Những năm đó, năm mà thực dân xâm lược nước ta, chúng tìm mọi cách đặt ách thống trị đối với đồng bào Tây Nguyên; và vào những năm đó, lòng dân Tây Nguyên luôn theo Ðảng, theo cách mạng đấu tranh quật cường, mà cho bọn xâm lược nhiều phen khiếp vía.
Lòng đấu tranh đó luôn theo buôn làng trong đấu tranh chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và trong cả xây dựng kinh tế, nay những vùng quê năm xưa đã đổi thay, đồng bào đã có cuộc sống ấm no từng ngày.
Thời Pháp thuộc, Tây Nguyên (Cao Nguyên) trung phần trong đó có Ðác Lắc thuộc xứ Trung kỳ và vẫn chưa thành khu vực hành chính. Các nhà tư bản Pháp lần lượt kéo vào Cao Nguyên lập đồn điền. Với tinh thần yêu nước, yêu độc lập tự do, kiên cường và bất khuất, nhân dân Tây Nguyên cũng như nhân dân các dân tộc Ðác Lắc anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp ngay từ những ngày đầu chúng đặt chân lên đây. Hai toán lính Pháp đầu tiên đi theo thung lũng sông Ba và sông H’Năng đã bị đồng bào M’Rhur (Ê Ðê) chặn đánh phải trở về đồng bằng. Năm 1900, tên công sứ Buorgois đem quân lên thuyết phục người Bíh ở lưu vực sông Krông Ana và sông Krông Nô (Ðác Lắc) cũng bị nghĩa quân Nơ Trang Gưh đánh. Các đồn ở buôn Tuor, buôn Djiêng, buôn Djou, buôn Phety, buôn Trinh… cũng bị các nghĩa quân và nhân dân trong vùng vây đánh. Ðặt chân lên Ðác Lắc đã khó, thiết lập cho được ách thống trị và thực hiện công việc khai thác ở vùng đất này càng khó. Thực dân Pháp đã vấp phải phong trào đấu tranh mạnh mẽ của đồng bào các dân tộc, mà đứng đầu là các tù trưởng, những người có uy tín trong địa phương. Phong trào đấu tranh đó diễn ra liên tục, ngày càng quyết liệt, nhiều phong trào đã ghi những mốc son trong lịch sử đấu tranh của đồng bào Tây Nguyên anh hùng.
Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Ðảng ta luôn chú ý công tác lãnh đạo, tổ chức và vận động cách mạng trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Giải phóng đồng bào các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng trong cuộc cách mạng phản đế và điền địa ở Ðông Dương. Quá trình phát triển cuộc vận động giải phóng dân tộc ở Ðác Lắc từ năm 1930 trở đi là quá trình đồng bào các dân tộc đi theo Ðảng và cũng là quá trình Ðảng thâm nhập phong trào để nắm bắt quần chúng, lãnh đạo phong trào cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ các phong trào cách mạng đó đã góp phần cùng cả nước khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Lớn lên cùng cách mạng và với truyền thống đoàn kết, quân và dân các dân tộc Ðác Lắc đã lập nên nhiều chiến công vang dội cùng đồng bào cả nước chống thực dân Pháp và tiếp tục đấu tranh chống đế quốc Mỹ cho đến ngày cả nước thống nhất.
Tháng Tám này, chúng tôi có dịp trở lại Buôn Ðung, xã Ea Khal, Ea H’leo, tỉnh Ðác Lắc. Ðây là một buôn căn cứ cách mạng. Buôn đã nhiều lần bị giặc Mỹ ném bom đánh phá làm chết người, cháy sập nhà cửa, thiêu trụi ruộng rẫy, gia súc, gia cầm của bà con. Thế nhưng, dù gian khổ, hy sinh, người dân nơi đây luôn một lòng một dạ theo Ðảng, theo cách mạng. Sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, được sự quan tâm của Ðảng, chính quyền các cấp, bà con buôn Ðung đã thực hiện định canh, định cư để làm ăn sinh sống, xây dựng buôn làng. Bộ mặt buôn Ðung đã không ngừng đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của bà con từng bước được nâng cao… Cách đây không lâu, có một số kẻ xấu lén lút đến buôn Ðung xuyên tạc đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước, kích động gây rối ANTT, lôi kéo một số người nhẹ dạ theo tà đạo “Tin Lành Ðê Gar”. Tuy nhiên, kẻ xấu đã không thể thực hiện được ý đồ phá hoại, vì bà con buôn Ðung rất cảnh giác, không bị dụ dỗ, mua chuộc. Cùng với chính quyền, người dân bàn nhau sớm tẩy chay, bài trừ cái gọi là “tôn giáo” phản động ấy ra khỏi buôn làng, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm trong buôn, chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, cuộc sống của người buôn Ðung luôn yên bình, ổn định với nhiều dòng họ, gia đình tiêu biểu về lao động sản xuất và bảo vệ ANTT. Buôn đã đạt danh hiệu văn hóa và là một buôn khá giả của huyện Ea H’leo. Hiện buôn có 247 hộ thì có 31 hộ giàu, 48 hộ khá giả, không có hộ nghèo đói. Các em nhỏ trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Hiện nay buôn Ðung có gần 20 em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Thanh niên trong buôn lo làm ăn và tham gia các hoạt động xã hội, không vi phạm pháp luật. Tiêu biểu có gia đình Y Bơn Êban. Với hai ha cà-phê, hai ha đất trồng hoa màu, nhờ biết học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nên hằng năm gia đình ông thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Gặp Y Tông Sruk ở buôn Giêng Kao, xã Ðác Phơi, huyện Lắc, anh bộc bạch: Ðược sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, thú y, gia đình thu hơn 15 tấn lúa, 12 tấn ngô/năm, mỗi loại tăng hơn trước sáu tấn. Ðàn heo của gia đình mỗi lứa cũng được 30 con. Y Tông Sruk bảo: Ðúng là có áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên cây trồng năng suất, vật nuôi cao hơn nhiều và thu nhập mỗi năm hơn trăm triệu đồng. Gia đình mình có cuộc sống ổn định là nhờ Ðảng, Nhà nước, nay gia đình còn giúp cho bà con khó khăn trong buôn vay hơn 20 triệu đồng để giúp mọi người nâng dần mức sống.
Nghe tiếng cười nói của người dân lên nương lên rẫy, ít ai nghĩ trong kháng chiến Nâm Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Ðác Nông) là một trong những vùng căn cứ cách mạng sớm nhất của vùng cực nam Tây Nguyên, và nơi đây cũng là một chiến trường ác liệt. Ấn tượng đầu tiên đối với những ai mới đến vùng đất này là ngôi trường tiểu học Lê Văn Tám được xây dựng kiên cố, khang trang, tọa lạc trong một khuôn viên rộng, bằng phẳng. Phía trước trường là con đường nhựa dẫn ra huyện. Bí thư Ðảng ủy xã Nâm Nung Trần Văn Quang cho biết: Tuy là một xã vùng sâu, nhưng các ngả đường từ xã về trung tâm huyện đều được tráng nhựa phẳng lì, muốn đi đường nào cũng được, chẳng còn phải chịu cảnh bụi mù, lầy lội như trước đây; thôn, buôn của xã cũng được nhựa hóa đến 60%. Hệ thống điện, trường học, trạm y tế, thủy lợi, nước sinh hoạt phục vụ đời sống dân sinh hiện cũng đã khá hoàn chỉnh. Hiện toàn xã có đến 200 hộ dân trồng được trên 500 ha cao-su, 80 ha rừng nguyên liệu, trong đó có gần 50 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, có hộ đầu tư trồng từ 10-20 ha cao-su. Ngoài nguồn vốn ưu đãi thông qua Dự án đa dạng hóa nông nghiệp nhiều hộ đã tự bỏ vốn để trồng. Người dân còn ký kết với Lâm trường Nâm Nung phát triển được gần 200 ha cao-su tiểu điền, với 140 hộ tham gia chăm sóc, trong đó một số diện tích đã đi vào khai thác. 100% số hộ dân tộc thiểu số tại chỗ đã được định canh, định cư, cuộc sống tương đối ổn định, nhiều hộ đã làm được nhà cửa khang trang, mua sắm được xe càng, xe máy và nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền khác như nhà Ma Cường, Ma Quang, K’Chung…
Ðó mới chỉ là một phần những đổi thay trên Tây Nguyên do Ðảng, Nhà nước quan tâm đầu tư để bà con ổn định phát triển sản xuất. Xưa cũng như nay đồng bào Tây Nguyên, đồng bào cả nước luôn một lòng theo Ðảng, theo cách mạng để đánh đuổi kẻ thù và cùng đồng bào cả nước chinh phục thiên nhiên, phục vụ xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc.