Đề xuất lập sở giao dịch cà phê Robusta tại Việt Nam

Các chuyên gia góp ý cà phê muốn vươn ra thị trường thế giới cần phải xây dựng thương hiệu, tư duy lại từ sản xuất, thu hoạch, chế biến tăng giá trị và phù hợp với tiêu dùng xanh của các nước trên thế giới.

Nhiều giải pháp về xây dựng phát triển thương hiệu cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới được đưa ra tại hội thảo “Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?” trong khuôn khổ chương trình Tôn vinh cà phê Việt năm 2023 do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 4-3.

Cà phê Việt cần tự tạo lập giá

Ông Trần Thanh Hải, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sở giao dịch Cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột, cho rằng cần thành lập Sở giao dịch cà phê để thay đổi tạo lập giá trị cà phê Việt Nam. Lí do, Việt Nam là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, khoảng cách giữa cái nhất của mình và quốc gia đứng thứ 2 là rất xa. Thông thường lẽ ra, Việt Nam phải là bên quyết định giá cà phê Robusta vì chúng ta chiếm tới 60% thị phần thế giới. Giá bán cà phê ở thị trường cà phê rang xay ở Bắc Mỹ vẫn cao hơn nhiều so với Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sở giao dịch Cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột: “Lập sở giao dịch để cà phê Việt Nam sẽ là người tạo lập giá”

Vì vậy theo ông Hải, cần thiết phải thành lập Sở giao dịch cà phê Robusta tại TP.HCM, xây dựng sở giao dịch cà phê, kho ngoại quan tại Đông Nam Bộ. Ví dụ, cần có kho ngoại quan ngay ở Đông Nam Bộ, cần thuê cảng – cho không chỉ cà phê mà các loại nông sản khác – giao dịch online và có hàng ở kho để giao hàng vật chất ngay khi khách hàng cần… Từ đó, cà phê Việt Nam sẽ là người tạo lập giá chứ không phải đi theo giá của họ. Bài học kinh nghiệp từ kinh doanh dầu cọ của Malaysia là minh chứng.

Xem thêm: Đắk Lắk “khai tử” sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột

Xây thương hiệu cà phê Việt “sạch, xanh”

Ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam – Quốc tế, cho biết để phát triển và nâng giá trị cà phê Việt trong thời gian tới, chúng ta cần chú trọng đầu tư sản xuất cà phê sạch để đáp ứng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là những thị trường khó tính. Thứ 2, chúng ta phải chế biến sâu.

“Hiện nay, rất ít công ty làm thương hiệu cho cà phê Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Thái Lan có loại cà phê cao cấp, bán đến 50 USD-100 USD/ly ở các khách sạn 5 sao trên thế giới”- ông Cường chia sẻ.

Việt Nam phải sản xuất cà phê sạch để đáp ứng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là những thị trường khó tính. Ảnh: QH

Việt Nam phải sản xuất cà phê sạch để đáp ứng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là những thị trường khó tính. Ảnh: QH

Theo ông Cường, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng chưa có thương hiệu nào góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới. Thứ 3, cần xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các vùng trồng cà phê lớn để gia tăng giá trị cho sản phẩm cà phê từ các vùng trồng này.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), cho biết ngành hàng cà phê muốn đi xa phải đi cùng nhau, phải có sự liên kết giữa các tỉnh. Đồng thời, kết hợp đặc điểm từng vùng, từng địa phương để tạo thành quy mô lớn hơn, xây dựng thương hiệu cà phê Tây Nguyên. Thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục triển khai các dự án để phát triển cà phê bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: “Cà phê muốn cạnh tranh phải xây dựng thương hiệu”. Ảnh: QH

“Cà phê muốn vươn ra thị trường thế giới cần phải xây dựng thương hiệu, tư duy lại từ sản xuất, thu hoạch, chế biến phù hợp với biến đổi khí hậu, phù hợp với tiêu dùng xanh của các nước trên thế giới”- ông Hoan chia sẻ.

>> Nâng giá trị cà phê Việt: Đầu tư mạnh vào thương hiệu

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Vu Duc

    Trước kia trên BMT cũng có 1 sàn giao dịch cà phê mà hoạt động không hiệu quả, kết quả giờ đi ngang qua thấy bỏ hoang cỏ mọc um tùm. Giờ thành lập một sàn giao dịch cà phê khác thì phải có một chiến lược cạnh tranh rõ ràng với các sàn lâu đời trên thế giới chứ không lại đạp lại vết xe đổ của sàn giao dịch cà phê BMT.

Tin đã đăng