp dụng công nghệ nào… thì có lợi, đặc biệt là những mặt hàng có tính tương lai lâu dài. Làm được điều này mới khắc phục được việc sản xuất mà không có nơi tiêu thụ.