Sầu riêng Việt Nam có lợi thế vụ sản xuất kéo dài từ tháng 4 năm nay đến tháng 5 năm sau, nên vẫn có lợi thế cạnh tranh so với hàng Thái Lan và cũng “không sợ” sầu riêng Trung Quốc.
Đó là chia sẻ từ ông Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 31.3, thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp và xuất, nhập khẩu nông, lâm sản 3 tháng đầu năm.
Ông Lê Văn Đức cho biết, sầu riêng Việt Nam đang bị cạnh tranh quyết liệt với sầu riêng Thái Lan cả về chất lượng lẫn số lượng khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Thái Lan là nước có nền sản xuất sầu riêng đi trước Việt Nam nhiều thập kỷ, trình độ sản xuất lẫn thương hiệu đều tốt hơn.
Trong thời gian vừa qua, sầu riêng là cây trồng có diện tích phát triển tương đối “nóng”. Trước đây, sầu riêng chủ yếu tập trung ở ĐBSCL. Do ảnh hưởng xâm nhập mặn, diện tích trồng sầu riêng có xu hướng chuyển dịch lên Đông Nam bộ, Tây nguyên.
Cũng theo ông Đức, Bộ NN-PTNT đã có Chỉ thị 8084 cho các địa phương xây dựng vùng trồng sầu riêng tập trung gắn với chế biến, liên kết với doanh nghiệp. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để cơ quan chức năng rà soát cấp mã số vùng trồng, mã số xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Bộ NN-PTNT khuyến cáo người dân không tự ý chặt phá cây trồng khác để chuyển sang trồng sầu riêng như xảy ra ở Tây nguyên, Tây Nam bộ.
Theo ông Lê Văn Đức, để sầu riêng Việt Nam xuất khẩu được giá cao thì phải quan tâm đến chất lượng và bắt đầu từ cây giống, phải quản lý chặt chẽ nguồn gốc giống đưa vào canh tác.
Bên cạnh đó, sầu riêng Việt Nam có lợi thế riêng, không sợ sự cạnh tranh của sầu riêng Trung Quốc. Sầu riêng Việt Nam có vụ sản xuất từ tháng 5 năm nay cho đến tháng 4 năm sau và thời gian này rơi vào mùa khô và mùa đông của Thái Lan và Trung Quốc nên sẽ có lợi thế xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường.
Thông tin từ Cục Trồng trọt cho hay, theo Đề án phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và năm 2030, Bộ NN-PTNT định hướng cả nước có khoảng 65.000 – 75.000 ha trồng sầu riêng, với sản lượng 830.000 – 950.000 tấn. Đến cuối năm 2022, diện tích trồng sầu riêng đạt khoảng 110.000 ha, tăng 35.000 ha so với định hướng của Bộ NN-PTNT.
Theo Cục Trồng trọt, từ khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, giá bán sầu riêng cao hơn so với nhiều loại cây ăn quả khác, là nguyên nhân khiến người dân ồ ạt chuyển đổi sang trồng sầu riêng.
Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu sầu riêng với số lượng lớn từ Thái Lan, Việt Nam. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, năm 2022 nước này nhập khẩu 825.000 tấn sầu riêng, với tổng giá trị 4,03 tỉ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu của Thái Lan chiếm 3,85 tỉ USD.
Theo thông tin từ báo chí Trung Quốc, sau 4 năm trồng sầu riêng, bắt đầu từ năm nay, nước này đã có sản phẩm cung ứng ra thị trường với số lượng lớn. Trung Quốc đang triển khai trồng sầu riêng công nghiệp, dự báo đến năm 2028, sản lượng sầu riêng sẽ đạt giá trị 727 triệu USD và đây sẽ là áp lực cạnh tranh đối với sầu riêng từ Thái Lan, Việt Nam.